Bài 3: Kiên quyết vạch mặt tội phạm ‘giả điên’

24/04/2021 12:13

(Chinhphu.vn) - Nhiều đối tượng nguy hiểm đã thoát khỏi những bản án nghiêm khắc nhờ có “miễn tử kim bài” - giấy chứng nhận bị tâm thần. Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết lực lượng công an đã có kế hoạch “vạch mặt” cũng như ngăn ngừa loại tội phạm ranh mãnh này.

* Bài 1: Người tâm thần phạm tội, lỗ hổng trong quản lý?

* Bài 2: Giám định pháp y tâm thần: Không để tội phạm lợi dụng

Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an)

Xin Thiếu tướng cho biết rõ hơn về việc các đối tượng giang hồ lợi dụng hồ sơ bệnh án tâm thần giả để trốn tránh trách nhiệm hình sự?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm: Có thể nói, trong thời gian vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người mắc bệnh tâm thần phạm tội để mua chuộc, móc nối với số cán bộ thoái hóa biến chất làm việc trong các cơ quan y tế để làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội gây bức xúc trong nhân dân.

Điển hình như năm 2018, vụ Lê Thanh Tùng, SN 1986 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là đối tượng cầm đầu gây ra vụ án cố ý gây thương tích, có tính chất côn đồ, hoạt động băng nhóm thanh toán nhau tại Hà Nội, đã chi 85 triệu đồng để mua hồ sơ bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Công an Hà Nội đã khởi tố và bắt tạm giam 02 cán bộ của bệnh viện về hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu cơ quan Nhà nước. Quá trình điều tra mở rộng phát hiện nhiều hồ sơ bệnh án tâm thần giả là của các đối tượng hình sự.

Vụ Nguyễn Thị Mai An, SN 1979, trú tại Mỹ  Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội cùng đồng phạm đã làm giả các kết luận giám định tâm thần, biên bản pháp y tâm thần và nhiều tài liệu khác của của nhiều cơ quan nhà nước nhằm làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho một số phạm nhân xảy ra năm 2019 tại Hà Nội....

Qua đó cho thấy đối tượng sử dụng hồ sơ bệnh án tâm thần giả chủ yếu là các đối tượng đã, đang và sắp thực hiện hành vi phạm tội nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Lực lượng cảnh sát hình sự đã có kế hoạch gì để đấu tranh với các đối tượng hình sự dùng thủ đoạn làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm: Trước thực trạng một số đối tượng hình sự làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự, từ năm 2018, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu lãnh đạo Bộ có Điện số 382 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương (trực tiếp là Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố) rà soát, thẩm định lại các vụ án có đối tượng mắc bệnh tâm thần gây án trong thời gian qua hiện đang phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra, tránh tình trạng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần trốn tránh trách nhiệm hình sự, bỏ lọt tội phạm; đồng thời chỉ đạo các Cục nghiệp vụ hướng dẫn, chỉ đạo hệ lực lượng tập trung đấu tranh triệt phá, bóc gỡ các tổ chức, đường dây làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức; đường dây làm giả bệnh án tâm thần, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý các đối tượng tâm thần thực hiện các hành vi phạm tội.

Theo đó, đối với các đối tượng gây án có biểu hiện tâm thần, cần khẩn trương thu thập hồ sơ bệnh án, trưng cầu giám định pháp y tâm thần để xác định rõ năng lực trách nhiệm hình sự tại thời điểm gây án để xử lý trách nhiệm hình sự theo đúng trình tự quy định của pháp luật; đối với các vụ án mà đối tượng gây án đã có hồ sơ bệnh án tâm thần từ trước cần xác minh, làm rõ, tránh trường hợp lập hồ sơ bệnh án tâm thần giả để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Để tránh bỏ lọt, xử lý triệt để loại tội phạm “giả điên” này cần các giải pháp không chỉ của Bộ Công an, Thiếu tướng có đề xuất gì đối với các cơ quan chức năng?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm: Thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an có những kiến nghị với các cơ quan chức năng, trong đó Bộ Thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân để mọi người nhận thức rõ hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu của cơ quan nhà nước nói chung, hồ sơ bệnh án tâm thần nói riêng là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ công tác giám định tâm thần tại các trung tâm giám định, bồi dưỡng, nâng cao ý thức tránh nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ làm công tác giám định và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm, có biểu hiện móc nối với đối tượng để làm giả tài liệu, hồ sơ bệnh án tâm thần.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình truy tố, xét xử, xử phạt nghiêm minh với tình tiết tăng nặng đối với các hành vi phạm tội trên để răn đe.

Thưa Thiếu tướng, bên cạnh loại tội phạm hình sự cộm cán sử dụng “kim bài” tâm thần để trốn tội, giảm tội, thì cũng có không ít những vụ án đau lòng do người bị tâm thần thật hoặc do các đối tượng bị ngáo đá, bị ảo giác do sử dụng ma túy gây ra. Thiếu tướng có thể cho biết rõ hơn?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm: Những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm phạm nhân thân nói chung, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích nói riêng cơ bản được kiềm chế về số vụ, nhưng tính chất, hành vi phạm tội và hậu quả còn nghiêm trọng và phức tạp.

Trong đó xảy ra nhiều vụ đối tượng bị tâm thần, đối tượng bị ảo giác do sử dụng ma túy gây án giết người, cố ý gây thương tích, thậm chí giết nhiều người, giết người thân trong gia đình có chiều hướng gia tăng, gây hoang mang, lo lắng trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân tại nhiều địa phương và gây phức tạp về ANTT tại cơ sở.

Chỉ tính riêng về vụ án giết người do đối tượng bị tâm thần, bị ảo giác do sử dụng ma túy gây án, năm 2019, đã xảy ra 73 vụ, làm 75 người chết, 24 người bị thương; năm 2020 đã xảy ra 78 vụ, làm 62 người chết, 29 người bị thương.

Các vụ án do người mắc bệnh tâm thần, người bị ảo giác do sử dụng ma túy thực hiện trong tình trạng ảo giác, hoang tưởng, không nhận thức, điều chỉnh được hành vi của mình, như: Giết người vì nghĩ là yêu tinh, ma quỷ, tưởng nạn nhân là kẻ tấn công mình hoặc là kẻ thù… đó là những biểu hiện của tình trạng rối loạn thần kinh do bệnh tâm thần hoặc do tác dụng của chất methamphetamine (thường gọi là ma túy “đá”).

Theo số liệu thống kê, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 200.000 người bị tâm thần nặng, trong đó khoảng 154.000 người có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng xã hội, như: Đập phá tài sản, đánh người, gây án mạng, đi lang thang gây rối, mất trật tự an toàn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ phạm tội cao gấp 06 - 07 lần người bình thường.

Tuy nhiên, cả nước hiện chỉ có 31 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 14 cơ sở tổng hợp, có khả năng tiếp nhận, chăm sóc và phục hồi chức năng cho khoảng 13.000 đối tượng tại cơ sở; số người bệnh còn lại chủ yếu sống tại gia đình hoặc cộng đồng.

Bên cạnh đó, hiện toàn quốc có trên 230.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó, số người nghiện có xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng phổ biến (chiếm khoảng 70%) gây nên các biểu hiện rối loạn tâm thần. Trong khi cả nước có 105 cơ sở cai nghiện công lập, đang điều trị cai nghiện cho hơn 38.000 người nghiện, số đối tượng nghiện ngoài xã hội chiếm tỷ lệ cao, có thể thực hiện tội phạm, thậm chí có nguy cơ gây án bất cứ lúc nào. Xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy tổng hợp, tiền chất ma túy mới, có tính gây nghiện cao, tàn phá sức khỏe và hủy hoại hệ thống thần kinh....

Trước thực trạng trên, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Cảnh sát hình sự đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ  đạo, triển khai nhiều giải pháp trong phòng ngừa tội phạm giết người, cố ý gây thương tích nói chung, do người mắc bệnh tâm thần, bị ảo giác do sử dụng ma túy gây ra nói riêng, kết hợp giữa phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội, giữa đấu tranh với tuyên truyền, giáo dục, lấy phòng ngừa làm chính, coi trọng phòng ngừa từ gia đình và cơ sở.

Theo tôi, rất cần sự phối hợp với các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, có biện pháp theo dõi, quản lý người mắc bệnh tâm thần ở gia đình và ngoài xã hội, kịp thời phát hiện, vận động đưa người mắc bệnh tâm thần nặng vào cơ sở điều trị chữa bệnh; xây dựng các chương trình hỗ trợ, chăm sóc, điều trị, trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần.

Đồng thời phối hợp thực hiện tốt công tác theo dõi, quản lý nghiệp vụ đối tượng nghiện ma túy, nhất là đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có tiền sử “ngáo đá”, kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để gây mất an ninh, trật tự.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn góp phần theo dõi, quản lý người mắc bệnh tâm thần, người nghiện ma túy, kịp thời có mặt xử lý khi đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”, phát bệnh tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm.

Nâng cao chất lượng công tác điều tra, khám phá các vụ án giết người, cố ý gây thương tích; ngăn chặn, xử lý nghiêm việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Hoàng Giang (thực hiện)

Top