Góc nhìn nhân văn về phụ nữ bán dâm

09/09/2014 14:00

“Khát vọng yêu thương”- Góc nhìn nhân văn về cuộc sống của những phụ nữ bán dâm (cuộc thi dành cho các Nhà báo đang sống và làm việc tại Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại cái nhìn tích cực và tiến bộ của giới truyền thông nói riêng và cộng đồng, xã hội nói chung đối với những phụ nữ bán dâm.

Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), tổ chức Plan tại Việt Nam phối hợp cùng báo Gia đình và Xã hội, báo Lao động và Xã hội tổ chức.

Đây là cuộc thi nằm trong chuỗi hoạt động truyền thông của dự án Hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng chính sách và thí điểm mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội”. Là sự hợp tác giữa tổ chức Plan tại Việt Nam cùng các cơ quan và tổ chức xã hội tại Việt Nam bao gồm Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội); Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội, CSAGA; Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT); Trung tâm dạy nghề REACH.

Cuộc thi viết về cuộc sống của các chị em, khai thác những mảnh đời, những câu chuyện xung quanh cuộc sống của những chị em đã và đang tham gia vào hoạt động “lao động tình dục”. Đó là khát vọng được yêu thương, được bao dung, được tôn trọng và được hưởng quyền bình đẳng như tất cả mọi người. Đó là những câu chuyện chưa bao giờ được kể về nguyên nhân sâu xa đưa chị em đến với công việc mà không người phụ nữ nào mong muốn, những góc khuất mà nếu không kể ra thì không bao giờ được biết, được hiểu, được chia sẻ và cảm thông. Đó là câu chuyện của những chị em đã có cơ hội  rời khỏi công việc này để và tìm những công việc phù hợp khác.

Mục đích của “Khát vọng yêu thương” là đem lại một cái nhìn tích cực và nhân văn về các khía cạnh trong cuộc sống của phụ nữ bán dâm cho các nhà báo và những người làm công tác truyền thông nói chung cũng như mang đến cho cộng đồng một góc nhìn thực tế về cuộc sống đầy khó khăn của những người phụ nữ bán dâm và khát vọng thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống của họ.

Tổng kết cuộc thi, ông Vũ Mạnh Cường Phó Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội cho hay, cuộc thi đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại cái nhìn tích cực và tiến bộ của giới truyền thông nói riêng và cộng đồng, xã hội nói chung đối với những phụ nữ bán dâm. Qua đó người thân và cộng đồng xã hội sẽ hiểu hơn các khía cạnh cuộc sống của phụ nữ bán dâm, sẽ giảm định kiến, kỳ thi với họ và sẵn sàng hỗ trợ tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng. Đặc biệt các tác phẩm trong cuộc thi đã, đang và sẽ mang được tiếng nói của nhóm đối tượng thiệt thòi đến các nhà hoạch định và thực thi pháp luật để có được các chính sách hỗ trợ phụ nữ bán dâm phù hợp và hiệu quả hơn.

Cuộc thi đã thu hút nhiều nhà báo tham gia, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 15 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

Nhà văn Trang Hạ, người đạt giải Nhì của cuộc thi cho biết, với tiêu chí của cuộc thi, các nhà báo phải cân nhắc cái gì đưa ra, cái gì giấu đi, viết sao cho người đọc không bị cuốn hút vào cái ly kỳ “sốc, sến, sex” mà quên mất giá trị nhăn văn bên trong. Đó là, ai cũng có quyền được sống và mong muốn những điều tốt đẹp.

“Báo chí không thể thay đổi xã hội những có thể ít nhiều tác động đến cách vận hành xã hội đó”, nhà văn Trang Hạ chia sẻ.

 

Top