Hoàn lương nhờ tình mẫu tử

07/03/2012 17:13

Mang thai tháng thứ 3 vẫn phải đi tiếp khách làng chơi, lấy tiền nuôi thân và nuôi gã đàn ông đã đẩy mình vào con đường “nhơ nhuốc”, Lữ Thi S đã trải qua những ngày tháng khốn cùng và tủi cực. Giờ đây những ký ức đau thương ấy đã lùi vào dĩ vãng. Chị đã có cuộc sống yên ổn bên đứa con thơ, giọt máu thiêng liêng mà chị đã quyết tâm gìn giữ.

Rời bỏ mảnh đất Quỳ Châu, Nghệ An, ra Hà Nội tìm việc làm với mong mỏi thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn làm ruộng - lấy chồng - sinh con như đám bạn cùng lứa, Lữ Thị S lơ ngơ nơi xứ lạ, sống tạm bợ trong dãy nhà cũ kĩ dành cho dân lao động và quen gã lái taxi quê Nam Định.

Cùng cảnh xa nhà, thi thoảng trò chuyện với nhau, hắn hoạt ngôn và lại quan tâm tới chị nên S đã yêu say đắm và chuyển về sống cùng gã. Gã vốn lười lao động lại máu mê cờ bạc nên trong khi S chưa kiếm được việc làm, gã xui S kinh doanh “vốn tự có”. Mới đầu chị phản đối kịch liệt, nhưng chẳng hiểu gã cho chị ăn bùa mê thuốc lú gì, chị phục tùng hắn vô điều kiện.

Từ ngày chị đi làm gái, hắn vốn đã lười lao động lại càng lười hơn. Gã đón đưa chị tới “điểm hẹn” để “giao dịch” với khách hàng khiến mấy chị em “đồng nghiệp” nức nở khen chị chơi sang ngồi taxi đi làm. S giấu nhẹm chuyện tình nhân chở mình đi làm gái. Nỗi nhục nhã, ê chề ấy chị không muốn các “đồng nghiệp” của mình biết.

Ăn ở với nhau như vợ chồng, tiền chị làm ra, cả hai cùng chi tiêu chung. Nhưng khi biết tin chị có thai, hắn liền bỏ chị cùng đứa con chưa được thành hình. Một mình bơ vơ nơi xa lạ, không còn một đồng một cắc trong tay, để duy trì sự sống, Lữ Thị S tiếp tục đi làm gái, tiếp tục sống bằng cái nghề nhục nhằn, tủi phận, bị xã hội rẻ rúng này. Đối với S, những ngày tháng tăm tối đó tưởng như đẩy chị xuống bùn đen vĩnh viễn.

Sinh con trong nghèo khó, chẳng có bất cứ đồ vật nào giá trị. Đến tấm áo của con cũng là do tấm lòng thơm thảo của các chị em khu xóm trọ cắt may từ dăm tấm vải màn cũ dành cho. Chị đã tính đến nước quay trở lại con đường làm gái. Bởi lẽ, làm ở quán cơm, đồng lương rẻ mạt, cả ngày quần quật làm ở đó, lấy đâu ra thời gian chăm con.

Mẹ chị khóc lặng nhìn đứa con gái út tiều tuỵ, xác xơ ôm đứa trẻ trong lòng. Không cần nói bất cứ điều gì, bà hiểu tất cả. Bà ngồi xuống bục thềm, kêu cầu vong linh người cha quá cố của S, tự trách mình không biết nuôi dạy con nên người.

Tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp người phụ nữ chuân chuyên như S hoàn lương. Ảnh minh họa

Mắng S là thế, trách S khờ dại là thế, nhưng chính mẹ chị lại là người dang tay đón mẹ con chị vào lòng. Ở quê, người ta bảo chị là “đồ mất nết”, “đồ lẳng lơ”, và nặng nề hơn là “đồ gái lăng loàn”, trách gia đình chị không biết dạy con, để chị có con rơi, con vãi. Mỗi lần như thế, chị chỉ biết cắn răng chịu đựng sự nhiếc móc. Ngay cả mẹt tôm riu chị mang ra chợ bán, cũng bị người ta đuổi đi. Người ta không muốn một người đàn bà thiếu phẩm hạnh nhập hội buôn bán với họ. S từng nghĩ tới việc bỏ xứ ra đi, nhưng quê hương, mẹ và những người anh trai thương yêu đã níu giữ đôi chân S lại.

Không bán được ở làng, chị lặn lội từ sáng tinh mơ, đạp xe lên chợ huyện, sang làng bên buôn bán. Vì con chị không thể dễ dàng bỏ cuộc, không thể dễ dàng gục ngã giống như ngày xưa.

Con trai chị giờ đã học lớp 4, năm nào con cũng được danh hiệu học sinh tiên tiến, biết thương mẹ và làm các việc vặt trong nhà đỡ đần bà và mẹ. Nhìn con lớn khôn từng ngày, ngoan ngoãn, biết vâng lời, đó là niềm hạnh phúc của người làm mẹ.

Để có hạnh phúc cho ngày hôm nay, ít ai biết được mẹ con chị đã phải trải qua những năm tháng đau khổ, tuyệt vọng, bị kì thị, ghẻ lạnh đến chừng nào. Và tình mẫu tử đã đem lại bến đỗ, bình yên, sức mạnh cho Lữ Thị S. Đứa con trai mang họ mẹ và cái tên thật ý nghĩa là Ánh sáng mặt trời cùng tình thương của người mẹ già chính là nguồn sống giúp người phụ nữ chuân chuyên như S hoàn lương.

Top