Khánh Hòa: Tập trung các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm

26/08/2020 16:05

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Khánh Hòa tập trung các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm, mang lại những kết quả tích cực.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Hàng năm, địa phương chú trọng triển khai công tác nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tại địa phương làm công tác tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng. Trong 5 năm đã có 1.025 lượt cán bộ, báo cáo viên, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia các đợt tập huấn nâng cao năng lực, tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh; trung bình mỗi năm tổ chức 1 đợt tập huấn và 2 đợt phổ biến văn bản pháp luật.

Tại các huyện, thị xã, thành phố, công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư được chú trọng triển khai. Trong 5 năm, tổ chức tuyên truyền và lồng ghép các hoạt động tuyên truyền với các sinh hoạt tại cộng đồng gồm 510 buổi với 25,5 nghìn lượt người tham gia; phát thanh 2,7 nghìn lượt tin trên đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; xây dựng và sửa chữa 20 pa nô tuyên truyền; cấp phát 35 nghìn tờ rơi, sổ tay truyền thông phòng chống mại dâm, 40.000 hộp bao cao su và vật phẩm truyền thông trong can thiệp giảm hại, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Bên cạnh đó các Sở, ban, ngành tập trung công tác tuyên truyền phòng chống mại dâm theo nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng thực hiện 20 phóng sự tài liệu trên chuyên mục Vì bình yền cuộc sống, phát hành 15 số Bản tin Phòng chống tệ nạn xã hội với 2.880 bản; Đài Phát thanh và Truyền hình và Báo Khánh Hòa đã thực hiện tuyên truyền, phản ánh, đưa tin kịp thời theo nội dung các hội nghị, hội thảo, hoạt động và văn bản liên quan đến công tác phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống mại dâm trên toàn tỉnh; Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 75 buổi với 6,2 nghìn lượt người dân tham gia các buổi tuyên truyền; Sở Du lịch phối hợp Sở Y tế tổ chức truyền thông về chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tầm nhìn đến năm 2020 cho đại diện 587 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương lên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, đăng 45 tin bài liên quan đến công tác phòng chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020, thẩm định và cấp các giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh liên quan đến công tác phòng chống mại dâm ....

Công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống mại dâm với nhiều hình thức phong phú, nội dung cụ thể và trọng tâm cho từng nhóm đối tượng quan tâm đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng các cuộc tuyên truyền đã góp phần làm chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về cong tác phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay với toàn xã hội.

Chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm

Giai đoạn 2016-2020, lực lượng Công an các cấp chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm, Rà soát các địa bàn trọng điểm, nhóm người đang hoạt động mại dâm để có biện pháp phòng, ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm liên quan đến mại dâm. Thường xuyên phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tiến hành kiểm tra, tuần tra truy quét các đối tượng hoạt động mại dâm nhất là ở các địa bàn trọng điểm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, khu vực giáp ranh. Từ năm 2016 đến nay, đã phát hiện 21 vụ vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm với 123 đối tượng liên quan. Kết quả xử lý: Khởi tố 21 vụ với 31 bị can về hành vi chứa, môi giới mại dâm; xử phạt hành chính 92 đối tượng với số tiền 56 triệu đồng.

Theo thống kê cuối năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có 2,3 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó 1,5 nghìn cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ...) chiếm hơn 65% số cơ sở; số nhân viên làm việc tại đây khoảng hơn 4.000 người. Giai đoạn 2016 - 2020, tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm không có nhiều biến động về số lượng cơ sở và số lượng nhân viên, tập trung chủ yếu vẫn là cơ sở lưu trú. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 1.651 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó 874 cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ...) chiếm gần 53% số cơ sở (thống kê giảm so với đầu giai đoạn do ảnh hương của dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh).

Công tác quản lý địa bàn tại 137 xã, phường, thị trấn/08 huyện, thị xã, thành phố được triển khai thường xuyên và nghiêm túc; hàng năm địa phương đã triển khai duy trì công tác xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy mại dâm.

Trên địa bàn tỉnh có 7 Đội 178 (cấp tỉnh: 1 đội, cấp huyện: 6 đội) với 54 thảnh viên tham gia đã tiến hành các kế hoạch kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Kết quả, kiểm tra 25 đợt theo kế hoạch với 25 cơ sở kinh doanh dịch vụ; kiểm tra đột xuất 75 đợt với 112 cơ sở kinh doanh. Qua các đợt kiểm tra, đã chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời các cơ sở có dấu hiệu vi phạm, đề nghị xử phạt hành chính những cơ sở vi phạm.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tuyên truyền và triển khai có hiệu quả các hoạt động, mô hình trợ giúp cho người bán dâm: Hoạt động hỗ trợ giúp đỡ vay vốn theo Nghị quyết số 25/2009/NQ-HĐND ngày 15/12/2009, mô hình hoạt động tuyên truyền phòng chống mại dâm Câu lạc bộ Niềm tin, hoạt động thăm tặng quà đối tượng hoàn lương hòa nhập cộng đồng, mô hình can thiệp giảm hại và hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm thông qua nhóm đồng đẳng, tự lực.

Top