4 giải pháp ngăn chặn tội phạm ma tuý có vũ trang qua biên giới

01/10/2018 16:36

Mục tiêu ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới bước đầu đạt kết quả. Các cung tuyến vận chuyển ma túy cũ cơ bản đã bị ngăn chặn, hoạt động của các toán, nhóm vũ trang đã giảm 70-80%, giảm thiểu lượng ma túy từ Lào thẩm lậu vào Việt Nam.

Giải mã ‘cứ điểm’ an toàn của tội phạm ma tuý ở biên giới

Để tăng cường đấu tranh tội phạm ma tuý, nhất là TPMT có vũ trang tại địa bàn huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, ngày 26/3/2018, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xây dựng Kế hoạch số 892/KH-BTL đấu tranh ngăn chặn TPMT có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ.

Kế hoạch xác định 4 giải pháp cơ bản là: Chú trọng và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới; Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế và phối hợp với các lực lượng. Trong đó, lấy giải pháp chính trị là cơ bản, giải pháp nghiệp vụ là mũi nhọn kết hợp với biện pháp vũ trang khi cần thiết.

Tạo sức mạnh tinh thần trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy

Theo Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, với chủ trương lấy vận động chính trị là cơ bản trong chuyển hóa địa bàn, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo Cục Chính trị, BĐBP Sơn La và các đơn vị liên quan tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai đồng bộ công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tăng cường mối quan hệ quân-dân, tham mưu củng cố chính quyền cơ sở, tạo sức mạnh tổng hợp trong PCMT.

Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP trao tặng bò giống cho các hộ nghèo ở xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Từ đầu năm 2018 đến nay, BĐBP đã chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hoạt động tại địa bàn Sơn La như: Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào; Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản; hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội; đồng hành cùng phụ nữ biên cương làm nhà “mái ấm tình thương”; tổ chức bữa ăn sáng cho các cháu học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở các điểm trường; tặng bò giống cho người nghèo và phụ nữ nghèo; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới.

Đặc biệt, trong đợt cao điểm (từ tháng 3/2018 đến nay), Bộ tư lệnh BĐBP đã tăng cường gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ, gần 30 chó nghiệp vụ luân phiên làm nhiệm vụ tuần tra biên giới và làm công tác dân vận, giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy; biên soạn, in ấn 2.500 cuốn tài liệu, 30.000 tờ rơi, 30 áp phích về phòng, chống ma túy, tổ chức tuyên truyền tập trung 56 buổi/5.000 lượt người nghe. Giúp dân xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 1.000 lượt người ở 4 xã biên giới...

Với những việc làm thiết thực, hiệu quả đã tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở, tạo môi trường lành mạnh tại các làng bản khu vực biên giới, chuyển đổi nhận thức của nhân dân về ý thức, trách nhiệm trong PCMT, gắn bó và ủng hộ BĐBP trong bảo vệ biên giới và PCMT; tạo sức mạnh tinh thần trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy. Sau 6 tháng triển khai, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho BĐBP hàng trăm tin về hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần tích cực trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy, làm trong sạch địa bàn.

Từng bước hạn chế các “kho ma túy” gần biên giới

Đối với giải pháp về công tác nghiệp vụ, tại địa bàn ngoại biên, Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm (PCMT&TP) thành lập 01 đội công tác ngoại biên đứng chân tại thị xã Sầm Nưa tiến hành hoạt động trinh sát phát hiện và phối hợp với Công an tỉnh Hủa Phăn đấu tranh, triệt phá các đường dây vận chuyển ma túy từ Lào qua biên giới Sơn La vào Việt Nam. Đồng thời, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tăng cường hợp tác với Công an các tỉnh đối diện của Lào triển khai các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới.

Tại địa bàn 4 xã biên giới, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo Cục PCMT&TP và BĐBP Sơn La triển khai các đội trinh sát nội biên tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào biện pháp trinh sát đặc nhiệm trên khu vực núi Pha Luông để phát hiện, ngăn chặn các toán nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang. Phối hợp với lực lượng Công an tỉnh Sơn La tổ chức điều tra cơ bản các tuyến trọng điểm, địa bàn phức tạp về ma túy; xây dựng lực lượng mật; quản lý nghiệp vụ, kiểm tra nghiệp vụ, gọi hỏi, trục xuất các đối tượng tạm trú có nghi vấn ra khỏi địa bàn.

Đối với giải pháp công tác hợp tác quốc tế và phối hợp với các lực lượng, với chủ trương “phát hiện TPMT từ sớm, ngăn chặn từ xa”, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo Cục PCMT&TP tổ chức đoàn công tác do đồng chí Cục trưởng làm Trưởng đoàn trực tiếp làm việc với Cục PCMT/Tổng cục An ninh Lào và Công an các tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay để thống nhất triển khai kế hoạch hợp tác giữa 2 bên. Đã tham mưu cho Cục PCMT Lào xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể PCMT trên tuyến trọng điểm phức tạp để ngăn chặn tuyến vận chuyển ma túy từ “Tam giác vàng” về Hủa Phăn và từ Sầm Nưa về Sốp Bâu, từng bước hạn chế các “kho ma túy” gần biên giới.

Để tạo thế liên hoàn khép kín từ biên giới vào nội địa, Bộ Tư lệnh BĐBP và Tổng cục Cảnh sát/Bộ Công an đã ký Kế hoạch số 1693 ngày 16/5/2018 phối hợp giải quyết tình hình phức tạp về ma túy địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ/Sơn La và huyện Mai Châu/Hòa Bình, đồng thời chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an thực hiện Phương án 1078 của Tổng cục Cảnh sát/Bộ Công an về tăng cường đấu tranh với TPMT tại Hang Kia, Pà Cò/Mai Châu/Hòa Bình và Lóng Luông/Vân Hồ/Sơn La giai đoạn 2018-2020.

Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường lực lượng, biện pháp thực hiện các nội dung nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch phối hợp; các đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin, thống nhất đánh giá tình hình để phối hợp chặt chẽ, sát đúng tình hình; lực lượng của Cục PCMT&TP và BĐBP Sơn La đã chủ động trinh sát chốt chặn biên giới trước và trong thời điểm lực lượng Công an tổ chức truy quét TPMT tại Lóng Luông/Vân Hồ, không để cho các đối tượng bị truy nã trốn qua biên giới.

Đối với giải pháp về công tác tuần tra, quản lý, kiểm soát biên giới, Bộ Tư lệnh đã bổ sung, tăng cường trang bị cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập và Tân Xuân để thực hiện công tác tuần tra, quản lý, kiểm soát biên giới; chỉ đạo Học viện Biên phòng, Trường Trung cấp 24 Biên phòng xác định khu vực biên giới Mộc Châu, Vân Hồ là địa bàn tổ chức dã ngoại huấn luyện thường xuyên, liên tục và lâu dài.

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh cũng chỉ đạo BĐBP Điện Biên, Thanh Hóa tăng cường tuần tra, mật phục đề phòng các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang chuyển hướng hoạt động sang các địa bàn, khu vực giáp ranh tỉnh Sơn La. Hiện tại, đã phát hiện dấu hiệu đối tượng chuyển tuyến theo hướng qua Mường Lát, Quan Sơn (Thanh Hóa) để vận chuyển ma túy về Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình). Cục PCMT&TP đang chỉ đạo lực lượng của Cục và BĐBP Thanh Hóa xác minh và tổ chức đấu tranh ngăn chặn.

Hoạt động của các toán, nhóm vũ trang giảm 70-80%

Sau 6 tháng thực hiện cao điểm của Kế hoạch, phong trào quần chúng phòng chống tệ nạn và TPMT đã được tăng cường, nhận thức của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới được nâng lên, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Qua các hoạt động dân vận, tình quân-dân được phát huy tạo sức mạnh tổng hợp, bền vững trong PCMT. Hiện tại, cả 4 xã khu vực biên giới của huyện Mộc Châu, Vân Hồ đã cơ bản thực hiện xong công tác chuyển hóa địa bàn theo Quyết định của UBND tỉnh Sơn La.

Trong công tác đấu tranh, tại địa bàn ngoại biên, Cục PCMT&TP, BĐBP Sơn La, Điện Biên đã phối hợp với Công an Lào xác lập, đấu tranh 13 chuyên án, bắt 34 đối tượng, thu 169 bánh heroin, 65kg ma túy đá, 422.000 viên MTTH, 17kg thuốc phiện, 18 khẩu súng, 80 viên đạn, 7 lựu đạn, 7 ô tô…

Riêng tại Hủa Phăn, lực lượng BĐBP đã phối hợp với bạn Lào xác lập, đấu tranh 5 chuyên án lớn, bắt 11 đối tượng, thu: 45 bánh heroin, 40kg ma túy đá, 180.000 viên MTTH, 17kg thuốc phiện, 12 súng, 50 viên đạn, 5 lựu đạn; triệt xóa 2 cơ sở chế ép ma túy, thu 120 bánh heroin, 60kg phụ gia, 4 máy ép ma túy. Trong địa bàn nội biên, Cục PCMT&TP và BĐBP các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Điện Biên đã đấu tranh thắng lợi 9 chuyên án, bắt 11 đối tượng, thu 19 bánh heroin, 15kg ma túy đá, 39.000 viên MTTH, 5kg thuốc phiện, 3 khẩu súng, 20 viên đạn và nhiều tang vật khác.

Trong công tác kiểm soát, ngăn chặn TPMT có vũ trang, do quyết liệt thực hiện các phương án kiểm soát, ngăn chặn ngay từ biên giới nên đến nay các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang giảm mạnh (hiện chỉ còn 3-4 toán/1 tháng, mỗi toán chỉ 2-4 đối tượng), hoạt động bí mật, cảnh giác hơn hoặc chuyển tuyến sang địa bàn giáp ranh.

Kết quả trên khẳng định kế hoạch đã được triển khai đúng hướng, mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Qua đó, đã từng bước hạn chế hoạt động vận chuyển ma túy từ “Tam giác vàng” về Hủa Phăn và các tụ điểm tập kết sát biên giới Việt Nam. Công tác phối hợp với lực lượng chức năng Lào đấu tranh với các tổ chức TPMT ở ngoại biên đã có hiệu quả tích cực. Các cung tuyến vận chuyển ma túy cũ cơ bản đã bị ngăn chặn, hoạt động của các toán, nhóm vũ trang đã giảm 70-80%, giảm thiểu lượng ma túy từ Lào thẩm lậu vào Việt Nam.

Hiệu quả công tác đấu tranh chống TPMT trên khu vực biên giới đã từng bước được nâng lên. So với giai đoạn trước khi triển khai thực hiện kế hoạch, số đối tượng và lượng ma túy bị bắt giữ tăng cao. Công tác phối hợp giữa BĐBP và lực lượng Công an dần đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, phát huy vai trò chủ công, nòng cốt của cả hai lực lượng. Kết quả trên đã khẳng định kế hoạch đã triển khai đúng hướng, mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống TPMT ở khu vực biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh cho biết, thời gian tới, tình hình TPMT trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Hoạt động của TPMT có vũ trang qua biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ nói chung đã giảm nhưng chưa toàn diện và bền vững, vẫn tiềm ẩn nguy cơ có thể bùng phát trở lại. Các đối tượng TPMT trong nội địa sẽ tiếp tục móc nối cấu kết với số đối tượng ở KVBG và ngoại biên để hình thành các đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới. Phương thức, thủ đoạn của TPMT ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí để chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng khi bị phát hiện...

Từ đó, có thể khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống TPMT sẽ ngày càng khó khăn, quyết liệt hơn. Nếu không tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp và sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp, các lực lượng sẽ rất khó khăn trong ngăn chặn tiến tới loại bỏ dứt điểm TPMT có vũ trang trên địa bàn.

Top