Quảng Ninh: Tăng cường phòng, chống tệ nạn mại dâm trong tình hình mới

25/07/2019 16:00

Tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được kiểm soát, không có tụ điểm “nóng”, hoạt động phức tạp gây bức xúc. Tuy nhiên, tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp, cả về tính chất lẫn quy mô hoạt động, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng...

 Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh có 13/23 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự với tổng số 3.083 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm theo quy định của Nhà nước. Trong đó, nghi vấn 72 cơ sở hoạt động mại dâm với 159 đối tượng hoạt động mại dâm, gồm: 38 chủ chứa, 12 môi giới; 109 gái bán dâm.

Đại diện  Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông kịp thời đưa tin, bài phản ánh các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội gắn với cấp phát bản tin về phòng, chống tệ nạn xã hội. Biên soạn tài liệu “Kiến thức cơ bản về tệ nạn mại dâm, ma túy, cai nghiện ma túy và mua bán người” cấp phát miễn phí cho các ngành, đơn vị, địa phương để khai thác, duy trì thường xuyên việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã góp phần thực hiện chỉ tiêu 80% người trưởng thành hiểu biết cơ bản về ma túy, mại dâm.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng kiểm tra cho 269 thành viên, cán bộ tham gia công tác Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm cấp huyện, xã; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền phòng chống mại dâm cho 331 cán bộ quản lý thuộc Phòng Giáo dục và đào tạo và giáo viên, nhân viên các trường Trung học phổ thông, trung học cơ sở tại 03 địa bàn trọng điểm của tỉnh; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn lao động) tập huấn về kỹ năng và nội dung tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho gần 1.000 đại biểu là đoàn viên, hội viên của tổ chức.

Xác định công tác kiểm tra phòng ngừa là cơ bản trong việc ngăn chặn phát sinh tệ nạn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh có liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, đặc biệt kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

6 tháng đầu năm, Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh đã thực hiện kiểm tra tại 27 cơ sở kinh doanh dịch ở các loại hình kinh doanh khác nhau gồm: Khách sạn; cơ sở tàu thủy lưu trú, karaoke, massage, quán bar, vũ trường…

Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện tích cực thực hiện nắm tình hình, kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, nổi bật là Đội Kiểm tra liên ngành 178 thị xã Đông Triều đã tổ chức 10 đợt với 35 buổi kiểm tra tại 67 cơ sở, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở với tổng số tiền 98 triệu đồng…

Đội Kiểm tra liên ngành 178 thành phố Cẩm Phả kiểm tra 20 cơ sở, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở với số tiền 9,7 triệu đồng; Đội Kiểm tra liên ngành 178 thành phố Hạ Long kiểm tra 60 cơ sở, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 5 triệu đồng, yêu cầu 1 cơ sở tạm dừng hoạt động…

Nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế khu vực phía Bắc, Quảng Ninh có khu công nghiệp than lớn nhất cả nước, có Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên Thế giới nên hằng năm thu hút khoảng 5 - 10 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách là người nước ngoài đến thăm quan. Với lợi thế về địa lý: Cảng biển, biên giới và nguồn tài nguyên, đây là thế mạnh để các ngành kinh tế của Quảng Ninh phát triển. Tuy nhiên, cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch cũng phát triển, đây là môi trường dễ có nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội trong đó có tệ nạn mại dâm.

Do đó, để xóa bỏ tệ nạn mại dâm, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai các mô hình thí điểm về phòng, chống mại dâm như: Mô hình phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ người bán dâm ổn định cuộc sống tái hoà nhập cộng đồng tại 8 xã/phường/thị trấn trọng điểm; mô hình Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, Câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ, giảm hại phòng, chống bạo lực giới tại thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả.

Đẩy mạnh các mô hình tuyên truyền nâng cao nhận thức, giảm hại do hoạt động mại dâm thông qua các buổi truyền thông cấp độ nhóm nhỏ, tư vấn cá nhân; thực hiện khảo sát nhu cầu hỗ trợ y tế, pháp lý và chuyển gửi đến các địa chỉ phù hợp; khảo sát nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề cho nhóm người có nguy cơ hoạt động mại dâm ở 3 địa bàn Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội dành cho nhóm phụ nữ bán dâm và mô hình bảo đảm quyền người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Top