Khúc cua cuộc đời

10/02/2012 09:38

Ơ !...

Nhìn thấy tôi, người con gái như nhận ra người quen, nhưng như chợt nhớ ra thân phận của mình lúc đó, câu nói tiếp theo bỗng tắc nghẹn trong cổ…

Lan Nhi, tên cô gái bị bắt trong đợt truy quét mại dâm đêm qua ngồi thẫn thờ, cố ngoảnh mặt đi nơi khác như sợ tôi nhận ra.

Tôi không thể nhận ra khuôn mặt trang điểm đậm đã có phần già nua của cô, chỉ khi hỏi đến phần lý lịch gia đình cô, tôi mới nhận ra và không ngờ rằng cuộc đời lại có những khúc cua “khủng khiếp” như thế.

Năm 1993, trên chuyến công tác tại tỉnh Trà Vinh về TP. Hồ Chí Minh, đoàn xe của chúng tôi phải dừng lại tại chân cầu Mỹ Huê vì cầu bị sập. Theo thông báo thì chúng tôi phải chờ khoảng 3-4 giờ nữa phía công binh mới thiết lập được cầu phao dã chiến để qua sông.

Trong khi chờ đợi, chúng tôi tranh thủ vào một số nhà bên đường để nghỉ chân và tình cờ được biết gia đình Lan Nhi. Căn nhà nhỏ có người mẹ góa bụa còn trẻ và hai cô con gái. Lan Nhi 9 tuổi và cô em 6 tuổi, cả hai đều xinh xắn với nước da trắng hồng mũm mĩm khác hẳn những người cô gái miền sông nước Cửu Long.

Chuyện nhiều nhưng tôi chỉ biết chồng thiếu phụ này đã bỏ đi biệt tích, sau khi sinh cô con gái thứ hai. Nghe nói, anh này theo người ta chạy sang Căm-pu-chia rồi qua Thái Lan. Chỉ còn lại một mình với đứa con gái mới sinh còn đỏ hỏn và phải nhờ bà con chòm xóm chị mới vượt qua bao khó khăn vất vả để nuôi hai cô con gái. Hàng ngày chị làm nghề thêu đồ mỹ nghệ để bán lấy tiền nuôi con.

Không biết có phải vì vẻ đẹp trai của thanh niên Hà Nội hay tài ăn nói của tôi mà chị quyết định tặng tôi một đôi vỏ gối do chính tay chị thêu, tôi đề nghị được thêu tên cô con gái lớn của chị là Lan Nhi lên đó.

Vừa thêu vừa trò chuyện, mũi thêu cứ thoăn thoắt lên xuống như chạy thi với thời gian. Khi tiếng loa thông báo cầu phao đã thông thì chữ “Lan Nhi” vẫn chưa thêu xong.

Tạm biệt mẹ con chị trong bịn rịn, tôi vội vã ra xe để kịp xuống phà.

Tưởng nhanh, nhưng mãi 20 phút sau, chúng tôi mới lên được phà. Bỗng có tiếng gọi hớt hải từ trên bờ vọng xuống, Từ xa tôi thấy bóng chị tất tả chạy xuống tay hua hua chiếc vỏ gối trắng tinh. Thì ra, sau khi chia tay tôi, chị vẫn hối hả hoàn thành nốt phần việc còn lại, chị vội chạy theo trao nó cho tôi khi chiếc phà từ rời bến.

Bóng chị mờ dần trong ánh sáng leo lắt của ngọn đèn điện treo tạm nơi đầu bến. Trong tôi lâng lâng một cảm giác khó tả, vừa cảm động vừa mang lòng trắc ẩn trước số phận éo le, long đong của một người đàn bà đẹp. Lòng thầm hứa sẽ có một ngày sẽ về lại vùng quê thanh bình mến khách này để thăm chị và các cháu…

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, làm sao tôi có thể nhận ra đứa bé chín tuổi thơ ngây ngày nào. Lan Nhi trước mặt tôi hôm nay không còn là cô bé đáng yêu ngày đó. Số phận run rủi lại bắt tôi  gặp lại em trong một hoàn cảnh thật trớ trêu.

Lan Nhi kể: Năm 1997, khi đang chạy theo bán hàng cho khách trên xe, mẹ Lan Nhi bị một chiếc xe xuống phà mất phanh tông phải. Oái oăm thay đó chính là những chuyến xe cuối cùng đi phà vượt sông trước khi cây cầu mới được khánh thành. Tai nạn không gây chết người, nhưng chấn thương cột sống đã lấy đi khả năng sử dụng đôi tay khéo léo của mẹ Lan Nhi. Cô phải nghỉ học để đi làm nuôi mẹ và em.

Để có tiền nuôi mẹ và em, cô chấp nhận thành gái bán hoa.      Ảnh minh họa.

Bến phà xưa, nơi khách đợi phà vẫn ghé chân mua bán đặc sản miệt vườn và những bức tranh thêu xinh xắn nay không còn nữa. Theo lời giới thiệu của người quen, Lan Nhi lên Sài gòn phụ giúp bán hàng cà phê. Nhưng một cô gái mới lớn và xinh đẹp như em làm sao tránh khỏi những cạm bẫy chốn thị thành. Việc phải đến cũng đã đến. Nhưng với Lan Nhi, cảm giác tủi hổ ban đầu cũng nhanh chóng qua đi vì với số tiền nhận được đủ để mẹ và em gái đỡ vất vả kiếm sống.

Mỗi lần về quê, nhìn ánh mắt mãn nguyện và những nụ cười hạnh phúc của mẹ và em gái, Lan Nhi cố giấu đi những giọt nước mắt tủi hờn. Lấy cớ công việc bận rộn phải đi ngay để không cho mẹ và em gái biết thân phận của mình…

Hôm nay, qua Lan Nhi tôi mới biết thong tin về chị, long mang nặng mặc cảm khi chưa thực hiện được lời hứa năm nào.

Ngoài phố phường đô hội kia, còn biết bao hoàn cảnh ẻo le đã đưa đẩy những cô gái như Lan Nhi bước vào con đường nhơ nhuốc này.

Rồi một ngày nào đó, về lại Mỹ Huê thăm mẹ Lan Nhi, liệu tôi có dám nói thật với chị những gì tôi chứng kiến hôm nay?

Top