Xã Việt Dân (Quảng Ninh): Không còn điểm nóng về tệ nạn ma tuý

02/12/2011 08:47

Trong những năm qua, Cấp uỷ, các cấp chính quyền xã Việt Dân (Đông Triều, Quảng Ninh) thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý và các tệ nạn xã hội khác.

Xã đã thành lập nhiều đội tự quản tại các thôn, phổ biến, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội. Thường xuyên nhắc nhở, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến ma túy. Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Duyên Thắng, cho biết, những năm gần đây trên địa bàn xã không còn điểm nóng tệ nạn ma tuý. 

Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, đưa nội dung phòng, chống tệ nạn ma túy vào các cuộc họp xã, thôn; tổ chức các buổi giao lưu văn hoá, văn nghệ; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho thanh niên... Vận động các tổ chức, đoàn thể tham gia vào công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, đẩy lùi tệ nạn ma tuý trong cộng đồng. Trong đó, Hội Phụ nữ xã xây dựng mô hình “5 không, 3 sạch”, các gia đình đăng ký cam kết thực hiện không có người vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội khác.

Tại các thôn, công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma tuý được lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đưa nội dung phòng chống ma tuý vào quy ước, hương ước thôn để mọi người dân nêu cao ý thức chấp hành.

Đến nay, xã có 7/9 làng văn hoá, 90% số hộ đạt gia đình văn hoá, góp phần tạo nên môi trường trong sạch, lành mạnh, ngăn ngừa tội phạm và tệ nạn ma tuý xâm nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, tích cực triển khai công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao trình độ dân trí. Coi đó là biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội và tệ nạn ma tuý hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Ngân, người dân thôn Đồng Ý cho biết, gia đình anh đã chuyển đổi 1 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây cam đường, bưởi Diễn, thêm 1 ha đồi trồng cây na, hàng năm thu được hơn 100 triệu đồng. Điều kiện kinh tế gia đình được cải thiện, con cái anh được học hành đầy đủ, nâng cao hiểu biết, tránh xa tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội.

Trong công cuộc giảm nghèo, xã đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế, như: chuyển đổi hình thức cây trồng; nuôi trồng thuỷ sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm... với hàng trăm nông dân tham gia. Năm 2010 xã còn 43 hộ nghèo (chiếm 4,13%), phấn đấu hết năm 2011 giảm xuống còn 2,8%.

Top