Từ một con nghiện “cộm cán”, trở thành Đảng viên

24/11/2014 09:35

Là một Đảng viên, được nhận nhiều bằng khen về thành tích xuất sắc trong phòng, chống tệ nạn xã hội, nhưng ít ai ngờ, anh L.T.B từng là một người nghiện ma tuý có “số má”.

Cộng tác viên tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma tuý. Ảnh minh hoạ

L.T.B, sinh năm 1973, quê quán thành phố Vị Thanh, Tỉnh Hậu Giang. Hiện thường trú tại phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Không may mắn như bạn bè đồng trang lứa, B phải nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền nhằm trang trải cuộc sống và phải làm thuê nhiều công việc. Đi nhiều nơi, gặp không ít trở ngại, môi trường xã hội phức tạp, bản thân thiếu hiểu biết cộng với tính hiếu chiến, muốn thể hiện mình là bậc đàn anh, B đã trở thành con nghiện thực thụ.

Hai năm sử dụng ma túy là quãng thời gian cay đắng và tủi nhục mà B không bao giờ muốn phải quay lại. Kinh tế gia đình khánh kiệt, bản thân chỉ biết sống cho mình, là một kẻ bất cần đời và luôn hận cuộc đời đã không đối xử công bằng. Thời gian đó, vì những cơn nghiện hành hạ, B không làm được việc gì ổn định lâu dài cả. Ban đầu, còn có người mướn làm, nhưng cứ hễ có tiền là B lại bỏ việc đi tìm thuốc. Dần dần, chẳng có ai thuê B làm việc nữa.

“Lúc đó, tôi không phải là một con người bình thường, tôi như là một vật lạ của hành tinh khác vậy. Khi hết thuốc trong cơ thể, tôi như lên cơn điên, loay hoay tìm mọi phương kế, đào mọi ngõ ngách để kiếm tiền sử dụng tiếp”, B tâm sự.

Trong suốt thời gian nghiện, B đã đi cai nghiện 2 lần tại Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục-Lao động xã hội. Lần đầu tiên là năm 1993, gia đình đưa B vào Trung tâm cai nghiện 12 tháng. Hết thời hạn 12 tháng, B trở về cộng đồng. Do buồn chán gia cảnh, phần thì bị sự kỳ thị của xã hội với mọi con mắt e dè nghi ngại, phần khác nữa là do bạn bè xấu rủ rê, B lại ngựa quen đường cũ “tái xuất giang hồ”, tự do tung hoành ngang dọc.

Một năm sau, B bị công an phát hiện tiếp tục sử dụng trái phép ma túy, UBND thành phố Rạch Giá ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm với thời hạn 24 tháng.

Lần này, B được gia đình thường xuyên thăm nuôi, động viên. Tại Trung tâm, ngoài học văn hóa còn được tham gia học nghề, lao động trị liệu phục hồi sức khỏe. Nhờ chăm chỉ học tập và lao động, B. luôn được các cán bộ trong trung tâm động viên và tin tưởng. Cuối năm 1997, hết thời hạn cai nghiện tập trung, B. trở về cộng đồng.

Ngày trở về cộng đồng, tâm trạng B. mừng vui lẫn lộn. Mừng là bước đầu đã thoát khỏi ma túy, còn lo là phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trước mắt: sự kỳ thị của cộng đồng, sự rủ rê lôi kéo của bạn bè cũ, những khó khăn về kinh tế, sức khỏe và băn khoăn không biết bản thân có đủ mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn đó hay không và nếu tiếp tục tái nghiện, cuộc đời mình sẽ đi về đâu...

May mắn là sau khi trở về cộng đồng, B được gia đình và chính quyền địa phương quan tâm chia sẻ, giúp đỡ. Chính vì vậy, mặc dù vẫn còn nhiều người kỳ thị xa lánh, bạn bè xấu đến rủ rê, khích tướng nhưng B vẫn quyết tâm không quay lại con đường cũ.

Nhờ sự kiên định đó, B đã đoạt tuyệt hẳn với ma túy từ đó đến nay. Cuộc sống gia đình dần dần được cải thiện và thay đổi một cách đáng kể. B đã có gia đình riêng với người vợ chịu thương chịu khó và 2 đưa con ngoan.

Hiện nay, B là nhân viên tiếp cận cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nguy cơ cao thuộc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kiên Giang; Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản số 08, khu phố 5, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá; đội viên bảo vệ dân phố Khu phố 5; Chi hội trưởng chi hội khuyến học Khu Phố 5…

Bên cạnh công việc tuyên truyền phòng chống ma tuý và HIV/AIDS, B cũng tranh thủ buổi tối để học thêm lớp bổ túc văn hoá. Hiện anh đã học xong lớp 11.

Ngày 03/11/2013, B vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trước đó anh đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen vì đạt nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội.

Chia sẻ về kinh nghiệm cai nghiện thành công, B cho biết, yếu tố quan trọng nhất là nghị lực của chính bản thân người nghiện. Bên cạnh đó, còn  một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng, chính quyền và người thân. Đó là hai yếu tố không thể thiếu trong quá trình cai nghiện và quyết định sự thành công hay thất bại.

Top