Đảm bảo các quyền và an toàn cho người bán dâm

26/03/2015 09:51

Đó là một trong những kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo “Bạo lực giới trong phòng chống mại dâm, quan điểm và các giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ” do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) phối hợp Tổ chức Care tại Việt Nam tổ chức ngày 25/3.

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, hiện nay số người bán dâm có hồ sơ quản lý trên cả nước là 11.240 người. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào về bạo lực giới ở người bán dâm.

Ảnh minh hoạ

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó, bao gồm các hành động gây ra tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục.

Kết quả khảo sát ban đầu của Viện Khoa học lao động xã hội về bạo lực giới trong nhóm người bán dâm dựa trên phỏng vấn 150 người cho thấy, có đến 49,3% cho biết từng bị bạo hành hoặc biết chị em khác bị bạo hành, trong đó 44% bị bạo hành về thể chất khi đang hành nghề. Đối tượng bạo hành là khách hàng (48%), chồng/bạn tình (38%). Khi bị bạo hành 45,9% chị em cam chịu, không nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ do hiểu biết về pháp luật của chị em còn hạn chế và chưa tin tưởng vào cơ quan chức năng.

Số liệu về mức độ bạo lực với người bán dâm ở một số quốc gia trên thế giới càng khẳng định đây là một thực trạng đáng báo động, cần có giải pháp kịp thời để bảo vệ quyền của người bán dâm.

Cụ thể, ở Bangladesh, 52-60% người bán dâm đứng đường bị hãm hiếp bởi lực lượng thực thi pháp luật và 41-51% bị tội phạm hãm hiếp. 122/123 người bán dâm ở Indonesia, Myamar, Nepal và Sri Lanka tham gia phỏng vấn đã từng bị bạo lực. Bạo lực đối với người bán dâm có ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe thế chất, sức khỏe tâm thần và sức khỏe tình dục.

Theo UNAIDS, các nhân tố làm tăng nguy cơ bạo lực giới ở nhóm người bán dâm bao gồm: hình sự hóa mại dâm, trao quyền cho cảnh sát bắt hay truy quét mại dâm, nạn nhân bị bạo lực ít khai báo và thủ phạm ít bị trừng trị, kỳ thị và phân biệt đối với người bán dâm và tình trạng bất bình đẳng giới.

Chính vì vậy, trong thời gian tới cần thay đổi luật pháp, chính sách từ trừng phạt sang hướng bảo vệ quyền của người bán dâm; chấm dứt tình trạng không trừng phạt hành vi bạo lực với người bán dâm; tăng cường tiếp cận thông tin về luật pháp và dịch vụ pháp lý cho người bán dâm; đảm bảo các quyền và an toàn tại nơi làm việc cho người bán dâm.

Top