Bảo vệ trẻ trước hiểm họa ma túy

15/04/2016 16:45

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ trước tiên trước tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Ma túy không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, cách cư xử của các em mà còn dẫn đến tình trạng thất học, bạo lực, tội phạm ở trẻ em.

Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học - Ảnh minh họa

Gần đây, một số thông tin liên quan đến ma túy tấn công trường học đã gây hoang mang dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Như vụ việc một số học sinh trường tiểu học Dư Hàng (TP Hải Phòng) bị nhóm đối tượng lạ ép dùng ma túy, đến lúc bị phụ thuộc, các học sinh này về nhà ăn trộm tiền, đồ đạc của bố mẹ để giao cho chúng. Hay như việc năm học 2014 – 2015, 22 em học sinh thuộc 3 khối (10, 11 và 12) của trường THPT Thốt Nốt xét nghiệm có liên quan đến chất gây nghiện, qua đó xác định 14/22 em học sinh của trường này dương tính với chất ma túy. Năm học này, lại cũng phát hiện thêm 3 học sinh bị nghiện ma túy. Những thông tin trên đang được các cơ quan chức năng làm rõ và kiểm chứng nhưng ở thời điểm này, mới thấy các bậc cha mẹ phải hướng tới những cách giáo dục con em mình một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, sự giáo dục về ma túy của các thầy cô giáo tại trường học là vô cùng cần thiết.

Lỗi tại ai?

Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), hiện nay trên thế giới có khoảng 246 triệu người, tương đương với hơn 5% dân số toàn cầu trong độ tuổi từ 15- 64  từng sử dụng ma túy.

Theo thống kê rà soát của Bộ Công an, cả nước có 200.134 người nghiện. Người nghiện ma túy đã xuất hiện ở mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ: 76% trong số người nghiện có độ tuổi dưới 35 tuổi; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25 tuổi, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi.

Số trẻ nghiện ma túy vẫn gia tăng hàng năm và độ tuổi đang ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt, trẻ em sống ở đường phố, trong điều kiện tồi tàn, con của các gia đình có thành viên buôn bán ma tuý... đều là những đối tượng dễ bị tổn thương. Các em có thể bị dụ dỗ hút thuốc lá, uống rượu, sau đó là hút cần sa và các loại ma tuý khác.

Tổ chức hoạt động về Hợp tác kinh tế và phát triển xã hội trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Colombo Plan) đã đưa ra những yếu tố nguy cơ dẫn trẻ đến với ma túy, gồm: hoàn cảnh gia đình của trẻ; sự tác động của môi trường xung quanh; sự tác động từ bạn bè…

Theo đó, những trẻ sống trong gia đình có quan hệ phức tạp, như: cha mẹ ly thân, ly hôn; trẻ bị gia đình bạo hành; gia đình có thành viên vướng vào tệ nạn xã hội hay tiêm chích ma túy; gia đình có điều kiện kinh tế khá giả nhưng cha mẹ thiếu sự quan tâm đến con cái, nuông chiều con quá mức..., thường có xu hướng nghiện ma túy cao hơn trẻ em trong những gia đình bình thường.

Những tác động của môi trường xung quanh, như: phim ảnh, sách báo, game online, các trang mạng trên internet với nội dung xấu đang tràn lan, còn  sân chơi lành mạnh vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của các em…, dẫn đến tình trạng các em ít được tiếp cận với môi trường giao tiếp lành mạnh.

Độ tuổi trẻ em thường chịu ảnh hưởng nhiều bởi giao tiếp bạn bè. Việc tiếp xúc với nhóm bạn xấu, các trẻ sẽ bắt chước những hành vi xấu. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, phần lớn trẻ em nghiện ma túy có nhóm bạn cũng bị nghiện, hoặc người có tiền án, tiền sự và người có những thói xấu khác. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là tình trạng trẻ nghiện ma túy do bản thân các em muốn được nếm trải cảm giác mạnh, thích được thể hiện sự “sành điệu”, “trải đời” của mình trước mặt bạn bè…

Hệ lụy về thể chất và trí tuệ

Đối với trẻ em, ma tuý để lại những hậu quả không thể lường hết được. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các em nghiện ma túy thể chất phát triển không bình thường chậm lớn, gầy còm, trí nhớ kém, trí thông minh giảm, lười biếng, ngủ nhiều, thích nằm, không thích lao động, khả năng hoạt động kém...

Ma tuý còn là nguyên nhân gây mất trật tự an toàn xã hội, là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm hình sự. Thực tế cho thấy ma tuý là bạn đồng hành của tội phạm, mối quan hệ giữa ma túy và tội phạm là mối quan hệ nhân quả. Ma tuý gắn liền với hành vi phạm tội, là nguồn bổ sung tội phạm. Khi bị nghiện, những người nghiện sẵn sàng làm mọi việc miễn là có tiền, có ma tuý, thậm chí giết người, cướp của. Ở trẻ em, các hành vi chưa mang tính chất nghiêm trọng, nhưng cũng xuất hiện những mầm mống của tội phạm như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo…

Qua kết quả phân tích các hoạt động khác có liên quan đến ma tuý của trẻ em nghiện ma tuý trên địa bàn thành phố Hà Nội, cho thấy các hoạt động phạm pháp của các em chủ yếu là: Tổ chức sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý là 50%; Xâm phạm sở hữu tài sản chiếm 42,9%; Xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người chiếm tỷ lệ 4%; Xâm phạm trật tự công cộng chiếm tỷ lệ 3,1%.

Tại tỉnh Đồng Nai, theo đánh giá của Công an tỉnh, nếu trước kia đối tượng trẻ em sử dụng ma túy chỉ tập trung những gia đình có kinh tế khá giả, cha mẹ lo làm ăn, thiếu sự quản lý và chủ yếu ở đô thị thì nay, ma túy xâm nhập vào cả những gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, có đến 80% đối tượng mua bán ma túy trong độ tuổi thanh thiếu niên; đối tượng nghiện cũng ngày càng trẻ hóa về độ tuổi. Trước đây, phần lớn trẻ ở độ tuổi 16-18, nay đã thấp hơn với 12-15 tuổi, có những trẻ mới 11-12 tuổi đã sử dụng ma túy, tham gia vận chuyển và bán ma túy lẻ.

Thiếu kiến thức để tự bảo vệ mình

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) thực hiện từ tháng 6 đến tháng 9/2014 thì hơn một nửa số học sinh, sinh viên được hỏi đã cho rằng ma túy đá không có khả năng gây nghiện; thậm chí hơn 11% khẳng định ma túy “giúp tăng cường sức khỏe”.

Nghiên cứu có sự tham gia của 1.100 học sinh phổ thông và sinh viên các trường ĐH 5 quận của Hà Nội gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông và Cầu Giấy cho thấy, đa số các em chưa thực sự tự tin với hiểu biết của mình về ma túy. Có 4,5% số bạn cho rằng mình rất hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy trong khi đó có tới 42,2% số người được hỏi tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này. Dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và các kỹ năng phòng chống ma túy cũng là hai nội dung được rất ít học sinh hiểu biết rõ. Có tới 44% bạn cho rằng mình không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% khẳng định mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy.

Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các bạn HSSV đều nhận biết được những chất gây nghiện bất hợp pháp như: thuốc phiện (93,8%), heroin (89,8%) và cần sa (75,9%). Tuy nhiên, những loại ma túy có tác hại trực tiếp đến hệ thần kinh của người sử dụng và đang trở nên phổ biến hiện nay, đặc biệt là trong giới trẻ như methaphetamine (ma túy đá) chỉ có 56,4 % cho rằng chất đó khả năng gây nghiện. Khả năng gây nghiện của một số chất khác như shisha, bóng cười cũng được rất ít HSSV biết đến.

Điều đáng lo ngại là nhiều em vẫn còn những hiểu biết sai lầm về tác hại của ma túy. Có tới 23,5% số bạn đồng ý với ý kiến rằng: “Sử dụng ma túy khiến tinh thần tỉnh táo, vui vẻ, lạc quan” 24,8% số bạn đồng ý rằng:“Sử dụng ma túy một lần thì không gây nghiện và không nguy hiểm”. Qua đây cho thấy những hiểu biết chung về ma túy như khái niệm các chất có khả năng gây nghiện cũng chưa được học sinh sinh viên nhận thức một cách đầy đủ. Điều đó dẫn tới thái độ thiếu cảnh giác, đề phòng của các em với những loại ma túy trá hình xuất hiện ngày càng phổ biến trong giới trẻ như: shisha, bóng cười…đặc biệt là những loại ma túy tổng hợp nguy hiểm như ma túy đá.

Nghiện ma túy là một quá trình, quá trình này có thể bắt đầu từ những biểu hiện chểnh mảng trong công việc, học hành, mất phương hướng trong cuộc sống, giao lưu và đồng lõa với lối sống không lành mạnh của các nhóm đối tượng nghiện ma túy... Hành vi sử dụng ma túy là bước cuối cùng và khi nhận ra thì đã quá muộn. Do đó, việc bồi dưỡng kiến thức cho cha mẹ trong mỗi gia đình là việc làm rất cần thiết để họ không chỉ đơn thuần hiểu tác hại của ma túy mà còn là người đầu tiên giúp xã hội giám sát các hành vi của con mình.

Hơn nữa, công tác phòng, chống ma túy cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quan tâm đến tâm tư, lối sống, hành vi của các em học sinh bởi nếu không nhận được sự giáo dục đúng đắn của nhà trường và gia đình, các em rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng những loại ma túy chết người này mà không hề ý thức được mức độ nguy hiểm và những hậu quả do nó mang lại.

Top