Bài 2: Điều trị thay thế Methadone

11/09/2014 15:50

Khi điều trị nghiện bằng thuốc Methadone, người bệnh lệ thuộc vào thuốc Methadone chứ không nghiện Methadone. Người bệnh điều trị bằng thuốc Methadone cũng giống như bệnh nhân tiểu đường cần thuốc insuline để kiểm soát lượng đường trong máu.

* Bài 1: Nghiện ma túy là bệnh mạn tính

Ảnh minh họa

Methadone là gì?

Methadone là chất đồng vận với chất dạng thuốc phiện, có tác dụng tương tự như morphine, hay heroin nhưng không gây khoái cảm hoặc khoái cảm yếu. Methadone có tác dụng làm mất các biểu hiện của hội chứng cai, giảm đáng kể thèm nhớ, cạnh tranh và khóa tác động của heroin.

Thuốc methadone trên thế giới được sử dụng rộng rãi để điều trị đau mạn tính, điều trị hỗ trợ trong cắt cơn (để giảm biểu hiện và triệu chứng cai CDTP) và điều trị thay thế duy trì cho người nghiện chất dạng thuốc phiện.

Cho đến nay, thế giới đã có trên 40 năm bằng chứng về sự an toàn và hiệu quả của thuốc Methadone, được cơ quan kiểm soát dược phẩm và thực phẩm của Hoa Kỳ (FDA) công nhận và đưa vào danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới.

Tại Việt Nam, thuốc Methadone nằm trong danh mục thuốc gây nghiện độc bảng B. Bộ Y tế đã đưa thuốc Methadone vào danh mục thuốc thiết yếu để dùng cho chương trình điều trị Methadone quốc gia và đảm bảo nguồn cung ứng thuốc được hưởng cơ chế ưu đãi và trợ giá của Chính phủ.

Methadone có gây nghiện không?

Khi điều trị nghiện bằng thuốc Methadone, người bệnh lệ thuộc vào thuốc Methadone chứ không nghiện Methadone. Người bệnh điều trị bằng thuốc Methadone cũng giống như bệnh nhân tiểu đường cần thuốc insuline để kiểm soát lượng đường trong máu.

Người sử dụng ma túy thích cảm giác phê sướng do ma túy đem lại và thường tìm kiếm loại ma túy có tác dụng nhanh như heroin. Khác với Heroin, Methadone có tác dụng chậm, khoảng 30 phút và đạt đỉnh điểm khoảng 3 – 4 giờ sau khi uống. Methadone không đem lại cảm giác phê sướng kể cả khi người bệnh được điều trị ổn định ở liều cao.

Hơn nữa, theo phân loại bệnh tật quốc tế lần thứ 10 (tiêu chuẩn ICD10) và theo hướng dẫn chẩn đoán nghiện của Bộ Y tế, trong 12 tháng, cần thỏa mãn ít nhất 3 trong 6 tiêu chuẩn thì mới đủ tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện. Đối với lệ thuộc thuốc Methadone, chỉ có 1 trong 6 tiêu chuẩn là khi dừng thuốc đột ngột sẽ gây biểu hiện cai nên không đủ điều kiện quy định để nói rằng nghiện Methadone.

Biện pháp điều trị thay thế Methadone

Theo Cơ quan điều trị lạm dụng ma túy và rượu Hoa Kỳ (SAMHSA), điều trị thay thế hay còn gọi là điều trị hỗ trợ bằng thuốc là việc sử dụng thuốc, kết hợp với liệu pháp tư vấn và hành vi để điều trị toàn diện cho người lạm dung ma tuý. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi điều trị rối loại nghiện ma túy, sự kết hợp giữa cả thuốc và liệu pháp hành vi là biện pháp điều trị hiệu quả và thành công nhất.

Trong những thập kỷ đầu tiên sau khi phương thức điều trị duy trì bằng methadone ra đời, người ta coi nó là một loại hình điều trị chuyển tiếp trên con đường cuối cùng dẫn tới việc giảm liều và bệnh nhân sẽ ngừng sử dụng methadone một cách hoàn toàn.

Người ta cố gắng giữ liều điều trị ở mức thấp (khoảng 40mg/ngày) với lập luận rằng nếu dùng liều cao hơn thì sẽ phải kéo dài thời gian giảm liều và việc ngừng hẳn methadone sẽ trở nên khó khăn hơn. Chính sách dùng liều thấp này hiện nay vẫn được áp dụng ở Chương trình điều trị Methadone của Trung Quốc và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ duy trì điều trị thấp và bỏ trị cao.

Ngày nay, điều trị duy trì methadone không còn được coi là một biện pháp trị liệu tạm thời nữa. Dưới một góc độ nào đó, chúng ta đã quay lại với giả thuyết của BS. Dole đưa ra từ những năm 1960, rằng sự lệ thuộc vào chất dạng thuốc phiện nên được coi là một rối loạn suy giảm chức năng, tương tự như suy giảm chức năng tuyến giáp hay bệnh tiểu đường (suy giảm chức năng sản xuất insuline của tuyến tụy), và nó đặt ra yêu cầu phải dùng thuốc thay thế trong suốt phần đời còn lại.

Ngày nay, chúng ta đã nhận biết rằng người nghiện heroin thường phải dùng một liều methadone từ 60mg/ngày trở lên để họ không tìm đến heroin nữa. Chúng ta biết rằng tỷ lệ nhiễm HIV và Viêm gan C rất cao trong những người tiêm chích heroin. Chúng ta cũng nhận ra rằng bệnh nhân methadone cần phải được điều trị nhiều năm và thậm chí là suốt đời.  

Methadone không phải là một phương thuốc để chữa khỏi bệnh nghiện. Điều trị duy trì methadone cần được hiểu như một hình thức điều trị rất lâu dài, thường là suốt đời, đối với một bệnh mạn tính hay tái diễn.  Như vậy sẽ là bất hợp lý nếu coi việc bệnh nhân thỉnh thoảng có một đợt dùng lại heroin (hoặc các chất ma túy khác) là bằng chứng chứng tỏ sự thất bại của liệu pháp methadone.

Việc tái sử dụng ma túy chỉ nên coi là những thông tin dữ liệu y khoa về bệnh nhân. Với cách nhìn nhận như vậy chúng ta sẽ thấy sự tương đồng giữa cơ sở điều trị methadone và những cơ sở điều trị y khoa khác về mặt tuân thủ điều trị. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng đối với nhiều bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, cao huyết áp hay đái tháo đường thì mức độ tuân thủ điều trị thường ở mức thấp.

Có thể giảm liều Methadone và ngừng hẳn điều trị thành công không?

Những ai là người có thể giảm liều tới ngừng hẳn methadone và không còn phải dùng đến chất dạng thuốc phiện nữa? Đây là một câu hỏi mang tính thực tế chứ không phải mang tính lý thuyết.

Bệnh nhân được phép (nhưng không phải khi nào cũng được khuyến khích) thực hiện một kế hoạch giảm liều; và chúng tôi khuyến nghị nên giảm liều thật chậm, sao cho không xuất hiện hội chứng cai ở bệnh nhân. Trong quá trình giảm liều, bệnh nhân là người quyết định xem có tiếp tục giảm liều methadone cho đến khi ngừng hẳn hay quay trở lại liều đang duy trì ổn định. Hầu hết họ đều lựa chọn quay trở lại, chỉ có một số ít người thành công. Việc điều trị hay dừng điều trị Methadone là tự nguyện theo ý muốn của người bệnh, không ép buộc điều trị cũng như chấm dứt điều trị.

Top