Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách về mại dâm

28/03/2018 13:38

Cần xây dựng chính sách phòng, chống mại dâm theo quan điểm rõ ràng hơn, nhân văn hơn, bảo đảm quyền con người tiến tới hòa nhập sâu rộng hơn để trình Chính phủ, Quốc hội.

Hợp pháp hóa mại dâm tại một số quốc gia: Thành công ít, rủi ro nhiều

Đừng đeo án ‘chung thân’ cho người mua bán dâm

Công khai danh tính người mua bán dâm: Luật sư nói gì?

Phòng, chống mại dâm trên cơ sở tôn trọng quyền con người

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội phát biểu tại hội thảo-Ảnh: Nhật Thy

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm tổ chức ngày 28/3 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Lập cho biết, xu hướng trên thế giới, quyền công dân, quyền con người ngày càng được nâng cao. Hầu hết mại dâm bị cấm ở nhiều quốc gia, nhưng một số Chính phủ các nước lại cho rằng nên “hợp pháp hóa” mại dâm để dễ kiểm soát.

Tuy nhiên sau một thời gian đã cho thấy việc hợp pháp hóa mại dâm thường không đạt được những mục tiêu đề ra mà còn làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn, do đó một số nước sau thời gian dài chấp nhận mại dâm như một nghề đã phải quay lại biện pháp cấm hoàn toàn.

Việc xây dựng pháp luật phòng, chống mại dâm đã được quan tâm và bàn bạc rất kỹ. Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 đã đánh dấu một bước tiến trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để giải quyết vấn đề mại dâm. Đến các năm sau đó, hàng loạt các văn bản, chính sách về phòng, chống mại dâm đã được ra đời, đặc biệt từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì việc đưa người bán dâm vào Trung tâm 05 (trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội dành cho người bán dâm) đã được bãi bỏ, người bán dâm chỉ bị phạt hành chính. Điều này đã làm thay đổi rất nhiều về nhận thức của xã hội, tiếp cận quyền con người trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới, do đó việc xây dựng luật về phòng, chống mại dâm là cần thiết.

Toàn cảnh hội thảo-Ảnh: Nhật Thy

“Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Phòng chống mại dâm trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh Phòng chống mại dâm. Chúng ta đang tiếp cận công tác này theo hướng xây dựng các chính sách xã hội nhằm ngăn ngừa, phòng chống trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, luật pháp, tạo điều kiện cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng bằng các biện pháp như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm thiểu tác hại lây nhiễm, giúp cho người bán dâm bảo vệ mình cũng như người khác”, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết.

Cũng theo Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, dù có áp dụng biện pháp nào thì chúng ta cũng phải thừa nhận mại dâm là một vấn đề hiện hữu trong xã hội. Những người hoạt động mại dâm cũng là những con người và họ có quyền được sống, được bình đẳng đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội... Vì vậy việc áp dụng các biện pháp tiếp cận giảm tác hại là giải pháp khả thi nhất và mang lại nhiều kết quả trong giai đoạn hiện nay.

Tại Hội thảo, Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, việc xây dựng khung pháp lý cho vấn đề mại dâm là không đơn giản, đặt các quốc gia trước sự lựa chọn về văn hóa, đạo đức, kinh tế, xã hội. Trong nhiều năm qua vấn đề mại dâm luôn gây nhiều tranh cãi. Kinh nghiệm quốc tế về giải quyết vấn đề mại dâm theo cách tiếp cận dựa trên luật pháp, các yếu tố thuận lợi cơ bản bao gồm các chiến lược trọng yếu để tạo môi trường thuận lợi yêu cầu các nước phải rà soát lại các điều luật, chính sách và thực hành, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, ngăn ngừa bạo lực cũng như tăng cường sức mạnh của cộng đồng. Hiện trên thế giới có 4 mô hình về cách tiếp cận mại dâm dựa vào luật pháp gồm: Hình sự hóa, hình sự hóa một phần, hợp pháp hóa và phi hình sự hóa, nhưng bất kỳ ở mô hình nào thì cũng gặp phải những bất lợi, rào cản nhất định.

Tại Hội thảo, các đại diện của Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội cũng như lãnh đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội 20 tỉnh trọng điểm cũng đã thảo luận và đưa ra ý kiến để xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm theo quan điểm rõ ràng hơn, nhân văn hơn, đảm bảo quyền con người tiến tới hòa nhập sâu rộng hơn để trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt.

Top