Phụ nữ bán dâm Ấn Độ gắng gượng sinh tồn trong mùa dịch

04/05/2020 10:38

Bị loại trừ khỏi các gói hỗ trợ dịch bệnh của Chính phủ, phụ nữ mại dâm tại Ấn Độ sống nhờ sự hỗ trợ thực phẩm từ các tổ chức xã hội và mối lo ngại sự gia tăng các bệnh lây truyền.

Phụ nữ tại một khu đèn đỏ Ấn Độ

Tại Ấn Độ, mại dâm không phải là bất hợp pháp, nhưng sở hữu một nhà thổ hay công khai mời chào khách là hành vi phạm tội. Khi đại dịch Covid-19 hoành hành ở Ấn Độ, chính phủ nước này đã công bố các chương trình cứu trợ cho người nghèo. Tuy nhiên, gái mại dâm lại không thuộc nhóm được giúp đỡ.

Theo thống kê của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), năm 2016, Ấn Độ có khoảng 657.800 gái mại dâm, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Ở những thành phố lớn của Ấn Độ như New Delhi, Mumbai, Kolkata…, các nhà thổ mọc lên như nấm. Con đường GB ở New Delhi có hơn 3.000 gái mại dâm với khoảng 80 nhà thổ. Phố đèn đỏ Sonagachi ở Kolkata được mệnh danh là khu đèn đỏ lớn nhất châu Á với khoảng 10.000 gái mại dâm.

Bình thường, các lao động tình dục kiếm được khoảng 200-300 rupee (khoảng 2 bảng Anh) cho mỗi khách hàng và họ tiếp 3 hoặc 4 khách hàng mỗi ngày. Họ dùng số tiền ít ỏi kiếm được đó để chi trả tiền thuê nhà, các dịch vụ điện, nước, mua thức ăn và thuốc men cho họ, chưa kể các dịch vụ khác cho con cái và những người sống phụ thuộc họ.

Bà Urmi Basu, người sáng lập Tổ chức từ thiện New Light ở Kolkata, rất lo ngại về tình trạng hiện nay của gái mại dâm Ấn Độ: "Họ không những không có thực phẩm để ăn và vấn đề sức khỏe cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ liên quan đến Covid-19, HIV mà còn những bệnh xã hội khác".

Vệ sinh là thách thức ở các khu đèn đỏ nơi phụ nữ bán dâm sinh sống và làm việc. Chỗ ở chật chội, họ không có bếp để nấu ăn mà mua đồ ăn từ bên ngoài. Trung bình 20 người sử dụng chung một nhà tắm.

Bà Ruchira Gupta, thành viên của Nhóm tư vấn gia đình Apne Aap, chia sẻ: "Tôi nhận được một cuộc gọi nhờ giúp đỡ của một cháu bé 12 tuổi, con của một cô gái bán dâm. Cháu bé tiết lộ, đã 10 ngày qua, gia đình cháu không có thực phẩm để ăn và hiện giờ, cả nhà không biết phải làm gì". Bà Gupta cho biết, những cuộc gọi điện như vậy xuất hiện liên tục ở thời điểm hiện tại và cả những vấn đề khác như: thiếu tiền, không có lương thực, phải ở trong nhà nhiều ngày bởi cảnh sát không cho họ ra ngoài… Apne Aap kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và cho đến nay, nhóm tư vấn này đã phân phát 140.000 suất quà cứu trợ cho các nạn nhân ở New Delhi, Bihar và Kolkata.

Trong khi đó, Tổ chức từ thiện New Light cũng đã trao quà cho 1.500 gia đình, chỉ tính riêng ở Kolkata. Các suất quà gồm có: gạo, bột mì, đậu, gia vị, trà, sữa bột, hành và khoai tây kèm theo các sản phẩm vệ sinh, vừa đủ để sử dụng cho một gia đình gồm 4 người trong 2 tuần. New Light cũng đang phát động chiến dịch quyên góp 1 triệu bữa ăn cho đối tượng này đồng thời kêu gọi chính phủ Ấn Độ chung tay giúp đỡ.

Nhân viên xã hội nói rằng tình trạng khó khăn tài chính đã làm gia tăng các vụ bạo lực và xung đột gia đình. Priti Patkar, người sáng lập Prerana, một tổ chức từ thiện chống buôn người ở Mumbai, tin rằng điều này khiến trẻ em gặp nguy hiểm.

Khi sự không chắc chắn - và nỗi sợ hãi của đại dịch - tăng lên, các nhân viên xã hội dự đoán một sự đột biến liên qua đến trầm cảm, lo lắng và tự tử.

Những người phụ nữ cũng có nguy cơ bị mắc kẹt trong một chu kỳ nợ vô tận với mức lãi suất lên tới 12-25% mỗi tháng.

Top