Cần tiếp tục đổi mới chính sách và pháp luật về cai nghiện ma túy

20/11/2015 14:20

Việt Nam hiện đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về công tác cai nghiện, hỗ trợ phục hồi sau cai nghiện ma túy, thể hiện qua việc xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị định, văn bản hướng dẫn, thi hành của các Bộ, ngành nhằm tạo mọi điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho người nghiện,giúp họ có thể từ bỏ hiểm họa ma túy, trở về hòa nhập với cuộc sống cộng đồng vì sự bình yên của xã hội, gia đình và trên hết là giành lại sự sống của chính bản thân người nghiện.

Học viên cai nghiện được học nghề - Ảnh: Internet

Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, ngày nay các nhà quản lý đã khẳng định rằng nghiện ma túy là một bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy của nhiều nước trên thế giới cũng đã chứng minh việc sử dụng rộng rãi các biện pháp bắt bớ hoặc bỏ tù người sử dụng ma tuý cùng với sự gia tăng các biện pháp trừng phạt không phải là biện pháp có hiệu quả trong việc đối phó hay kiểm soát các vấn đề liên quan đến ma tuý và sử dụng ma tuý.

Ở Mỹ, ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ trước (năm 1932) các nhà quản lý đã nhận ra rằng không thể cai nghiện ma túy thành công theo phương pháp cai nghiện bắt buộc vì tỷ lệ tái nghiện rất cao (97 - 98%). Theo đó, liệu pháp điều trị nghiện thay thế bằng methadone được sử dụng  trong điều trị lạm dụng ma túy vào năm 1964 và được Chính phủ Mỹ công nhận là liệu pháp có hiệu lực từ năm 1985 (methadon được WHO - Tổ chức y tế thế giới bổ sung vào danh mục các loại thuốc thiết yếu từ năm 2005).

Cũng giống như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, từ giữa những năm 1990, chính sách ma túy của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi tư tưởng phòng, chống tệ nạn xã hội.Trong đó, tập trung vào phòng, chống tệ nạn ma túy là một trong những chính sách được ưu tiên hướng tới. Năm 1997, chúng ta đã tham gia 3 Công ước quốc tế (1961, 1971, 1988) về phòng, chống ma túy. Những chủ trương này đã định hướng cho chính sách, pháp luật về ma túy của chúng ta. Đó là các chế tài tập trung vào việc xử lý nghiêm khắc các hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy. Nhất là coi người nghiện ma túy là người mắc tệ nạn xã hội, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người nghiện ma túy bị xử lý vi phạm hành chính (xử phạt; giáo dục tại xã phường thị trấn; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) hoặc bị xử lý hình sự.

Sau khi tiếp thu kinh nghiệm và những thành tựu khoa học của thế giới, thay đổi cách ứng xử với người nghiện ma túy cho phù hợp hơn,coi người nghiện ma túy là một loại bệnh mạn tính; thay vì xử lý hành chính hoặc hình sự người nghiện ma túy vì lý do họ nghiện ma túy thì tổ chức chữa bệnh cho phù hợp với những nhóm đối tượng nghiện ma túy khác nhau. Đây là khâu đột phá trong việc xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy của Việt Nam.

Theo đó chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy của Việt Nam từng bước được cải thiện đáng kể. Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 được sửa đổi, bổ sung năm 2008, tại Điều 34a quy định “… Biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy được triên khai trong nhóm người nghiện ma túy thông qua chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Chính phủ quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy và tổ chức thực hiện các biện pháp này”. Luật Phòng, chống chống HIV/AIDS, trong đó quy định điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là một trong các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV. Bộ Luật Hình sự số 37/2009/QH12 được sửa đổi bổ sung năm 2009 đã bãi bỏ Điều 199 về tội sử dụng trái phép các chất ma túy.

Năm 2006, Đề án “Triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone” tại Hải Phòng,  Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác đã đạt được kết quả tích cực và chỉ rõ đa số bệnh nhân tham gia điều trị có những chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống, tình hình an ninh, trật tự xã hội tại các địa phương triển khai thí điểm đề án đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ bệnh nhân sử dụng heroin giảm rõ rệt, chỉ có 12,5% số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm heroin dương tính vào tháng thứ 9 (tính từ khi bắt đầu điều trị). Do đó, tỷ lệ người nhiễm HIV do tiêm chích heroin giảm. Hiệu quả về kinh tế cũng cho thấy, để xây dựng một trung tâm cai nghiện cho khoảng 1.000 người, cần khoảng 70 tỷ đồng; trong quá trình điều trị, người nghiện phải chi khoảng 70 triệu đồng/người. Trong khi đó, điều trị cho 1.000 người bằng methadone thì chỉ cần 20 tỷ đồng.

Ngày 27/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020. Trong đó quan điểm về cai nghiện ma túy được nhấn mạnh và làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai Đề án. Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của bộ não, điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Từ đó cần thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện gồm điều trị nghiện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các Trung tâm với lộ trình phù hợp. Điều trị nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của tòa án nhân dân.Tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp tại cộng đồng.

Nhà nước đầu tư nguồn lực và có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác dự phòng và điều trị nghiện; hỗ trợ điều trị nghiện cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn. Các đối tượng khác do cá nhân và gia đình người nghiện có trách nhiệm tham gia, đóng góp.

Ngày 13/12/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2434/QĐ-TTg về rà soát thống kê người nghiện ma túy. Việc rà soát, thống kê người nghiện ma túy có vai trò, ý nghĩa to lớn và cấp thiết trong việc xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, chủ trương, kế hoạch phòng, chống ma túy và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Để đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, chính sách, pháp luật về cai ma túy, cần hướng tới đạt được những mục tiêu sau đây:

Một là, giảm số người sử dụng ma túy với tính chất sử dụng gây hại.

Hai là, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ có chất lượng, hiệu quả cho người sử dụng ma túy hợp pháp, trên cơ sở họ được cung cấp đầy đủ thông tin và tự nguyện tham gia.

Ba là, giảm sự lây lan của HIV trong nhóm sử dụng ma túy và từ nhóm sử dụng ma túy ra cộng đồng.

Xây dựng chính sách, pháp luật về ma túy nói chung, về cai nghiện ma túy nói riêng có ý nghĩa và vai trò to lớn trong việc ra quyết định trong công tác phòng,chống và kiểm soát ma túy. Trên thực tế chúng ta đã thực hiện thành công một số bước của quá trình thay đổi chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy. Lợi ích về y tế và xã hội của chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone đã minh chứng cho điều đó.

Chính sách, pháp luật về cai nghiên ma túy có hiệu quả sẽ phải dựa trên quyền con người, giảm được gánh nặng kinh tế mà ma túy gây ra và cải thiện được sức khỏe của người sử dụng ma túy; đồng thời nó sẽ là nền tảng cho việc ra các quyết định được ban hành từ chính sách đó.

Top