Câu chuyện của Tâm 'Si đa'

23/03/2012 08:39

Tuổi tứ tuần, chị ngồi lại viết cuốn hồi ký đời mình sau tất cả những dâu bể, từ một cô gái điếm nghiện ma túy trở thành tấm gương vượt trội.

Chị là Trương Thị Hồng Tâm, 57 tuổi, biệt danh Tâm “siđa”. Người phụ nữ đường phố mang màu da cháy nắng, áo quần bụi bặm, nói cười sang sảng, ngồi vắt chéo chân và đốt thuốc liên tục. Tuổi thơ và tuổi trẻ của chị là ký ức không hạnh phúc. Bảy tuổi, bắt đầu đi hoang khi bố mẹ bỏ nhau. 14 tuổi, thử liều ma túy đầu tiên, sau đó trượt dài theo con đường trộm cắp, mại dâm, bạo lực, cai nghiện rồi lại tái phạm. 

Hơn hai mươi năm trước, chị khỏa lấp nỗi sợ hãi cuộc đời bằng cách xông vào đánh bất cứ ai. Có khi chỉ vì có cái nhìn “thấy ghét”. Nhưng chiều nay, chị ngồi đây, ngay bên bờ hồ con rùa, để nói về hành trình mấy mươi năm tìm lại được ánh sáng cuộc đời mới, cũng như, đền đáp những tấm lòng đã vươn đôi tay yêu thương giúp chị đứng dậy. Để chị biết giúp cho những mảnh đời cùng cảnh ngộ. 

“Bạn thay đổi, xã hội mới thay đổi"

Để tìm thấy bình yên, sự thanh thản trong tâm hồn, người ta thường muốn chôn sâu những điều không hạnh phúc. Nguyên cớ nào mà chị lại viết nó ra và chia sẻ với mọi người? Chúng tôi hỏi. Chị kể: Khoảng năm 2000, khi tôi làm cho Ủy ban phòng chống AIDS TP.HCM, chị Petra người Đức nghe được câu chuyện của tôi, chị khuyến khích tôi viết một cuốn hồi ký, in thành sách để lấy tiền trang trải. Sẵn sự động viên của mọi người, tôi cũng muốn viết một cuốn, biết đâu nhờ đó có được cái nhà, tờ giấy CMND lận lưng. Tôi cũng muốn nhìn lại quá khứ. Tôi không đổ thừa cho hoàn cảnh, nhưng muốn để tôi chiêm nghiệm, nhắc mình đó là một sai lầm, cần phải sống tốt hơn. Mọi người cũng sẽ cảm thông hơn với những người như tôi. Vì vậy mà tôi viết ra những gì đau khổ nhất, thầm kín nhất. Biết đâu, nhờ cái tôi viết và trăn trở cho chính những người cùng cảnh ngộ, họ sẽ thay đổi, không còn sợ hãi nữa mà biết chống tay đứng lên để nhìn mọi người, mình là mình. Bạn thay đổi thì xã hội mới thay đổi.

Trả lời cầu hỏi của chúng tôi, có một nỗi sợ hãi đã từng ngăn chị đứng dậy trên vũng lầy cuộc đời? Chị tâm sự: Trời ơi, tôi xì ke mà. Gặp ai cũng sợ hết, nói gì là công an. Có tật thì rục rịch thôi. Nào là sợ lối xóm biết, bắt vô trường cai, cai rồi lại ra làm tiếp, rồi lại vào cai. Hồi đó ai đi ngang, dòm tôi là tôi xông vô liền. Cảm giác hận đời nên thấy ai cũng xấu. Cũng may là có nhiều người ra sức giúp tôi quay lại. Rồi tôi tự nói: xã hội giúp mình một tay, thì tay kia cũng phải ráng gượng nương theo để đứng dậy. Còn nếu không thì đời tôi đã thối hoắc ra rồi. Giờ chắc tôi ra vô trường (cai nghiện) nào cũng được (cười).

“Hi vọng có thêm chục thằng Tâm”

Hơn 20 năm nay, chị nhận nuôi những đứa con bơ vơ, lạc lối trong con đường ma túy, mại dâm, cũng như tích cực làm cộng tác viên cho các chương trình truyền thông, trợ giúp người nghiện, trẻ lang thang, người nhiễm HIV và mại dâm. - Động lực nào khiến chị không mệt mỏi làm điều ấy? Chị nghe chăm chú lời chúng tôi và chậm rãi bày tỏ.

Chị Tâm và một trong những cô con gái nuôi

- Nếu như không thoát được con đường cũ, có thể tôi sẽ hối tiếc mãi mãi về đời mình. Nhưng đến giờ này, tôi cảm thấy mình có quyền tự hào vì đã giúp được nhiều người từ bỏ con đường ma túy, mại dâm. Tôi nhận nuôi tụi nhỏ vì tụi nó đáng được nuôi. Tôi đã nuôi rất nhiều đứa, đứa nào ở với tôi cũng mập ra cả. Tôi lo cho tụi nó có công việc làm, điều làm tôi vui là tụi nó cũng biết lo cho nhau. Hiện tôi sống trong một nhà thuê ở Gò Vấp với bốn đứa con. Một đứa phải đi gửi bớt vì nuôi không nổi, mấy đứa thì đã chuyển giai đoạn và chết.

Chị sôi nổi kể: Hồi tôi ra ngoài Hà Tĩnh làm vận động ở một trường cai nghiện. Tụi nó (các học viên) nói tôi đóng kịch. Tôi hỏi: “Có bao giờ cưng ra đường mà lấy nhọ bôi vô mặt không?”. Tụi nó trả lời: “Ai điên thế”. Tôi chỉ nghĩ thấy mình đang sống tốt, mọi người cũng sẽ sống tốt theo. Tôi nói, hi vọng khi rời Hà Tĩnh thì chỗ này sẽ có thêm chục “thằng Tâm” là tôi tự hào. Vừa qua tôi có đọc một bài báo viết về trung tâm này, tôi đã thấy nhiều thay đổi tốt hơn. 

Làm sao chị có thể chính tay chắp bút cho cuốn hồi ký của mình khi con đường học hành dang dở vì ma túy như thế? Nghe chúng tôi hỏi vậy, chị bảo:

Có lẽ do hồi nhỏ tôi học giỏi môn Văn. Tôi học tới lớp đệ tam, tức là lớp 10 bây giờ. Tôi bắt đầu viết từ năm 2001 bằng máy vi tính. Tôi chỉ biết mở ra, viết, lưu lại và tắt máy thôi. Mỗi ngày được vài chữ cho tới nửa trang. Toàn bộ cuốn sách khoảng chừng 200 trang. Tôi cứ nhớ ra cái gì thì viết cái đó. Trong đời, có những câu chuyện thoáng qua, cũng có những câu chuyện mà cú sốc lớn đến nỗi bạn nhớ như in. Nên có khi một câu chuyện tôi kể tới…3 lần. Chắc biên tập viên phải khổ vì tôi. Từ biệt chị, chúng tôi không quên hỏi: Vì sao chị lại có biệt danh Tâm “si-đa”?

Tại công việc của tôi, chuyên về cái này mà. Tôi bắt đầu làm giáo dục viên đồng đẳng từ năm 1991 nên “chết” cái tên từ đó tới giờ luôn…

 Cuốn sách "Hồi ký Tâm "si-đa" Vượt lên cái chết" vừa được xuất bản là câu chuyện về cuộc đời của chị Trương Thị Hồng Tâm, một nhân viên làm công tác xã hội, tuyên truyền phòng chống AIDS, chăm sóc người mang căn bệnh thế kỷ giai đoạn cuối, nên có biệt danh Tâm "si đa".

Các câu chuyện được kể nối nhau theo dòng thời gian, từ tuổi thơ khốn khổ vì gia đình ly tán, đến chuỗi ngày sa chân vào vũng lầy phải bán thân, từ ngã rẽ cuộc đời để trở lại làm người tốt, đến niềm vui khi được chăm sóc, nuôi dưỡng những em bé bị AIDS giai đoạn cuối.

"Tôi nghĩ như có cái gì đó, một cái nghiệp, đã thúc đẩy Tâm tự đem thân mình trải nghiệm nỗi gian truân của cuộc đời để rồi từ đó mà có tấm lòng vị tha, có bàn tay nhân ái, cưu mang bao cảnh đời tăm tối, nghiệt ngã", bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết trong trang mở đầu cuốn hồi ký.

Top