Bảo đảm lợi ích tối đa cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV

10/12/2018 14:14

Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây hại trong xã hội, nhất là những trẻ có HIV hoặc chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (trẻ OVC). Tuy nhiên, do một bộ phận phần lớn người dân vẫn giữ thái độ kỳ thị với trẻ OVC nên khiến cuộc sống của các em vẫn chưa qua ngưỡng bình thường.

 Trẻ nhiễm HIV tại Trung tâm Chữa bệnh GDLĐXH số 2, Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Thùy Chi

Hơn 457 nghìn trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện hơn 457 nghìn trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là trẻ sống cùng cha mẹ nhiễm HIV/AIDS. Tiếp đến là trẻ mồ côi do AIDS, trẻ bị bỏ rơi bởi cha mẹ chết do AIDS. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm do cập nhật số liệu chưa đầy đủ.

Trong 9 tháng năm 2018, cả nước phát hiện mới 7.497 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 2.514 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.436 trường hợp đã tử vong. Số người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (38%) và 30 - 39 (36%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%).

Số liệu thống kê cũng cho thấy, tính đến hết tháng 9/2018, số người nhiễm HIV được báo cáo đang còn sống là 208.750 trường hợp, lũy tích người nhiễm HIV tử vong là 98.519. Ước tính trong năm 2018, có khoảng 5.500 người từ 15 tuổi trở lên nhiễm mới HIV và 268 trẻ em nhiễm. Số người lớn nhiễm mới giảm 64% so với năm 2010. Trong số nhiễm mới HIV, có 36% là phụ nữ lây từ chồng, bạn tình bị nhiễm HIV; 24% là người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ; 23% là người nghiện chích ma túy; 10% là người mua dâm; 5% là nam giới lây từ vợ, bạn tình bị nhiễm HIV; 2% là phụ nữ bán dâm.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Thủ tướng Chính phủ  đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020”. Theo đó, các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng HIV tiếp tục được triển khai và mở rộng; các phương pháp xét nghiệm mới được triển khai mở rộng tại 32 tỉnh, thành phố. Phân cấp xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng đến tuyến huyện để tạo điều kiện chẩn đoán sớm hơn và kết nối với chăm sóc.

Điều trị ARV cho người lớn tại 32 tỉnh, thành phố và điều trị ARV cho trẻ em trên toàn quốc (khoảng 5.000 trẻ sơ sinh và trẻ em mỗi năm). Xét nghiệm CD4 cho bệnh nhân mới được thực hiện đến năm 2020. Xét nghiệm tải lượng virus được thực hiện thường quy. Việc sử dụng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và truyền thông về lợi ích của bảo hiểm y tế cho các khách hàng được tăng cường. Phụ nữ mang thai ở các huyện có dịch HIV cao thuộc 32 tỉnh, thành phố được thực hiện xét nghiệm HIV. Tất cả phụ nữ mang thai được chẩn đoán nhiễm HIV trong quá trình chăm sóc thai nghén được kết nối đến OPC để được điều trị ARV lâu dài. Trẻ sơ sinh bị phơi nhiễm với HIV được chẩn đoán sớm.

Giám sát trọng điểm HIV kết hợp giám sát hành vi (HSS ) được triển khai nhằm cung cấp số liệu quan trọng trong lập kế hoạch ứng phó với HIV và theo dõi tác động của các can thiệp. Đánh giá nhanh, ước tính quy mô và lập bản đồ các điểm nóng của các nhóm đối tượng/quần thể chính được thực hiện.

Hỗ trợ dạy nghề cho trẻ HIV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Điều kiện kinh tế khó khăn khiến cuộc sống của trẻ bị ảnh hưởng của HIV ngày càng cơ cực hơn. Theo khảo sát của Bộ Y tế, những trẻ này chủ yếu trong độ tuổi từ 5 - 11, đây là giai đoạn trẻ dễ bị tổn thương bởi các tác động bên ngoài như chế độ dinh dưỡng, thái độ của người sống xung quanh, môi trường sống... Có tới 60% số trẻ OVC đang sống với HIV (với bố hoặc mẹ có HIV hoặc bản thân trẻ mắc HIV).

Bản thân nhiêmc HIV/AIDS, sức khỏe của bố, mẹ trẻ OVC không đáp ứng yêu cầu công việc nặng nhọc. Trong khi đó, trình độ học vấn của những người này thấp. Vòng luẩn quẩn không tìm được việc, tìm được việc lại không đáp ứng yêu cầu về bằng cấp hoặc sức khỏe khiến cuộc sống của các gia đình có trẻ OVC ngày càng suy kiệt. Nhiều gia đình không thể tự chủ tài chính, thậm chí cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.

Tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động hiệu quả giúp đỡ các em. Trong 3 năm qua, Trung tâm triển khai mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng”, đã hỗ trợ 5 trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (2 trẻ bị nhiễm) tại huyện Định Hóa.

Đồng thời, rà soát kết quả, lập danh sách những trẻ và gia đình đưa vào mô hình; thiết lập quỹ các gia đình sẵn sàng nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tập huấn nâng cao năng lực cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc trẻ và những trẻ em tham gia mô hình; hỗ trợ kinh phí chăm sóc trẻ cho các cá nhân, gia đình nhận nuôi; kiểm tra giám sát thường xuyên những trường hợp trẻ và gia đình trong mô hình…

Các cán bộ của Trung tâm cũng thường xuyên xuống giám sát và tư vấn cho trẻ trang bị kỹ năng sống, phòng tránh lây nhiễm... Nhờ vậy, trẻ dần thoát được sự mặc cảm, tự ti, tin vào bản thân và tiếp tục học tập, hòa nhập cộng đồng. Những gia đình nhận nuôi trẻ còn được Trung tâm hỗ trợ kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ và định hướng sử dụng số tiền trợ cấp bảo đảm lợi ích tối đa cho trẻ. Không chỉ hỗ trợ trẻ tại cộng đồng nơi trẻ đang sinh sống, các hoạt động của Trung tâm còn hướng đến các trường học gồm: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trang bị kỹ năng sống, tự bảo vệ và kiến thức, kỹ năng phòng chống HIV/AIDS cho học sinh.

Một trong những mô hình mang lại hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh là “Hoạt động dạy nghề gắn với việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”. Mô hình do Trung tâm Công tác xã hội tỉnh triển khai từ năm 2016, nhằm giúp trẻ được học nghề phù hợp với điều kiện của mình, từ đó tạo việc làm, hỗ trợ gia đình ổn định cuộc sống. Trung tâm đã khảo sát nhu cầu học nghề của 700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (độ tuổi từ 13 - 16) trên địa bàn; đồng thời, khảo sát, đánh giá năng lực dạy nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động ở 80 cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Vân Đồn, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên.

Trên cơ sở đó, Trung tâm kết nối, hỗ trợ dạy nghề cho 60 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều trẻ, sau đào tạo nghề đã có việc làm ổn định. Mô hình “Cá nhân và gia đình nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” được triển khai từ năm 2013 tại Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên. Qua đó, đã giúp nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh được sống trong mái ấm gia đình. Từ khi triển khai đến nay, đã có 40 cá nhân, gia đình nhận nuôi 40 trẻ.

Xóa bỏ khoảng cách với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV

Do sự kỳ thị, cũng như lo sợ căn bệnh HIV/AIDS đã khiến nhiều người trong xã hội tạo nên rào cản đối với những trẻ không may bị lây nhiễm bệnh. Trong khi đó, trẻ nhỏ vốn là đối tượng yếu thế, cần được chăm sóc, bảo vệ... Việc chung tay vào cuộc của cả xã hội để giúp trẻ vượt qua rào cản tâm lý, điều trị đúng phương pháp và sống hòa nhập với cộng đồng là việc làm hết sức quan trọng và cấp bách.

Nghe trường hợp của em N.T.X. (quê huyện Châu Thành, An Giang) khiến mọi người ai cũng xót xa. Em N.T.X. là trẻ mồ côi, sống với bà ngoại từ nhỏ. Khi biết em nhiễm HIV, những người sống chung quanh đều cấm con cái của họ chơi với em. Thậm chí, chính người cậu ruột của em cũng hắt hủi cô cháu gái, lúc nào cũng dặn các con phải “giữ khoảng cách” với em.

Em X. kể: “Lúc vợ cậu mới sinh em bé, con đưa tay bồng em thì bị cậu gạt đi, nói không cần. Sau này các em lớn, cậu mợ cũng không cho các em lại gần chơi với con. Họ luôn bảo “đến gần nó là bị lây bệnh”. Lúc đi học, các bạn cũng đều xa lánh, không ai chịu làm bạn với con hết.

X. nghẹn ngào: “Trong mắt mọi người, con là một đứa mang lại điều xui xẻo, có thể gây hại cho họ nên hầu như không ai chơi, phải sống lủi thủi trong ánh mắt kỳ thị của mọi người. Nhiều lúc, chính con cũng thấy khiếp sợ căn bệnh trong người mình...”.

Từ khi bà ngoại mất, X. càng trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa, thậm chí có nhà mà không được về. Ánh sáng cũng có ở cuối đường hầm khi em được những thành viên trong Mạng lưới những người sống với HIV Việt Nam (VNP ) biết đến và giúp dần hòa nhập được với cộng đồng.

Trên thực tế, sự phân biệt đối xử, kỳ thị luôn xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào phải sống chung với HIV/AIDS, thậm chí chỉ chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS. Nỗi sợ hãi căn bệnh thế kỷ đã khiến các em vô tình bị người thân, họ hàng, xóm giềng xa lánh và không được đến trường như những đứa trẻ khác. Hậu quả của kỳ thị, phân biệt đối xử là sự xa lánh, ruồng bỏ của cộng đồng khiến trẻ em nhiễm HIV dễ bị tổn thương, không muốn tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác điều trị cho những trẻ bị HIV cũng như công tác dự phòng, tránh lây lan ra cộng đồng.

Theo nội dung Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 do Chính phủ phê duyệt thì phấn đấu đến năm 2020 có 90% số trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định; 90% số cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, phấn đấu tất cả các trường học tạo cơ hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu. Đến nay, Việt Nam đã ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS, theo đó, trẻ em có quyền được học hành và không bị phân biệt đối xử. Mọi hành vi gây cản trở quyền được học tập, quyền được hòa nhập và vui chơi giải trí của trẻ em nhiễm HIV đều là vi phạm pháp luật và cần được xử lý.

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Để bảo đảm lợi ích tối đa cho trẻ nhiễm HIV, Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ về Kế hoạch quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế cho trẻ nhiễm và phơi nhiễm HIV. Bám sát chương trình hành động quốc gia để tiếp tục và mở rộng dịch vụ chăm sóc điều trị cho trẻ nhiễm HIV. Tiếp tục ưu tiên duy trì điều trị bằng ARV cho trẻ nhiễm HIV, phối hợp các đơn vị chức năng chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho trẻ nhiễm HIV tại tuyến huyện, xã, phường; thực hiện tốt chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để tăng tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sống khỏe mạnh…
Top