Xây dựng cơ chế tái hòa nhập ‘trọn gói’ cho người bán dâm

28/03/2018 14:18

Cần xây dựng cơ chế tái hòa nhập ‘trọn gói’ trong đó bao gồm những loại dịch vụ cần có như hỗ trợ y tế, tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người bán dâm…

* Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách về mại dâm

* Hợp pháp hóa mại dâm tại một số quốc gia: Thành công ít, rủi ro nhiều

Đừng đeo án ‘chung thân’ cho người mua bán dâm

Công khai danh tính người mua bán dâm: Luật sư nói gì?

Phòng, chống mại dâm trên cơ sở tôn trọng quyền con người

Ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp: Cần xây dựng cơ chế tái hòa nhập ‘trọn gói’ cho người bán dâm

Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp tại Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phối hợp với tổ chức ngày 28/3.

Ông Trần Văn Đạt cho rằng, mặc dù công tác phòng, chống mại dâm đã và đang được các ngành và các cơ quan chức năng quan tâm và đạt được những kết quả nhất định, song tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp.

Số người mại dâm được các cơ quan chức năng thống kê qua xử lý hành chính, hỗ trợ xã hội, y tế đầu năm 2017 là hơn 3.000 người. Hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, trá hình, khó kiểm soát.

Thống kê trên toàn quốc ước tính có khoảng hơn 15.000 người bán dâm. Số liệu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó, người bán dâm chủ yếu là nữ giới.

Đối tượng và hình thức mại dâm vẫn chủ yếu dưới dạng gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, mại dâm nam, môi giới mại dâm qua mạng xã hội…

Ông Đạt cho biết, tại các thành phố lớn, các tụ điểm mại dâm khu vực công cộng sau các đợt truy quét của lực lượng chức năng có chiều hướng giảm, đối tượng thực hiện hoạt động mại dâm chủ yếu trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, qua liên lạc điện thoại, qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, di động bằng xe máy…

Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng: “Trong những năm qua, số lượng hành vi phạm, bị xử lý hành chính vẫn còn khiêm tốn. Qua khảo sát có thể thấy so với số lượng thực tế, chúng ta mới xử lý được một lượng nhỏ. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi về vấn đề quản lý nhà nước. Rõ ràng, năng lực quản lý đang có những vấn đề”.

Bên cạnh đó, ông Đạt cho rằng, hệ thống pháp luật, hành chính về phòng, chống mại dâm, đặc biệt là Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm đã ban hành gần 15 năm nay nên có nhiều điều không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng, chống mại dâm trong tình hình mới. Ngoài ra, mức xử phạt với hành vi mua bán dâm được quy định vẫn còn quá thấp, không đủ sức răn đe.

“Chẳng hạn như người bán dâm chỉ bị cảnh báo chưa đủ sức răn đe như phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng, mức xử phạt dành cho người mua dâm cũng chỉ từ 500.000-1000.000 đồng, cao nhất là 2 triệu đồng cho hành vi mua dâm nhiều người cùng một lúc. Chúng ta cũng thiếu quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi mại dâm như khiêu dâm, kích dục…”, ông Đạt cho biết.

Theo ông Đạt, giải pháp lâu dài là cần nghiên cứu xây dựng Luật Phòng chống mại dâm làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp để phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Vì thế, dự án Luật Phòng, chống mại dâm cần có những quy định liên quan đến biện pháp phòng ngừa. Một trong những nguyên tắc cơ bản phòng chống mại dâm là lấy phòng ngừa là chính, kết hợp thông tin giáo dục, truyền thông, tư vấn về phòng chống mại dâm; quản lý an ninh trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng. Cần hướng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông vào một đối tượng cụ thể như phụ nữ, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và những người sinh sống tại khu vực biên giới…

Bên cạnh đó, trong dự án Luật, nội dung hỗ trợ phòng chống bạo lực giới, giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm cần quy định rõ các trường hợp áp dụng biện pháp bảo vệ nhằm bảo đảm tính thống nhất. Cần quy định cụ thể biện pháp bảo vệ và cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt là các trường hợp là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Cần xây dựng cơ chế tái hòa nhập ‘trọn gói’ trong đó bao gồm những loại dịch vụ như hỗ trợ y tế, tư vấn, hỗ trợ tâm lý giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…

Top