Bài 2: Giám định pháp y tâm thần: Không để tội phạm lợi dụng

19/04/2021 08:43

(Chinhphu.vn) – Theo cơ quan y tế, việc giám định pháp y tâm thần dù có quy trình chặt chẽ đến mấy cũng còn hết sức khó khăn như việc bệnh nhân giả bệnh hoặc giả tăng triệu chứng nên phải hết sức cảnh giác trước những “chiêu trò”, quan trọng hơn đó là năng lực, y đức và bản lĩnh của những y bác sỹ.

* Người tâm thần phạm tội, lỗ hổng trong quản lý?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: Hòa Bình

Câu chuyện Nguyễn Xuân Quý dưới vỏ bọc bệnh nhân tâm thần buôn bán ma túy ngay trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I vừa tạm lắng xuống thì mới đây báo chí lại đưa tin về vụ việc một đối tượng chỉ trong 5 năm đã hai lần thoát án giết người vì có chứng nhận tâm thần ở Đắk Lắk.

Theo đó, kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, Nguyễn Xuân Lộc (29 tuổi, trú tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, Đắk Nông) là người dùng súng K59 bắn chết anh Nguyễn Anh Kha (35 tuổi, trú tại phường Tự An) xảy ra vào khuya 20/1/2016 tại ngã tư đường Phan Chu Trinh giao với đường Phan Bội Châu, TP.Buôn Ma Thuột.

Hành vi trên của Nguyễn Xuân Lộc đã đủ yếu tố cấu thành tội Giết người, và tội Tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, bản giám định pháp y tâm thần lần thứ 2 của Viện pháp y tâm thần Trung ương tại Biên Hòa khẳng định, Lộc bị hạn chế khả năng nhận thức nhưng mất khả năng điều khiển hành vi.

Do đó, Nguyễn Xuân Lộc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Tuy nhiên, thời điểm mua súng quân dụng (năm 2015), Lộc chỉ bị hạn chế năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi nên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.

Đáng nói, trước đó, khuya 6/10/2011, Lộc chỉ huy nhóm bạn đánh chết anh Y Nhôih, đánh gãy tay phải anh Y GrinYa tại khu vực hoa viên thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Nhóm bạn của Lộc sau đó bị Tòa tuyên phạt án tù về tội Giết người và Cố ý gây thương tích.

Khoảng 4 tháng sau (ngày 4/1/2012), Công an huyện Cư Jút đã đình chỉ điều tra đối với Nguyễn Xuân Lộc vì đối tượng này có bệnh án tâm thần.

Quy trình nghiêm ngặt nhưng vẫn có kẽ hở

Từ những vụ việc làm dấy lên lo ngại trong dư luận, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về công tác giám định pháp y tâm thần, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Vì thế, quy trình để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không cần đòi hỏi phải được tuân thủ một cách rất nghiêm ngặt.

Hiện nay, công tác giám định Pháp y tâm thần triển khai thực hiện tuân thủ các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự; Luật Tố tụng hình sự và Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ về hướng dẫn quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/201/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi một số điều của Luật Giám định tư pháp…

Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các văn bản Luật và Nghị định, Bộ Y tế đã ban hành nhiều Thông tư, quyết định hướng dẫn về việc thực hiện giám định nói chung và giám định pháp y tâm thần nói riêng.

Theo Thông tư 23/2019/TT-BYT về quy trình giám định pháp y tâm thần, người giám định pháp y tâm thần là người được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm Giám định viên pháp y tâm thần theo quy định của Luật giám định tư pháp số 13/2012/QH13 ngày 20/6/2012 . Mỗi trường hợp giám định pháp y tâm thần thông thường có 03 giám định viên tham gia.

Trường hợp phức tạp, có khó khăn trong việc xác định bệnh, đánh giá năng lực hành vi, có sự tham gia của nhiều chuyên khoa khác nhau, giám định lại lần thứ nhất (giám định lại lần I) thì có thể có 05 giám định viên tham gia. Trường hợp giám định lại lần thứ hai (giám định lại lần II), giám định đặc biệt thì có thể mời thêm chuyên gia về giám định pháp y tâm thần, nhưng tổng số không quá 09 giám định viên/01 ca giám định.

Như vậy, hành lang pháp lý để thực hiện giám định pháp y tâm thần đã đầy đủ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện giám định theo báo cáo của các Tổ chức pháp y tâm thần công lập vẫn còn gặp phải một số khó khăn như: Giám định pháp y tâm thần là giám định hồi cứu vì vậy tài liệu trong hồ sơ trưng cầu giám định là rất quan trọng nhưng vẫn còn không ít hồ sơ trưng cầu giám định gửi lần đầu còn thiếu nhiều tài liệu về y tế, sức khỏe của đối tượng giám định vì vậy trong quá trình thực hiện giám định vẫn phải tiếp tục bổ sung làm ảnh hưởng đến thời gian theo dõi giám định cũng như thời gian tố tụng của các vụ án, vụ việc.

“Hơn nữa, hiện nay, các tài liệu về chuyên ngành tâm thần cũng như pháp y tâm thần dễ để tham khảo vì vậy nhiều đối tượng phạm tội đã nghiên cứu kỹ nên trong quá trình điều tra cũng như theo dõi giám định đã cố tình giả bệnh hoặc làm tăng triệu chứng gây khó khăn cho các giám định viên trong việc đánh giá triệu chứng và kết luận bệnh”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Ngoài ra, việc đánh giá và sử dụng kết luận đến đâu, các tổ chức pháp y tâm thần chưa nhận được sự phản hồi từ các cơ quan trưng cầu giám định vì vậy không biết để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Y đức của bác sỹ được đặt lên hàng đầu

Bày tỏ ý kiến về việc tội phạm “dựng” các bệnh án tâm thần để làm “kim bài” tránh tội, giảm tội, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, đây là một vấn đề chuyên sâu, khó khăn và phức tạp. Nhiều trường hợp "chạy" bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự trước pháp luật, không ít trường hợp đã bị phanh phui trước dư luận nên có thể thấy được trong quy trình nghiêm ngặt như trên vẫn còn những kẽ hở để cho những kẻ xấu lợi dụng để thực hiện mục đích xấu.

Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, nguyên tắc thực hiện giám định là tuân thủ các quy định của pháp luật và quy chuẩn chuyên môn bảo đảm tính trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời. Khi kết luận giám định phải trả lời rõ ràng đối tượng giám định có bệnh tâm thần hay không, loại bệnh gì, mức độ bệnh? Thời điểm bị bệnh và ảnh hưởng của bệnh đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi như thế nào? Không phải cứ có bệnh tâm thần là miễn trách nhiệm hình sự.

Nếu bệnh tâm thần ở giai đoạn ổn định hoặc thuyên giảm thì đối tượng vẫn đủ hoặc hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi và như vậy đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Chỉ một số ít trường hợp phạm tội bị bệnh tâm thần nặng làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mới được miễn năng lực trách nhiệm hình sự.

Về thời điểm bị bệnh, nếu thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đối tượng đủ hoặc hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Nếu tại thời điểm giám định đối tượng bị bệnh tâm thần nặng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì đối tượng được đưa đi bắt buộc chữa bệnh khi nào bệnh ổn định hoặc khỏi đối tượng vẫn bị đưa ra xét xử về hành vi phạm tội của mình.

Theo quy định của pháp luật, kết luận giám định pháp y tâm thần chỉ là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc. Nếu có bằng chứng cho rằng kết luận giám định không đảm bảo độ chính xác, khách quan, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền trưng cầu giám định lại hoặc giám định lại lần 2 theo quy định.

Nếu sử dụng kết luận không đảm bảo độ chính xác sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn của vụ án, vụ việc cụ thể và làm ảnh hưởng đến sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Vì những lý do đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, vấn đề y đức của các y bác sĩ  phải được đặt lên hàng đầu. Giám định viên pháp y tâm thần ngoài việc có trình độ chuyên môn sâu, có nghiệp vụ giám định tư pháp còn cần phải có đầy đủ kiến thức về pháp luật, phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định của mình.

Giám định viên pháp y tâm thần cần phải có bản lĩnh vững vàng trong quá trình thực hiện giám định cũng như tham dự phiên tòa để giải thích kết luận giám định nếu được Hội đồng xét xử triệu tập. Phải có bản lĩnh để đối diện trực tiếp với đối tượng giám định vừa là tội phạm vừa là người nghi ngờ có rối loạn hoạt động tâm thần, đối tượng thường có hành vi nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của giám định viên và nhân viên y tế. Đặc biệt là phải có bản lĩnh vững vàng để vượt qua sự cám dỗ của vật chất, đồng tiền.

Top