Cuộc sống hạnh phúc của người phụ nữ một thời lầm lỡ

21/08/2015 15:14

Bị ép bán dâm rồi lại tự mình dấn thân vào con đường này, những tưởng cuộc sống của D sẽ trôi qua trong nghèo khó, tủi nhục. Nhưng may mắn đã mỉm cười với D khi cô được giúp đỡ kịp thời để mở một quán giải khát, làm lại cuộc đời mình.

Đặng Thị D là con út trong một gia đình nghèo có 3 con gái thuộc huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Năm 2004, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi học hết lớp 11, D được người quen giới thiệu ra Hà Nội làm nhân viên quét dọn và phục vụ cơm nước ở một quá massage khu vực Minh Khai. Sau 7 tháng làm việc, D bị đánh và ép buộc tham gia hoạt động bán dâm cho khách. Cuộc sống hơn một năm tại quán massge trôi qua trong tủi nhục.

 Quán nước mía đã giúp D đủ trang trải cuộc sống thường ngày - Ảnh minh họa

Đến cuối năm 2006, D kết hôn với người bạn trai của mình, sinh con đầu lòng và không còn tham gia bán dâm nữa. Tuy nhiên, vì bố mẹ ly dị nên chồng D không được học hành đến nơi đến chốn, không có không ăn việc làm mà sống phụ thuộc vào mẹ. Hơn thế nữa, chồng D lại là người ham chơi điện tử nên mọi việc lo toan về kinh tế cho gia đình nhỏ đều đặt hết lên vai D. Năm 2008, D đi bán quần áo và làm thuê ở một quán ăn với mức lương 1,5 triệu một tháng. Tuy nhiên cuộc sống vợ chồng có nhiều mâu thuẫn vì không có tiền, mẹ chồng vẫn phải nuôi ăn cả nhà nên D đã gọi điện cho những người bạn cũ và được giới thiệu đi khách. Mỗi lần đi khách, D được 500.000 đồng nhưng mỗi tháng D chỉ dám đi từ 2-3 lần vì sợ chồng phát hiện hoặc gặp người quen.

Năm 2012, D có thai bé thứ hai và không đi khách nữa. Tuy nhiên cuộc sống vợ chồng sau khi có thêm con lại càng khó khăn, vợ chồng hay cãi nhau vì không có tiền. Mỗi khi con ốm hay gia đình có việc, D lại chạy đi khắp nơi để vay mượn. Năm 2013, D lại quay về con đường “đi khách” kiếm tiền.

D kể, chị em quen biết cũng khuyên hạn chế đi khách vì bây giờ đã có chồng con, nếu bị phát hiện có thể mất tất cả. Tuy nhiên vì kinh tế quá khó khăn nên một tháng D vẫn trốn chồng để đi khách từ 1 đến 2 lần.

“Sau mỗi lần đi khách về, em đều cảm thấy xấu hổ và có lỗi với chồng con. Bản thân em rất muốn và đã nhiều lần quyết tâm từ bỏ hẳn nhưng mỗi lần không có tiền lại phải nhắm mắt đưa chân”, D nói.

Sau những nỗ lực tìm cơ hội, năm 2015, D mượn được một chỗ ngồi để bán nước. Do không có tiền để đầu tư nên cửa hàng của D chỉ có 2 cái bàn, 15 ghế nhựa cũ, 1 phích đá và 1 ấm pha trà cũ. D luôn mong muốn được mở rộng cửa hàng, mua thêm dụng cụ kinh doanh nhưng không biết vay ai. May mắn cho D khi gặp được H, đồng đẳng viên và được giới thiệu tham gia bưổi hướng dẫn về mô hình phát triển kinh tế của Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hoà nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội. Khi mới tham gia dự án, D rất e ngại vì sợ những thông tin của bản thân sẽ bị lộ, sợ bị kỳ thị.

“Lúc đó, em chẳng dám tin lại có một dự án sẵn sàng hỗ trợ những người như em làm lại cuộc đời”, D chia sẻ.

Sau nhiều lần trò chuyện, trao đổi với cán bộ dự án, D đã hiểu và thẳng thắn chia sẻ về hoàn cảnh của mình cũng như đề xuất mong muốn được dự án hỗ trợ.

Sau khi được cán bộ dự án hướng dẫn làm kế hoạch kinh doanh, D đã rất nghiêm túc chuẩn bị từ việc định hình ý tưởng kinh doanh chuẩn bị tinh thần và điều kiện để kinh doanh của bản thân (vốn, sắp xếp người trông con) đến việc tìm hiểu thị trường.

Mô hình kinh doanh của D là quán giải khát với vốn ban đầu cần có là hơn 20 triệu đồng. D đóng góp 5 triệu, dự án đã hỗ trợ 15 triệu, trong đó hỗ trợ không hoàn lại 8,5 triệu để mua máy ép nước mía và máy ép miệng cốc, còn lại là cho vay không lãi suất. D còn được hướng dẫn ghi chép sổ sách thu chi hàng ngày rất cụ thể. Kết quả, sau một tháng được hỗ trợ, cửa hàng của D có doanh thu hơn 10 triệu đồng, trừ hết các chi phí D vẫn còn khoảng 6 triệu tiền lãi và ngay tháng đầu tiên đã trả được dự án gần 3 triệu đồng. Ngay sau tháng kinh doanh thứ hai, D đã trả dự án nốt số tiền vay còn lại.

Cửa hàng của D có địa điểm đẹp và mở đúng vào dịp thời tiết Hà Nội nắng nóng nên khá đông khách, thường ngày D vẫn mở cửa hàng từ 9 giờ sáng đến 23 giờ tối. Sau 2 tháng mở cửa hàng, D gầy đi rất nhiều nhưng khi trò chuyện với D, tôi thấy niềm vui trong mắt cô.

D cho biết, công việc không quá vất vả chỉ có điều mất nhiều thời gian, nhưng cô cảm thấy rất mãn nguyện vì bây giờ vợ chồng vợ không còn cãi nhau nữa. “Thấy em bán được hàng mẹ chồng cũng phấn khởi lắm”, D vui vẻ nói.

Niềm vui không chỉ đến với D mà đã và đang đến với những chị em khác có quyết tâm tâm từ bỏ hoạt động mại dâm để hướng tới một cuộc sống mới. Sau gần 3 năm thực hiện (từ năm 2012 đến tháng 5/2015), dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại thành phố Hà Nội” giai đoạn 2012-2015 đã hỗ trợ 17 mô hình sinh kế của 19 chị em với tổng tiền hỗ trợ gần 250 triệu đồng, hỗ trợ không hoàn lại l40 triệu đồng, còn lại là cho vay không lãi suất.

Top