Xin hãy coi họ là "bệnh nhân"!

26/06/2012 17:50

Gia đình và toàn xã hội đóng vai trò quan trọng, là chỗ dựa vững chắc để người nghiện đoạn tuyệt với ma tuý.

Có một thực tế là nhiều người trong xã hội hiện vẫn coi người nghiện là “nạn nhân” chứ không phải là “bệnh nhân”. Chính quan niệm này đã khiến việc tái hoà nhập của những người nghiện ma tuý gặp nhiều khó khăn. Sự kỳ thị của xã hội vô tình đã đẩy những người này đến bế tắc. Nguy cơ tái nghiện là điều khó tránh khỏi.

Anh B, một người vừa mới hoàn thành chương trình cai nghiện cách đây không lâu tâm sự, sau khi trở về với gia đình, đến đâu anh cũng bắt gặp ánh mắt dò xét. Nhiều người quen cũ gặp anh vẫn tỏ thái độ e dè, xa lánh. “Điều mà mình mong muốn lúc này là bạn bè, người thân, gia đình hãy tha thứ và cho mình cơ hội để làm tại từ đầu”, anh B cho biết.

Tương tự trường hợp của anh B là hoàn cảnh của anh T.A, hiện đang học tập tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội. Anh T.A cho biết, đây là lần thứ hai anh vào Trung tâm cai nghiện. Lần trước khi trở về với cộng đồng, anh hoàn toàn bị cô lập, sự xa lánh và kỳ thị của mọi người khiến anh có cảm giác như trở thành người thừa.

Anh T.A cho biết, vẫn biết muốn dứt hẳn khỏi ma túy thì quyết tâm, nghị lực của bản thân mình là quan trọng nhất. Nhưng anh hy vọng khi rời khỏi Trung tâm, anh sẽ tìm được công việc ổn định để làm như những người bình thường để anh có cơ hội lao động ổn định cuộc sống, tránh xa tệ nạn ma túy.

Ông Phí Anh Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 06 (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội) cho biết, hàng năm Trung tâm tiếp nhận trên dưới 1.000 học viên đến điều trị cai nghiện, trong số đó có hàng trăm học viên thực hiện điều trị cai nghiện lần thứ 2, thứ 3.

Ông Phí Anh Hoàng cho rằng, ngoài nỗ lực của tập thể cán bộ Trung tâm và sự quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy của chính bản thân người nghiện, rất cần, một cách nhìn thân thiện để đón nhận họ trở về với cuộc sống đời thường bằng một tấm lòng bao dung và độ lượng. Để người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tái nghiện. Điều này rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Đối với những người sau cai nghiện ma tuý, họ cần lắm một sự sẻ chia thông cảm để họ có cơ hội làm lại từ đầu. Bởi trên thực tế giữa cộng đồng và những người sau cai nghiện ma túy vẫn tồn tại một “khoảng cách” rất lớn. Sự kỳ thị đôi khi dập tắt những hy vọng về một cuộc sống đời thường của những con người đã trót lầm đường lạc lối.

Top