Đường về còn lắm ghập ghềnh

16/11/2012 15:00

18 tháng cải tạo tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Nội), Linh chỉ mới đi chưa hết một nửa quãng đường. Một ngày với Linh dài như một tháng, cô thức cùng nước mắt ân hận hàng đêm…

Học viên tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số II trong giờ sinh hoạt. Ảnh Phan Hoàng

Gặp tôi tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội Số II là cô gái có vẻ ngoài ưa nhìn, dáng người cao dong dỏng, làn da bánh mật, gương mặt xinh xắn, đặc biệt là đôi mắt đen láy hút hồn người đối diện. Nguyễn Phương Linh (SN 1988) cho biết, bị công an bắt quả tang khi đang “mây mưa” cùng khách hàng… Đầu tháng 5/2012, cô bị đưa vào trung tâm chữa bệnh.

Theo lời Linh, mặc dù sinh ra và lớn lên giữa lòng thủ đô Hà Nội, nhưng cuộc sống của gia đình cô lại vô cùng khó khăn. Bố Linh trước làm công nhân xí nghiệp, là trụ cột chính trong gia đình. Cách đây hơn chục năm ông bỗng dưng đổ bệnh, đau ốm triền miên, những hôm trái nắng trở trời chỉ nằm bẹp trên giường chứ không đi lại được. Một mình mẹ Linh cả ngày lăn lộn với gánh hàng nhỏ, số tiền kiếm được còn không đủ trang trải cuộc sống, chứ đừng nói đến việc phải lo cả tiền chạy chữa, thuốc men cho chồng.

Cuộc sống khó khăn sớm đẩy ba anh em Linh ra ngoài xã hội, chẳng có ai được học hành đến nơi đến chốn. Người anh cả suốt ngày đàn đúm chơi bời với đám bạn bè lêu lổng, vừa bị công an bắt đi tù hai năm vì tội gây rối trật tự công cộng. Chị gái Linh vừa mới qua đời sau cơn bạo bệnh. Bản thân Linh chỉ học đến hết lớp 9 rồi nghỉ ở nhà phụ giúp mẹ.

Linh kể, “Có hôm gặp mấy đứa bạn, thấy chúng nó đứa nào cũng ăn diện quần áo đẹp, dùng điện thoại xịn, đi xe đắt tiền. Ban đầu em hỏi, chúng nó chỉ bảo đi làm ở quán cà phê, giúp việc tại cửa hàng quần áo. Nhưng gặng hỏi thì mới biết, ngoài thời gian làm việc tại quán ban ngày, buổi tối chúng nó còn tranh thủ “đi khách” để kiếm thêm thu nhập”.

Linh tâm sự, “Nghĩ cuộc sống gia đình đang gặp quá nhiều khó khăn, lại nghĩ đến mẹ ngày đêm vất vả, bố đau đớn bệnh tật, em đánh liều, quyết định xin đi theo con bạn. Ngày đầu tiên theo chân đứa bạn “đi làm” em cũng sợ lắm, xấu hổ lắm. Chỉ sợ lỡ có gặp người quen hay bạn bè cùng lối xóm thì không biết phải xử trí thế nào”.

Ngước nhìn tôi với thái độ e ngại, Linh kể về quãng thời gian “hành nghề” của mình, “Em không “đi khách” thường xuyên, một tháng chắc cũng chỉ vài lần, mỗi lần em thu của khách một triệu. Có ngày em còn “đi” vài ba lượt khách. Khách hàng của em đa số là người đàng hoàng tử tế. Có người biết chuyện, “xong việc” còn cho em thêm tiền nữa. Tính ra mỗi tháng em cũng “kiếm” được khoảng trên chục triệu, nhưng phải chi trả nhiều khoản tiền nên cũng chẳng còn lại được bao nhiêu. Mấy tháng trước khi đang “cùng” với khách tại một khách sạn trên đường Trần Duy Hưng thì bị các chú công an bắt, rồi đưa về đây”.

Linh tâm sự, có bạn trai đang làm bác sỹ ở Hà Nội, từ khi bị bắt vào trung tâm, bạn trai Linh có đến nhà tìm nhiều lần nhưng Linh dặn mẹ nói dối là cô phải vào Sài Gòn có việc một thời gian. “Những ngày tháng vừa qua ở trung tâm, có thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ, em nhận thấy làm cái nghề này tuy có chút tiền nhưng quả thật là tủi nhục lắm. Từ ngày em vào đây, mẹ có lên thăm mấy lần, lần nào mẹ cũng động viên, bảo em cố gắng cải tạo cho tốt để làm lại từ đầu. Em cũng chỉ mong sao sau này về đi học được một cái nghề ổn định, mở một cửa hàng nhỏ, đỡ đần để mẹ khỏi vất vả”, Linh bộc bạch.

Đến đây ánh mắt Linh bỗng trở nên hoạt bát. Cô nói, trước ở nhà em cũng đi học mấy nghề nhưng chẳng ra đâu vào mới đâu. Ở trong này , các thầy, các cô hướng cho em học nghề mỹ ký, làm đồ lưu niệm. “Em còn được nhận cả lương của trung tâm nữa nhé, chẳng bao nhiêu nhưng em thấy vui lắm, đấy là đồng tiền lương thiện anh ạ”.

Linh phấn khởi cho biết, dự tính sau này về nhà, em sẽ vay tiền thuê một cửa hàng nhỏ ở đầu phố, rủ thêm mấy chị em trong này về cùng làm. Giàu thì chắc là chẳng giàu được, nhưng để đủ ăn thì theo em nghĩ cũng không khó lắm đâu…

Bất chợt Linh ngập ngừng, cô ngoảnh mặt, hướng mắt về phía xa, tránh để lộ những giọt nước mắt chảy dài từ khóe mắt. Giọng cô như nghẹn lại, “Nhiều đêm em không sao ngủ được. Cứ chợp mắt là em lại có cảm giác lo sợ khi nghĩ về tương lai. Em nhớ mẹ em lắm, bố vừa mất được mấy tháng, chị gái em đã vội đi theo, còn bản thân em lại chẳng ra gì. Hôm trước gặp, thấy mẹ già đi nhiều. Cứ nghĩ cái cảnh mẹ già cả mà phải lặn lội mấy chục cây số đến đây thăm nuôi, em đau lòng lắm. Những lúc như vậy em lại quyết tâm cải tạo thật tốt để có thể trở về nhà đúng kỳ hạn. Nhưng…”.

Linh thở dài, “Nhưng không biết sau khi trở về nhà, em phải đối diện thế nào với những lời khinh miệt của bà con lối xóm về một người phụ nữ từng là gái mại dâm. Phải sống thế nào để bắt đầu một cuộc đời không lầm lỡ…”.

Câu hỏi ấy của Linh tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang nặng nỗi “ám ảnh” và cũng rất khó để tìm câu trả lời. Con đường nhỏ dẫn vào Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số II Ba Vì chỉ dài chưa đầy một cây số nhưng vòng vèo, gấp khúc. Mong rằng cộng đồng sẽ dang rộng vòng tay, để “đường về” của những cô gái như Linh ít gặp những “gập gềnh”…

Tên nhân vật đã được thay đổi.

Top