Chuyện chưa kể về gái mại dâm Ấn Độ trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS

17/12/2018 10:15

Tác giả Ashok Alexander đã hé lộ vai trò của gái mại dâm Ấn Độ trong cuộc chiến này.

Ấn Độ từng được dự đoán sẽ trở thành “thủ đô” AIDS của thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch này. Trong cuốn sách mang  tên: “A Stranger Truth: Lessons in Love, Leadership and Courage from India’s Sex Workers” (tạm dịch: Sự thật kỳ lạ: Bài học về tình yêu, sự lãnh đạo và lòng can đảm của gái mại dâm Ấn Độ”, tác giả Ashok Alexander đã hé lộ vai trò của gái mại dâm Ấn Độ trong cuộc chiến này.

Gái bán dâm ở Sonagachi, khu phố đèn đỏ lớn nhất ở Calcutta, Ấn Độ

“Phép màu sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có sự hợp tác của gái mại dâm”
 
Vào năm 2002, một báo cáo dự đoán “thảm họa AIDS” sẽ xảy ra ở Ấn Độ trong tương lai gần. Theo đó, đến năm 2010, Ấn Độ sẽ có 20-25 triệu ca nhiễm AIDS, với khoảng 1.000 ca mắc mới mỗi ngày. Thảm họa này sẽ tàn phá gia đình, xã hội và nền kinh tế Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ đã thành công trong việc ngăn chặn đại dịch AIDS. Hiện có 2,1 triệu người Ấn Độ đang sống chung với HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV ở nước này là 0,22%, thấp hơn so với Mỹ.

Ông Ashok Alexander, 64 tuổi, người đã dành cả thập kỷ để lãnh đạo chiến dịch chống lại HIV/AIDS, tác giả cuốn sách “A Stranger Truth: Lessons in Love, Leadership and Courage from India’s Sex Workers” khẳng định, kết quả của Ấn Độ trong ngăn chặn thảm họa AIDS có vai trò quan trọng của những con người thầm lặng: gái bán dâm. “Phép màu sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có sự hợp tác của gái mại dâm”, ông Ashok Alexander khẳng định.
 
Ông Alexander sinh ra trong giới thượng lưu Ấn Độ. Cha của ông là PC Alexander, một trong những thư ký của Indira Gandhi. Ông Ashok Alexander rời bỏ vị trí giám đốc cấp cao tại văn phòng McKinsey & Company để tham gia chiến dịch ngăn chặn sự lây lan của HIV. Ông Alexander đã đổi một cuộc sống với phòng họp sang trọng, các bữa ăn với các CEO nổi tiếng để ngồi với gái mại dâm, dân đồng tính nam, chuyển giới và người nghiện ma túy.

Một chương trình phòng chống HIV/AIDS có tên gọi Avahan đã được thành lập. Ở Ấn Độ, hoạt động mại dâm thường diễn ra tại các công viên, trạm xe buýt hay góc phố trong khi mại dâm tại các nhà thổ chỉ chiếm khoảng 7%. Đây là khó khăn, thách thức lớn trong cuộc chiến ngăn chặn HIV/AIDS. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để ngăn chặn dịch bệnh trong môi trường những người phụ nữ bán dâm không tập trung một nơi mà phân tán và thường xuyên di chuyển?. Những người hành nghề mại dâm trên đường cao tốc sẽ được lái xe tải đón, sau khi kết thúc hoạt động mua bán dâm, họ lại lên một chiếc xe tải khác.
 
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Thêm vào đó, gái bán dâm là những người nghèo khổ cùng cực và không có sự lựa chọn nào khác. Theny, 25 tuổi, một gái mại dâm nói rằng, nếu bị nhiễm HIV, cô sẽ chết sau 10 năm nữa nhưng nếu không bán dâm, cô và những người thân có thể sẽ chết trước đó.
 
Khai thác sức mạnh vốn có của những người bị thiệt thòi nhất

Ông Alexander đã lựa chọn cách tiếp cận khác. Ông mở những trung tâm nghỉ ngơi cho gái bán dâm trong khoảng thời gian từ 13-16h  hàng ngày. Tại đây, gái bán dâm có thể thư giãn, nghỉ ngơi, tắm nước nóng, được bác sĩ kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà không sợ bị nhận diện và kỳ thị. Đối với Avahan, các trung tâm cũng là nơi để họ cung cấp thông tin, bao cao su nếu gái bán dâm cần.

Những trung tâm này được chương trình Avahan tăng quy mô với tốc độ đáng kinh ngạc. Trong vòng hai năm, trung tâm đã có mặt ở 550 thị trấn trên toàn Ấn Độ và sau ba năm, trở thành chương trình phòng chống HIV được tư nhân tài trợ lớn nhất thế giới với kinh phí 375 triệu USD. Ông Alexander và các cộng sự đã cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS cho hơn 270.000 gái mại dâm tại 672 thị trấn và phát hơn 13 triệu bao cao su mỗi tháng.

Ông Alexander cho rằng, Avahan đã tìm hiểu kỹ cuộc sống của người bán dâm và lý do vì sao họ chấp nhận rủi ro để từ đó cung cấp kiến thức, sự hỗ trợ cần thiết để họ biết  làm gì là tốt nhất cho mình. “Chúng tôi đã khai thác sức mạnh vốn có của những người bị thiệt thòi nhất, kết nối họ với nhau vì mục tiêu chung”, ông Alexander nói.
Top