Bến Tre: Nhiều giải pháp ngăn chặn sự gia tăng tệ nạn mại dâm

05/10/2016 15:50

UBND tỉnh Bến Tre vừa đề ra Chương trình phòng, chống mại dâm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 với nhiều giải pháp ngăn chặn sự gia tăng tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, cuối năm 2015, toàn tỉnh Bến Tre có 154 người hoạt động mại dâm có hồ sơ quản lý, tăng 80 người so với cuối năm 2010 (154/74 người), trong đó người hoạt động mại dâm có hộ khẩu từ các tỉnh khác đến là 33 người, chiếm tỷ lệ 23,37%. Toàn tỉnh có hơn 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng, chống mại dâm. Ảnh internet

Thời gian qua, công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Công an tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố, ban ngành các cấp đã kiểm tra, triệt phá 48 tụ điểm hoạt động mại dâm trá hình qua đó đã bắt và khởi tố 47 đối tượng chủ chứa mại dâm, môi giới mại dâm, xử phạt hành chính 171 người (83 đối tượng mua dâm, 88 người hoạt động mại dâm) và đưa về địa phương tiếp tục quản lý.

Trước tình hình mại dâm ngày càng diễn biến phức tạp, trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Bến Tre đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội. Từng bước xã hội hoá, xây dựng cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và các thiết chế xã hội (gia đình, nhà trường…) trong công tác phòng, chống mại dâm. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; giảm tội phạm liên quan đến mại dâm.

Bến Tre phấn đấu đến năm 2017, phấn đấu đạt 75% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thực hiện liên tục. Thường xuyên đăng tải các thông tin về phòng, chống mại dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Triển khai mô hình hỗ trợ người hoạt động mại dâm hoàn lương hoà nhập cộng đồng, tránh sự kỳ thị của xã hội. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm.

Đến năm 2020 phấn đấu đạt 100% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; 100% các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người; 50% huyện, thành phố xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm. Phát hiện và xử lý nghiêm 100% hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm.

Tổ chức rà soát, đánh giá về nhóm người có nguy cơ cao (thanh niên chưa có nghề nghiệp, chưa có việc làm....) và các chương trình an sinh xã hội, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để hướng mục tiêu của các chương trình đến các nhóm đối tượng này. Xây dựng các hoạt động lồng ghép cho nhóm thanh thiếu niên có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, hỗ trợ vay vốn, chương trình giảm nghèo nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp. Xây dựng các kế hoạch lồng ghép việc thực hiện các Chương trình an sinh xã hội tại địa phương với nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thực hiện xây dựng thí điểm và vận hành mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm ở cộng đồng. Tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ về phương pháp tiếp cận, cung cấp dịch vụ hỗ trợ đối với người bán dâm. Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ phù hợp và thử nghiệm việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người hoạt động mại dâm tại cộng đồng phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống kỳ thị, hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm.

Tổ chức các mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng; nhóm tự lực của người hoạt động mại dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới.

Duy trì và xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma tuý gắn với xây dựng “xã văn hoá nông thôn mới”, “xã nông thôn mới”. Tăng cường các hoạt động truyền thông bằng các hình thức nhằm tác động đến người dân nhất là nhóm có nguy cơ, công nhân, học sinh, sinh viên phòng ngừa nạn mua bán người nhất là mua bán phụ nữ và trẻ em vì mục đích mại dâm. Tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người hoạt động mại dâm hoàn lương hoà nhập cộng đồng.

Top