Việt Nam ưu tiên nỗ lực giải quyết tình trạng bạo lực giới

20/03/2012 08:25

Trong 5 năm tới đây, các mục tiêu giải quyết hiệu quả tình trạng bạo lực giới, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng cường năng lực cho lãnh đạo nữ của Việt Nam và tạo cơ hội việc làm bình đẳng, ổn định cho phụ nữ và nam giới sẽ được ưu tiên thực hiện.

Ảnh Chinhphu.vn

Ngày 19/3 tại Hà Nội, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức Lễ kết thúc Chương trình hợp tác chung về bình đẳng giới tại Việt Nam.

Chương trình này có mục tiêu tăng cường năng lực của các lãnh đạo cấp quốc gia và cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị và các bên có trách nhiệm liên quan nhằm thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo có hiệu quả về thực thi Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Với tổng ngân sách là hơn 4,6 triệu USD, chương trình được triển khai từ tháng 4/2009 và kết thúc vào ngày 30/3/2012.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh, Việt Nam có bề dày lịch sử về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Quá trình này được phản ánh rõ nét trong việc ban hành và thực thi Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, bao gồm cả pháp luật lao động và gia đình.

Việt Nam đã tham gia ký kết một số văn bản luật pháp quốc tế về giới, như Công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ (CEDAW). Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại trong năng lực thể chế, thực hiện, báo cáo, phân tích giới và thu thập dữ liệu để hỗ trợ, giám sát quá trình thực thi Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Chương trình hợp tác chung này khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc tiếp tục tăng cường bình đẳng giới ở Việt Nam.

Sau 3 năm thực hiện, chương trình hợp tác chung đã giúp nâng cao nhận thức về  Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ các cơ quan Chính phủ; tăng cường kiến thức liên quan đến việc thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo các điều luật này. Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan trong việc lồng ghép giới và các chương trình và chính sách như giáo dục, y tế, lao động và việc làm, thông tin và truyền thông…

Ông Bruce Campbell, quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam có khuôn khổ luật pháp và chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để có thể tạo ra cơ hội bình đẳng cho nam giới và phụ nữ, giúp đảm bảo các chính sách và chương trình được thực hiện ở cấp tỉnh và các địa phương. Mục tiêu đạt được bình đẳng giới cần phải được tiếp tục thực hiện một cách nhất quán, lồng ghép và hỗ trợ lẫn nhau.

Trong 5 năm tới đây, Liên Hợp Quốc sẽ đầu từ khoảng 40 triệu USD cho việc tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Các biện pháp hỗ trợ sẽ tập trung cho các mục tiêu giải quyết hiệu quả bạo lực giới, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng cường năng lực cho lãnh đạo nữ của Việt Nam và tạo cơ hội việc làm bình đẳng, ổn định cho phụ nữ và nam giới.

Top