Giảm thiểu tác hại của mại dâm theo hướng tôn trọng quyền con người

19/12/2014 14:44

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng chống mại dâm do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị. Ảnh Nhật Thy

Tổng kết 10 năm pháp lệnh phòng, chống mại dâm

Pháp lệnh phòng chống mại dâm được ban hành ngày 17/3/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 là văn bản pháp lý quan trọng điều chỉnh một cách toàn diện công tác phòng, chống mại dâm, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống mại dâm; góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội; nâng cao hiệu lực; hiệu qả quản lý nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội ở nước ta.

Qua hơn 10 năm thi hành Pháp lệnh đã cho thấy hầu hết các lĩnh vực trong hoạt động phòng, chống mại dâm đã được luật hoá, tạo cơ sở pháp lý và chuẩn mực hoạt động phòng chống mại dâm của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan. Các quy định về xử lý các hành vi vi phạm, công tác phối hợp liên ngành được tăng cường đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của tổ chức cá nhân tham gia hoạt động phòng chống mại dâm. Công tác phòng ngừa với các biện pháp kinh tế xã hội được các ngành các cấp địa phương được đẩy mạnh.

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về trách nhiệm huy động sự tham gia phòng chống mại dâm kết hợp với phòng chống ma tuý và phòng chống lây nhiễm HIV được triển khai thông qua nhiều hình thức, đổi mới về nội dung…thu hút gần 11 triệu người tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Nhật Thy

Lực lượng công an đã chỉ đạo tăng cường công tác truy quét ổ nhóm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm có quy mô lớn, phức tạp, trá hình ở các khách sạn, nhà hàng, quán bà, vũ trường ở nhiều địa phương đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng. Tính đến tháng 9/2014 đã truy quét, triệt phá 11.676 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 47.350 đối tượng,

Các mô hình hỗ trợ dựa vào cộng đồng được triển khai thí điểm ở 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc huy động được sự tham gia của nhiều tổ chức phí chính phủ, tổ chức phát triển cộng đồng tham gia hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ giảm tác hại từ hoạt động mại dâm, tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng xã hội. Các mô hình trên bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Tính riêng năm 2013 và 9 tháng năm 2014 đã hỗ trợ cho 5.552 người, trong đó dạy nghề 1.206 người tạo việc làm cho 922 người, hỗ trợ hoà nhập cộng đồng 2.375 người, hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh cho 1.049 người với số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Cả nước hiện có 6.576 xã, phường không có tệ nạn mại dâm chiếm gần 60% tổng số xã, phường cả nước. Nhiều tỉnh thành phố đạt 80% số xã phường duy trì không có mại dâm như Yên Bái, Hà Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…Ngay cả các tỉnh thành phố phức tạp về tệ nạn mại dâm như Hà Nội TPHCM, Hải phòng đến nay cũng có từ 30-50% xã phường không có tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, đến nay hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm đã tỏ ra bất cập, không thể đáp ứng yêu cầu của công tác này trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Theo báo cáo của 63 tỉnh tành phố đến tháng 11.2014, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người. Tuy nhiên con số thực tế có thể còn cao hơn do dây là hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp tinh vi và trá hình của nó. Xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới như gái gọi du lịch, tình dục người nước ngoài, bán dâm-mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm trên mạng.

Trước tình hình mại dâm diễn biến ngày càng phức tạp, một số quy định của Pháp lệnh và văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống mại dâm trong tình hình mới như khái niệm mua dâm; điều kiện đảm bảo các biện pháp phòng ngừa và vấn đề thực hiện can thiệp giảm tác hại, về trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở.

Thống nhất quan điểm trong phòng, chống mại dâm

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.

Phó Thủ tướng đánh giá, 10 năm qua, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đã đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc phòng, chống tệ nạn này. Tuy nhiên, sau 10 năm đã có một số quy định không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp và chưa đồng bộ với những luật mới được ban hành.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh quan điểm thống nhất của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống mại dâm. Thứ nhất, hoạt động mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam, việc xây dựng chính sách pháp luật về phòng, chống mại dâm phải đảm bảo quyền tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tinh xã hội, nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với chính người bán dâm và xã hội.

Thứ hai, đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, sự tham gia của các tổ chức và của mọi người dân.

Thứ ba, phòng chống mại dâm phải tập trung thực hiện trọng tâm vào hai nhóm giải pháp chính là phòng ngừa, hỗ trợ xã hội và xử lý nghiêm, quyết liệt các hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền tặng Kỉ niệm chương vì sự nghiệp phòng, chống tệ nạn xã hội cho 3 cá nhân tiêu biểu. Ảnh Nhật Thy

Tiến tới xây dựng Luật phòng, chống mại dâm

Về việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mại dâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ bàn bạc và trình Quốc hội để xây dựng Luật phòng chống mại dâm thay thế Pháp lệnh phòng chống mại dâm để đồng bộ với những luật khác theo quy định của Hiến pháp.

“Liên quan đến công tác phòng chống mại dâm có rất nhiều điều liên quan đến bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người thì chúng ta nên thể hiện dưới hình thức là một luật. Chúng ta xây dựng luật theo hướng giảm thiểu tác hại, đảm bảo quyền con người nhưng cũng không vì thế mà thúc đẩy việc hình sự hoá người mua dâm”, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm nói.

Trong khi chờ đợi việc sửa luật, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về phòng chống mại dâm; gần đây nhất là những quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời huy động cả xã hội tham gia vào góp ý xây dựng luật theo hướng hoàn thiện nhất.

Tại Hội nghị, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trao Kỉ niệm chương vì sự nghiệp phòng, chống tệ nạn xã hội cho 3 cá nhân, bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho 38 tập thể và 46 cá nhân tiêu biểu trong công tác phòng, chống mại dâm.

Top