Vì một thế hệ trẻ không ma tuý

07/08/2014 16:06

Theo thống kê từ Bộ Công an, tính đến cuối tháng 5/2014, cả nước có gần 183 nghìn người nghiện (tăng 0,8% so với năm 2013); trong số người nghiện ma túy, độ tuổi 16 đến dưới 30 chiếm 50%; trẻ em có dưới 16 tuổi sử dụng ma túy đang có xu hướng gia tăng.

Vỡ tan giấc mơ vì ma túy

Ma tuý học đường đã và đang là một vấn đề nóng bỏng của toàn xã hội. Thời gian qua, chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp truyền thông phòng chống ma túy trong học đường. Mặc dù có nhiều cố gắng được một số kết quả bước đầu nhưng tình trạng ma túy trong học đường đang ở mức báo động.

Hằng năm, Chính phủ phải tốn kém rất nhiều thời gian, kinh phí để khắc phục những hệ lụy chết người do ma túy để lại. Từng ngày, từng giờ trên các trang báo tràn ngập thông tin về kẻ “ngáo đá” giết người hàng loạt, con giết mẹ, chồng giết vợ… Nếu chúng ta không làm tốt công tác phòng ngừa thì tình trạng sẽ xảy đến là “nước xa không cứu được lửa gần”.

Hiện nay, ma túy biến tướng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau khiến các bậc phụ huynh và nhà trường rất khó phát hiện để ngăn chặn kịp thời con em mình sử dụng.

Do không hiểu rõ sự nguy hiểm của ma túy đá, không ít thanh thiếu niên lỡ sa chân vào ma túy , để những giấc mơ tuổi trẻ vỡ nát dưới chân mình. Khi giấc mơ khép lại, đối diện thực tại cuộc sống, hơn ai hết họ hiểu những đau khổ tận cùng của bi kịch mang tên ma túy.

Chia sẻ với tác giả bài viết, em N.V.T (17 tuổi), học viên đang cai nghiện tại Hà Nội tâm sự: “Năm 2010, em khăn gói lên Hà Nội ôn thi vào trường Kiến trúc... Ở cùng phòng với mấy thằng bạn dùng hàng đá. Mỗi lần “đập đá”, chúng nó bảo ôn thi đại học dùng cái này hiệu quả lắm, đảm bảo thức cả đêm học không biết mệt. Nghe bùi tai, em dùng thử... Mùa thi năm đấy, do đã bập vào hàng đá, bố mẹ đưa em về quê cai nghiện. Mỗi năm, nhìn các bạn thí sinh chuẩn bị nhập trường, em lại nghĩ về giấc mơ của mình. Giấc mơ trở thành kiến trúc sư tan vỡ vì ma túy đá!".

Học viên N.V.T

Do bị bạn bè rủ rê, nghiện ma túy rồi không may nhiễm HIV, cô gái L.V.T đến từ Tuyên Quang đang sống trong những chuỗi ngày hối hận, giày vò. T trải lòng trong nước mắt: “Mình đã từng ước trở thành cô giáo dạy nhạc cấp I vì mình có năng khiếu về âm nhạc, đến giờ vẫn vậy. Cấp 3, mình theo chân mấy cô bạn ăn chơi trong lớp đi bar cho sành điệu. Lần đầu, mấy cô bạn hít thử hêrôin nhưng mình từ chối. Đi mãi, rủ nhiều rồi cũng quen, thử một lần và đến tận bây giờ không dứt ra được. Dính vào ma túy rồi, trong một lần ngã xe máy, đi xét nghiệm, mình phát hiện ra nhiễm HIV… Mỗi lần đi qua trường cấp I, nghe tụi nhỏ hát, lòng buồn nghê gớm. Giá như dòng thời gian có thể đảo ngược...".

Cần những kỹ năng để phòng tránh ma túy

Dự án “Vì một xã hội không ma tuý” được Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Tâm lý cho Người nghiện ma túy (PSD) xây dựng trên cơ sở quan điểm giáo dục hiện đại: Đem tới giải pháp cần thiết, căn bản và cụ thể nhất giúp các em dễ dàng hiểu để thực hành.


Các em học sinh thuyết trình trong buổi tập huấn

Tham gia chỉ một buổi tập huấn, các em học sinh khối phổ thông được trang bị kiến thức và kỹ năng phòng vệ tối ưu nhất trước hiểm họa ma túy. Những chuyên gia nghiên cứu của PSD sẽ trực tiếp giảng dạy đưa ra tình huống, giúp học sinh chủ động tự mình nghĩ phương án giải quyết vấn đề. Thay vì cung cấp hàng loạt các thông tin chung chung, chuyên gia sẽ đưa ra gợi ý, các em chủ động tư duy logic dựa vào hình ảnh minh họa, các clip thực tế, kết hợp với chỉ dẫn khoa học.

Đặc biệt, các em học sinh được dạy những kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy như: kỹ năng từ chối, kỹ năng hóa giải cảm xúc tiêu cực, cách xử lý các tình huống có liên quan đến ma túy… Khi tham gia buổi tập huấn các học cách nhận biết đầy đủ về ma túy từ: nguyên nhân, phân loại ma túy, tác hại, dấu hiệu nhận biết một người nghiện ma túy…

Kết thúc buổi tập huấn, em N.T.H trường THCS Việt Úc tâm sự: “em rất thích thú với những bài giảng ở đây. Chúng em vừa được học, được chơi, được thuyết trình… đặc biệt em rất thích những sơ đồ ngắn gọn, dễ hiểu. Không khí lớp học rất thoải mái, vui nhộn với nhiều trò chơi thú vị…”.

Thực tế, cho dù các em được trang bị các kỹ năng sống tốt đến đâu, hoàn thiện tới mức nào nhưng thiếu đi hiểu biết và kỹ năng phòng, chống ma túy thì mọi thứ chỉ là con số không một khi đã trót sa chân. PSD luôn coi trọng ý thức và trách nhiệm đối với vấn đề ma túy trong trường học; coi học sinh là đối tượng cần được quan tâm số một, cần phải được tập huấn và trang bị các kiến thức căn bản tốt nhất.

Top