TPHCM tăng cường kiểm tra trên các địa bàn trọng điểm, nhạy cảm về mại dâm

05/12/2019 16:25

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM sẽ tăng cường kiểm tra liên ngành, chuyên ngành trên các địa bàn trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp. Đồng thời, sở cam kết quản lý chặt các loại hình kinh doanh để không phát sinh hoạt động liên quan đến mại dâm.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, đến quý III, Đoàn kiểm tra chuyên ngành văn hóa thuộc Sở đã kiểm tra 48 cơ sở karaoke và xử phạt 45 cơ sở số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Cùng với đó, 129 cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, dễ phát sinh mại dâm cũng đã bị Đoàn kiểm tra Liên ngành Văn hóa - Xã hội thành phố thanh tra, đã xử phạt 118 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 4,8 tỷ đồng.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, hiện nay công tác phòng, chống mại dâm chưa đồng đều và hiệu quả là do các cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức. Quy định trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm còn bất cập khi chưa có hành lang pháp lý để xử lý vi phạm mại dâm nam, mại dâm đồng tính và các hành vi kích dục.

Tháng 10/2019, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cũng có báo cáo sơ kết thực hiện chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Theo đó, trong hai năm thực hiện chỉ thị, tại TPHCM đã tiến hành thanh tra kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch và thanh tra kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kết quả, đoàn kiểm tra chuyên ngành văn hóa đã kiểm tra 291 cuộc, ra 271 quyết định xử phạt, tổng số tiền phạt 6,97 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra chuyên ngành thể thao tiến hành 224 cuộc kiểm tra, ra 135 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,78 tỷ đồng. Đoàn 1 - kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội TP tiến hành 238 cuộc, ra 217 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 9,47 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa và Thể thao, có một thực tế là các cơ sở kinh doanh thường xuyên đối phó tinh vi với các lực lượng kiểm tra, nên việc phát hiện quả tang các hành vi vi phạm rất khó khăn. Vì thế trường hợp kiểm tra một lần chưa phát hiện vi phạm thì rất khó để kiểm tra lần hai nếu không phát hiện vi phạm vì sẽ vi phạm Chỉ thị số 20. Điều này dẫn tới hạn chế của công tác kiểm tra, ngăn chặn đối với các cơ sở kinh doanh tiềm ẩn tệ nạn xã hội.

Một thực tế khác là đối với các cơ sở kinh doanh lĩnh vực văn hóa tiềm ẩn tệ nạn xã hội hoạt động biến tướng, thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nên việc lập kế hoạch kiểm tra hàng năm với đối tượng, địa chỉ cụ thể sẽ không có hiệu quả trong công tác kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực này.

Do vậy, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đối với lĩnh vực văn hóa xã hội, nhất là các cơ sở kinh doanh tiềm ẩn tệ nạn về khiêu dâm, kích dục, mại dâm, ma túy, cờ bạc làm bức xúc trong nhân dân thì không nên lập danh sách đối tượng kiểm tra cụ thể từ đầu năm, công khai để các lực lượng kiểm tra xử lý chồng chéo, trùng lắp, nhằm để giữ bí mật trong công tác đấu tranh, triệt phá, ngăn chặn hành vi vi phạm.

Theo thống kế TPHCM có trên 3.200 người hoạt động mại dâm và gần 9.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Thành phố cũng đang triển khai mô hình “Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm”; mô hình “Hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với nữ lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ” và mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”. Qua hơn 2 năm triển khai đã tổ chức 5 đợt khảo sát với 3.500 người; 9 lớp tập huấn, 24 buổi truyền thông về pháp lý và 20 buổi tư vấn pháp lý chuyên sâu; 36 trường hợp hỗ trợ học nghề, vay vốn với tổng số tiền trên 900 triệu đồng.

Nhật Thy

Top