Bàn về đề xuất mở 'phố đèn đỏ' để kích cầu kinh tế ban đêm

22/07/2020 16:09

Bàn về việc phát triển dịch vụ giải trí về đêm, đại diện một công ty du lịch tại Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần có ý tưởng và đề xuất đột phá với Quốc hội và Chính phủ về việc thí điểm triển khai loại hình phố đèn đỏ có quản lý chặt chẽ.

Thái Lan nổi tiếng với những khu đèn đỏ. Nhưng chính quyền nước này đang muốn làm mới du lịch, không muốn mang danh 'du lịch tình dục'

Vị đại diện này dẫn chứng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Cục Du Lịch đang triển khai đề án kinh tế ban đêm trình Chính phủ vào năm 2021, đó là: Phải tư duy mở hơn về một số hoạt động lâu nay vẫn bị coi là nhạy cảm như mại dâm, cá cược, cờ bạc. Quy định hiện hành cấm nhưng thực tế các hoạt động này vẫn diễn ra lén lút dưới nhiều hình thức, phát sinh nhiều tiêu cực rủi ro cho khách hàng và người phục vụ.

Về cách thực hiện, người này cho rằng có thể quy hoạch và tạo cơ chế triển khai phố đèn đỏ tại một khu du lịch/resort khép kín kiểu như casino và học tập cách làm của Singapore, đội ngũ phục vụ không phải là người Việt Nam, được cấp phép hành nghề, khám sức khỏe và đánh thuế tiêu dùng đặc biệt thật cao.

Đề xuất này tuy không mới nhưng vẫn khiến dư luận “lao xao” bới mại dâm là một vấn đề nhạy cảm. Trước đó, cũng không ít cá nhân có đề xuất tương tự với lý giải là nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.

Thực tế, tại một số nước, ở các khách sạn lớn, các khu giải trí, các vùng du lịch đều có các "dịch vụ tình dục". Các Chính phủ và các nhà làm luật ở các nước này tin rằng, việc cho phép mại dâm công khai với các biện pháp như cấp giấy phép, quy hoạch khu đèn đỏ... sẽ giúp quản lý tốt hơn các vấn nạn mà mại dâm gây ra và ngăn ngừa lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy vậy trên thực tế sau nhiều năm đã cho thấy  việc hợp pháp hóa mại dâm thường không đạt được những mục tiêu đề ra mà còn làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn đặc biệt ở những nước nghèo, vốn có hệ thống quản lý, pháp luật lỏng lẻo (như Peru, Colombia, Bangladesh). Mặt khác, tại các nước nghèo ở Trung - Nam Mỹ, việc "hợp pháp mại dâm để quản lý" nhiều khi chỉ là cái cớ, mục đích thực sự là tạo thuận lợi cho việc buôn bán người của giới Mafia vốn lũng đoạn chính quyền các nước này.

Chính vì sự không hiệu quả, chính quyền một số nước sau một thời gian chấp nhận đã phải quay lại biện pháp cấm hoàn toàn mại dâm (tiêu biểu là Thụy Điển, Na Uy và Hàn Quốc). Cũng vì bài học từ các nước đi trước mà từ 2003 đến nay chỉ có 1 quốc gia hợp pháp hóa mại dâm trong khi  giai đoạn 1990-2003 có tới 12 nước thực hiện hợp pháp hóa mại dâm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hợp pháp hóa mại dâm thất bại, trong đó có viêc các Chính phủ  đã chủ quan về khả năng quản lý của mình trong khi đánh giá thấp khả năng của giới tội phạm. Trên danh nghĩa, tại các nước này, mại dâm do nhà nước quản lý, người bán dâm được khám sức khỏe, có giấy phép hoạt động, nhưng thực ra đằng sau lại là các thế lực Mafia chi phối. Đó mới thực sự là thế lực kiểm soát mại dâm, và tất nhiên thế lực này không bao giờ chịu từ bỏ những mánh khóe hốt bạc và hợp tác với chính quyền. Các thống kê thực tế cho thấy việc hợp pháp hóa mại dâm chỉ tạo thêm cơ hội cho tội phạm dùng chiêu bài "hợp pháp hóa" để núp bóng chính quyền và bành trướng hoạt động, trong khi nhà nước chỉ có thể "quản lý trên giấy". Số tiền thuế mà nhà nước thu được cũng rất ít, mà phần lớn lợi nhuận chui vào túi các thế lực mafia, tạo thêm thế lực cho chúng.

Tiếp đến, những người ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm đã không tính tới những dạng tội phạm khác luôn đi kèm với mại dâm. Nhà nghiên cứu Maxwell (năm 2000) đã công bố các bằng chứng về sự móc nối chặt chẽ giữa mại dâm với buôn bán ma túy, cùng sự tham gia của các dạng tội phạm khác, đặc biệt là cướp tài sản, buôn người và rửa tiền. Việc hợp pháp hóa một dạng tệ nạn xã hội đã kéo theo sự lan tràn của các loại tệ nạn khác vốn còn nguy hiểm hơn.

Bên cạnh đó, mại dâm từ xưa tới nay luôn bị các nền văn hóa, tôn giáo bài xích vì đi ngược lại những giá trị chung của nhân loại về hôn nhân, tình yêu và lòng chung thủy. Do đó, hợp pháp hóa mại dâm sẽ gây ra sự bất bình của một phần lớn người dân, gây xáo trộn và đổ vỡ các giá trị đạo đức, đe dọa hạnh phúc hôn nhân, và sự bất hợp tác từ chính người bán dâm (vì bản thân họ cũng không muốn hành vi nhục nhã của mình bị công khai). 

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, diễn ra tại Hội An ngày 9/8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Việt Nam sẽ không có phố đèn đỏ, không làm casino tràn lan. Chúng ta không phát triển theo hướng đó”.

Trao đổi với báo chí, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, với ý tưởng hình thành “phố đèn đỏ”, Đà Nẵng hiện chưa nhất thiết phải có, bởi thành phố còn nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, có thể thu hút khách du lịch quốc tế. Đề án du lịch, kinh tế đêm của thành phố đã hình thành chợ đêm, các show diễn nghệ thuật, văn hóa truyền thống, ẩm thực… bước đầu đủ sức hấp dẫn du khách.

Cấm kinh doanh mại dâm, mua bán người

Ngày 17/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) với 446/458 (92,34%) đại biểu tán thành, trong đó có quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Đáng chú ý, dự án Luật vừa được thông qua đã bổ sung kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Theo Điều 6 Luật Đầu tư (sửa đổi), các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh gồm: Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này; Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này; Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I khai thác có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục III của Luật này; Kinh doanh mại dâm; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh pháo nổ; Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 6 trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.

 

Top