Thất nghiệp, gái mại dâm khó “hoàn lương”

19/11/2012 16:14

Ông Phạm Đình Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số II Ba Vì cho biết, tâm lý chị em sau khi rời khỏi trung tâm đều cố "bám trụ" lại thành phố. Họ không muốn về quê bởi ở đó, họ rất khó tìm được việc làm.

Kết quả khảo sát mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, trong nhóm đối tượng là gái mại dâm được phỏng vấn, có tới gần 25% đã từng từ bỏ hoạt động mại dâm, nhưng sau đó lại tiếp tục quay trở lại hành nghề; gần 38% vẫn muốn tiếp tục duy trì “công việc”. Có nhiều nguyên nhân khiến họ không muốn bỏ “nghề”. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do những yếu tố về kinh tế.

Các cô gái tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số II trong giờ sinh hoạt. Ảnh Phan Hoàng

Tìm về nẻo thiện

Theo chân một cán bộ Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động số II, tôi gặp Phạm Thị Lành* (SN 1983), vào trung tâm từ tháng 6/2012. Lành sinh ra trong một gia đình thuần nông ở miền Tây Nam Bộ. Làm ruộng từ nhỏ, lại không được học hành nên đến giờ Lành vẫn trong diện mù chữ.

Lành kể, năm 23 tuổi cô lập gia đình với một chàng trai trẻ cùng làng. Một năm sau đó, cô sinh được bé trai đầu lòng kháu khỉnh. Thế nhưng kinh tế gia đình từ trước đến nay vốn đã eo hẹp, có thêm đứa con nhỏ, vợ chồng Lành chẳng biết xoay sở thế nào. Chồng cô bảo lên thành phố tìm việc làm kiếm tiền nuôi con, rồi đi biệt. Thời gian đầu anh này còn thường xuyên gửi tiền về cho vợ, sau thưa dần rồi "biệt tích" hẳn.

Đầu năm 2011, Lành gửi con cho mẹ đẻ, nói dối là ra Hà Nội bán quần áo thuê. Kỳ thực cô theo một đứa bạn ra làm nhân viên trong một tụ điểm massage "đèn mờ". Đến giữa tháng 6 vừa rồi, sau đợt truy quét của công an thành phố, Lành bị bắt rồi bị chuyển vào trung tâm. "Em chỉ thương đứa con ở nhà. Bố em bảo thằng bé nhớ mẹ nên khóc suốt cả ngày. Cũng tại em không có trình độ, lại chẳng có nghề nghiệp gì", Lành nghẹn ngào chia sẻ.

Phạm Thị Lành với khát khao phục thiện, từ khi vào trung tâm tập trung học tập, đến nay đã biết đọc, biết viết. Theo các cán bộ tại trung tâm, Lành đặc biệt khéo tay với việc tạo ra các loại hoa bằng giấy. Cô còn tự nghĩ và sáng tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt từ giấy báo cũ. Khéo tay, lại được học nghề làm hoa giấy, nhưng Lành vẫn mặc cảm. Cô ngại những dèm pha của dư luận khi đi kiếm việc làm sau này.

Nguyễn Thị Mai Phương* (23 tuổi), quê ở Phú Thọ, bị “thu gom” khi đang lang thang tại bến xe Giáp Bát từ tháng 6/2012. Đây là lần thứ hai cô bị bắt đưa vào trung tâm chữa bệnh.

Theo lời Phương, cô không có chồng nhưng có con từ năm 20 tuổi. Ban đầu lên Hà Nội, cô xin làm tạp vụ tại một hàng bán cơm bình dân. Có hôm gặp mấy chị thường xuyên đến quán ăn cơm, thấy Phương trắng trẻo, ưa nhìn nên gợi ý rủ cô "làm thêm" ca tối. Nghĩ đến việc phục vụ ở quán cơm vất vả mà số tiền kiếm được lại chẳng đáng là bao, Phương nhanh chóng nhận lời. Đi bán dâm được vài tháng, cô bị công an bắt.

Phương tâm sự, lần trước khi rời khỏi trung tâm, cô cũng có ý định về quê. Nhưng vì ngại những lời đàm tiếu của bà con lối xóm, vả lại về quê cũng chẳng biết làm gì để kiếm tiền, nên quyết định ở lại Hà Nội, tiếp tục hành nghề mại dâm. "Đời em bỏ đi đã đành. Nhưng em thương con, thương mẹ em lắm. Mẹ em ở quê nhiều tuổi hay ốm đau bệnh tật, con em cũng còn quá nhỏ, em không đi làm thì lấy tiền đâu mà gửi về nhà”.

Tại trung tâm, Phương hiện đang học nghề thêu, những sản phẩm do cô làm ra đều tương đối đẹp và bắt mắt. Tuy nhiên, khi nói đến dự định sau này, Phương vẫn chỉ ngậm ngùi, “Em cũng đâu có muốn tiếp tục làm cái nghề "nhơ nhớp" ấy. Nhưng thật sự khi về đến nhà, em chỉ sợ không tìm được việc làm phù hợp”.

Chị Nguyễn Thị Thìn, Đội trưởng đội quản lý học viên nữ tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số II Ba Vì cho hay, hiện nay trung tâm có gần 200 chị em đang học tập, cải tạo. Đa số học viên có trình độ văn hoá thấp, sức khỏe kém. Đặc biệt nhiều người tâm lý không ổn định nên chủ yếu học nghề thủ công như may mặc, thêu, làm hoa giấy… Cá biệt có một vài trường hợp gắng theo được lớp tin học văn phòng.

Khó tìm việc làm

Chị Dương Thu Hương, cán bộ Trung tâm Giáo dục, lao động hướng nghiệp thanh niên Hà Nội cho biết, tại trung tâm học viên được hưởng lương theo sản phẩm, nhưng còn thấp với chỉ 300 nghìn đồng/người/tháng. Trước khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, học viên đều được tư vấn làm nghề và chọn nghề phù hợp. Tuy nhiên, chỉ có rất ít chị em khi trở về tìm được việc làm.

Lớp học nghề thêu tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số II Ba Vì, Hà Nội.

Ông Phạm Đình Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số II Ba Vì cho biết, hàng năm số chị em phải quay trở lại trung tâm không nhiều, chỉ khoảng từ 5 đến 10%. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả chị em đều "hoàn lương", số chị em quay trở lại con đường cũ là không nhỏ. Theo ông Giang, nguyên nhân chính là do tâm lý chị em sau khi rời khỏi trung tâm đều cố gắng "bám trụ" lại thành phố. Họ không có tiền, lại không nghề nghiệp, có về quê cũng chẳng biết làm gì.

Vấn đề giúp gái mại dâm tái hòa nhập cộng đồng mặc dù đã được triển khai, thực hiện ở các cơ quan, đoàn thể trên cả nước. Nhưng trên thực tế việc tái hòa nhập cộng đồng của những người hành nghề mại dâm còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn cho các chị em mại dâm trở về với cộng đồng, nhưng nhiều người không muốn đăng ký vì lo sợ "lộ diện". Do vậy, số lượng gái mại dâm tiếp cận vốn vay còn rất thấp.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

Top