Cần giải pháp tổng thể để phòng ngừa học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện

30/01/2020 09:20

Việc học viên cai nghiện bỏ trốn khỏi cơ sở gây nhiều hậu quả, vì vậy cần giải pháp tổng thể, đồng bộ để hạn chế tình trạng này.

* Bàn về việc học viên cai nghiện trốn khỏi cơ sở

Trốn gây ra nhiều hậu quả

Trốn lẻ tẻ, đặc biệt trốn tập thể, ngoài việc nhiều tài sản bị phá hoại, gây thương tích cho 1 số cán bộ, chính quyền địa phương thì còn gây ra nhiều hậu quả khác, tạo ra các tiền lệ không tốt, dù tỷ lệ trốn trung bình hàng năm chỉ trên dưới 1% tổng số học viên (HV) và hầu hết được đưa trở lại cơ sở cai nghiện (CSCN) trong thời gian ngắn. Hoạt động của CSCN bị đảo lộn; HV trốn bị gián đoạn quy trình điều trị, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả cai nghiện; gây ra phản ứng dây chuyền trốn ở các CSCN khác. Người dân ở gần CSCN và nơi người trốn đi quacó tâm lý hoang mang lo sợ, một số bị cướp bóc tài sản. Có HV trốn khỏi nơi cư trú và sau này vi phạm pháp luật hình sự... Việc tăng cường cán bộ bảo vệ cũng làm hạn chế số lượng cán bộ chuyên môn khác như y tế, điều trị, tư vấn, giáo dục, dạy nghề… trong tổng số biến chế cán bộ CSCN.

Giải pháp phải mang tính tổng thể

Tuy có một số điểm đặc thù nhưng giải pháp phòng chống trốn phải nằm trong tổng thể giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cai nghiện ma túy. Các giải pháp như bài trước đã nêu (giảm tải cho sức chứa các cơ sở cai nghiện, nâng cấp cơ sở vật chất các hạng mục công trình, chú trọng công tác chuyên môn nghiệp vụ cai nghiện, tăng tỷ lệ học viên cai tự nguyện…) chỉ là một phần của giải pháp tổng thể cai nghiện được thực hiện ở CSCN và cần được tiến hành đồng bộ. Vì nếu chỉ riêng xây thêm nhà ở cho HV, cải thiện bữa ăn, làm tường rào chắc chắn, tăng cường lực lượng bảo vệ… sẽ không giải quyết triệt để việc bỏ trốn của HV. Các biện pháp đơn lẻ chỉ mang tính tình thế. "Nước nổi, thuyền nổi", khi công tác cai nghiện có chất lượng, hiệu quả rõ rệt thì tình trạng bỏ trốn không thể tồn tại. Đó là "căn cơ" phòng chống bỏ trốn.

Hiện nay, Cơ sở cai nghiện tỉnh Lâm Đồng không thể tiếp nhận nhiều người nghiện từ mọi miền đến đăng ký cai nghiện tự nguyện. Đó là một cơ sở cai nghiện thân thiện, có nhiều điểm tiệm cận với chuẩn quốc tế về điều trị nghiện. Ở đó, phòng Tư vấn cai nghiện được coi trọng, mỗi HV đều được tư vấn hữu ích và có phiếu theo dõi "Quản lý ca". Hoạt động tại cơ sở rất phong phú, đều hướng đến HV. Các chế độ đều công khai, minh bạch, thường xuyên lấy phiếu dân chủ, tổ chức cho HV phản biện và lắng nghe ý kiến của HV về cách thức hoạt động, cơ sở sẵn sàng sửa chữa, thay đổi. Đầu năm 2020, cơ sở vừa tổ chức "Thi ý tưởng xây dựng môi trường đáng sống trong Trung tâm", có gần 50 HV tham gia với nhiều phát biểu hết sức cảm động. Điều đó nói nên rằng, chống HV bỏ trốn phải chống từ gốc, từ sự cảm nhận về sự hoạt động hữu ích của cơ sở hơn là tăng cường răn đe, thụ động xử lý khi sự việc xảy ra.

Học viên tại cơ sở cai nghiện tỉnh Lâm Đồng tham gia gói bánh chưng nhân dịp Tết 2019

Khi hệ thống CSCN đã vận hành tốt, bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ nghiện có thể điều trị được, thế nào là cai nghiện thành công, cần cho mọi người thấy hoạt động của CSCN, xóa đi sự "sợ hãi", mặc cảm, "dán nhãn" không hay về CSCN. Để những người nghiện muốn đi cai nghiện hiểu rõ trong CSCN mọi người được tôn trọng, đối xử nhân đạo, bình đẳng, được chăm sóc chu đáo mọi mặt, không có cán bộ vô cảm với chức phận, không có nạn đầu gấu bạo hành, ăn chặn, lao động là trị liệu, không quá sức…Làm tốt tuyên truyền sẽ tạo tiền đề người nghiện thực sự "tự nguyện" cai nghiện thay vì "tự nguyện" của bố mẹ, người thân, do áp lực của chính quyền là chính và cũng để phòng ngừa tư tưởng trốn sau này. "Hữu xạ tự nhiên hương", không gì bằng HV trở về đánh giá về CSCN và nói với những người sẽ vào cai nghiện.

Quan tâm giai đoạn tiếp nhận, phân loại HV cai nghiện. Phải xây dựng cho mỗi HV một chương trình cai nghiện riêng căn cứ vào một loạt thông số thu thập rất cụ thể về nhân thân của họ: hoàn cảnh gia đình, tính chất, mức độ nghiện, tình trạng sức khỏe, bệnh tật, tiền án, tiền sự, mối quan hệ xã hội, tâm lý, sở thích, nghề nghiệp… để từ đó tiến hành các can thiệp chuyên môn phù hợp, đồng thời, làm cơ sở ban đầu theo dõi diễn biến tâm lý trong quá trình cai.

Cùng với chú trọng công tác tư vấn điều trị, cần thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, không chủ quan, lơ là, luôn đề cao cảnh giác, theo dõi, giám sát chặt chẽ tâm lý, hành vi HV. Những người có biểu hiện bất thường, khủng hoảng, khó khăn cần được tìm hiểu, giáo dục, giúp đỡ nhiệt tình để vượt qua. Có biện pháp quản lý chặt HV hay gây rối, xử lý kiên quyết, mạnh mẽ, kể cả biện pháp hình sự đối với những người có ý đồ, kế hoạch, tạo cớ lôi kéo HV bỏ trốn.

Xem xét theo hướng rút ngắn khung thời gian cai nghiện bắt buộc (có thể tối đa là 1 năm). Điều này phù hợp với nội dung chuyên môn của quy trình cai nghiện, phù hợp với thời gian cai nghiện của nhiều nước trên thế giới (sau đó, họ thực hiện nhiều chương trình chăm sóc sau cai ở người cộng đồng). Tạo nhiều cơ hội cho người cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho CSCN có thể tiếp nhận cai nghiện cho nhiều lượt người trong khoảng thời gian nhất định.

Hướng dẫn quy định khung thời gian cai nghiện bắt buộc (6 tháng, 9 tháng, 1 năm) để Tòa án có căn cứ thống nhất áp dụng với từng người cai nghiện căn cứ vào tính chất, mức độ nghiện, tình trạng bệnh tật và các vấn đề nhân thân khác…

Nên bỏ nội dung tổ chức cho người nghiện đọc hồ sơ quy định trong trình tự, thủ tục đưa vào CSCN. Có biện pháp quản lý chặt chẽ người nghiện sau khi Tòa án tuyên bố quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Truyền hình VTV1 và báo chí nên chăng không đưa tin quá chi tiết vụ việc bỏ trốn tập thể trong khung giờ HV ở các CSCN được xem tivi.

Thực hiện tổng thể giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác cai nghiện, trong đó có giải pháp chống bỏ trốn là công việc rất lớn, không chỉ là công việc cấp bách trước mắt, không thể chỉ của cán bộ CSCN mà là của các cấp chính quyền. Việc tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở CSCN liên quan lớn đến đất đai, kinh phí, tổ chức biên chế, chính sách tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, áp dụng các phương pháp cai nghiện tiên tiến, xây dựng CSCN thân thiện, kiểu mẫu… đòi hỏi phải đổi mới cơ chế, chính sách, sự vào cuộc thực sự của các cấp, các ngành, đặc biệt là đổi mới nhận thức về cai nghiện.

Top