Đối thoại chính sách về phòng, chống mại dâm

26/02/2014 16:19

Ngày 25/02, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Ban quản lý Dự án về điều phối và vận động chính sách của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) đã tổ chức Hội thảo “Đối thoại chính sách về phòng, chống mại dâm”.

Tham dự Hội thảo có ông Chu Đức Nhuận, Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ, Giám đốc Dự án; bà Lê Thị Hà, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; ông Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế; ông Michael Cassel, cố vấn cao cấp cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kì cùng gần 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành thành viên của UBQG, các địa phương, các tổ chức quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Minh Tuấn

Các báo cáo tham luận tại Hội thảo tập trung vào một số vấn đề như: đánh giá lại khung chính sách, pháp luật cũng như các lựa chọn chính sách liên quan đến phòng, chống mại dâm, ý kiến phản hồi và các khuyến nghị về hướng đi tiếp theo.

Các đại biểu dự hội thảo nhận định, trong giai đoạn vừa qua, công tác phòng chống mại dâm và các tệ nạn xã hội đã được các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; các quy định liên quan đến vấn đề này đã có những sửa đổi phù hợp, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi triển khai các chính sách trong thực tế; nhiều mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội tại cộng đồng đã được triển khai linh hoạt, sáng tạo.

Tuy nhiên, tình hình tệ nạn mại dâm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức hoạt động rất đa dạng với nhiều hình thức biến tướng. Theo báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), tổng số người bán dâm của Việt Nam trong năm 2013 ước tính khoảng 32.700 người (tăng 9,3% so với năm 2012), tập trung nhiều ở một số khu vực như đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.

Các đại biểu khuyến nghị trong thời gian tới các Bộ, ban, ngành cần tiếp tục phối hợp để hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến phòng, chống mại dâm; đưa ra các biện pháp can thiệp giảm tác động tiêu cực của mại dâm đối với cộng đồng, hướng tới một xã hội lành mạnh, thân thiện, giàu tính nhân văn vì con người và quyền con người.

Đại diện của các tổ chức quốc tế tại tham dự Hội thảo cũng đánh giá cao kết quả của công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm tại Việt Nam trong thời gian qua, khẳng định cam kết của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong vấn đề này, đồng thời đưa ra một số góp ý để nâng cao tính hiệu quả, thiết thực của các chính sách hiện hành.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến, góp ý thiết thực phục vụ cho công tác tham mưu hoạch định, triển khai các chính sách liên quan đến phòng, chống mại dâm và các tệ nạn xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Top