Việt Nam chủ động hợp tác với quốc tế trong phòng, chống ma túy

26/06/2012 14:25

Chính phủ Việt Nam đã và đang chủ động hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến ma túy và tội phạm.

Nhân “Ngày Thế giới phòng, chống ma túy” (26/6/2012), Trang tin “Tiếng Chuông” đã có cuộc phỏng vấn bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam.

PV: Thưa bà Zhuldyz Akisheva, với cương vị là Giám đốc Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam, bà có thể cho biết về quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNODC?

Bà Zhuldyz Akisheva:

Chính phủ Việt Nam đã và đang chủ động hợp tác với UNODC cũng như cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến ma túy và tội phạm. Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Tôi tin rằng việc ban hành chiến lược này sẽ xác định phương hướng cho những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống ma túy những năm tới.

Tiếp nối chủ đề của năm 2011, chủ đề “Ngày Thế giới phòng, chống ma túy” năm nay là “Toàn cầu chung sức hành động vì một cộng đồng lành mạnh không ma túy”. Chủ đề này nhằm nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trước những thách thức của tệ nạn ma túy gây ra cho xã hội và khẳng định thực tế là để đạt được thành công trong công tác phòng ngừa, cai nghiện ma túy cần phải có sự tham gia của gia đình và cộng đồng.

Theo tôi, đấu tranh hiệu quả với tệ nạn ma túy không những đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ mà cần sự chung sức hành động của cả cộng đồng. Với sự chỉ đạo, đầu tư và quyết tâm của Chính phủ, cộng đồng cần triển khai các hoạt động mạnh mẽ, qua đó tạo điều kiện giúp đỡ những người dễ bị ảnh hưởng bởi ma túy, đặc biệt các bạn trẻ, để họ nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, tạo dựng cuộc sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động về phòng chống ma túy, từ đó có ý thức tránh xa tệ nạn nguy hiểm này.

PV: Trong thời gian tới, UNODC sẽ có những hỗ trợ gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại Việt Nam, thưa bà Zhuldyz Akisheva?

Bà Zhuldyz Akisheva:

Thời gian tới, UNODC sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trước hết, chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý trong phòng, chống ma túy phù hợp với thông lệ quốc tế bởi nền tảng pháp lý là lĩnh vực cần phải được hết sức quan tâm, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2011.

Bên cạnh đó, UNODC cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua các hoạt động của các cơ quan hành pháp, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an, tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy xuyên quốc gia.

Lĩnh vực y tế cộng đồng cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ phù hợp để đáp ứng các nhu cầu về giảm hại và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam. Ngoài ra, UNODC sẽ cùng phối hợp với Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển một số lĩnh vực liên quan đến hệ thống tư pháp hình sự.

PV: Tại Việt Nam, ma túy tổng hợp hiện là vấn đề nhức nhối trong xã hội, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. UNODC sẽ triển khai những biện pháp gì trong thời gian tới?

Bà Zhuldyz Akisheva:

Vấn đề liên quan đến ma túy tổng hợp là một phần trong công tác giảm hại ma túy. Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào việc nghiên cứu hướng dẫn điều trị, cũng như tăng cường các biện pháp để phòng ngừa từ chính cộng đồng. Để kịp thời ứng phó với vấn đề nghiêm trọng này, bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, cộng đồng cần phát huy tối đa vai trò của mình để tham gia cùng với Chính phủ trong việc triển khai các biện pháp phù hợp và hiệu quả.

Tuy nhiên, định hướng này sẽ đồng thời được thực hiện với các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc trong khuôn khổ Chương trình “Một Liên Hợp Quốc” tại Việt Nam.

Tôi tin rằng thời gian tới, sự hợp tác giữa Việt Nam và UNODC sẽ tiếp tục được củng cố và mở rộng hơn nữa, đặc biệt là trên các lĩnh vực quan trọng là lập pháp, hành pháp, y tế cộng đồng cũng như các lĩnh vực khác có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nói riêng và phòng, chống tội phạm nói chung.

Xin trân trọng cảm ơn bà  Zhuldyz Akisheva!

“Sáng kiến Một Liên hợp quốc” là một trong các chính sách về cải tổ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc (LHQ). Năm 2006, 8 quốc gia gồm: Albania, Cape Verde, Mozambique, Pakistan, Ruwanda, Tanazania, Uruguay, và Việt Nam đã được LHQ chọn để thí điểm thực hiện sáng kiến này.
Top