Tự đắp đê, nắn sông để cai nghiện ma túy

12/05/2014 15:00

Với quyết tâm từ bỏ “cái chết trắng”, anh Công đã dồn hết sức lực vào việc nắn dòng, đắp đê cho con sông trong 1.000 ngày để quên đi cơn vật vã vì ma túy.

Gần 20 năm trước, cuộc sống của người dân ở xóm Vôi, xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình còn thiếu thốn đủ đường. Nhiều người đã rời quê lên bãi vàng Thanh Bu (Lạc Sơn, Hòa Bình) để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Thế nhưng, chính nơi này đã đẩy số phận vướng vào tệ nạn ma túy và cho đến khi trở thì họ trở thành kẻ trắng tay…

Anh Bùi Văn Công đã một thời lầm lỡ...

Nhớ lại quá khứ, anh Bùi Văn Công ở xóm Vôi xã Liên Vũ (Lạc Sơn, Hòa Bình) tâm sự: “Hồi đó cũng như bạn bè cùng trang lứa, chúng tôi rủ nhau đến mỏ vàng Thanh Bu. Lúc đó trong đầu tôi chỉ nghĩ, phải chăm chỉ lao động để kiếm được nhiều tiền về giúp đỡ bố mẹ. Tôi đã hi vọng mình có thể kiếm một khoản tiền dành dụm để sau này cưới vợ nên đầu năm 1992, tôi đã xin phép gia đình đến mỏ vàng làm thuê”.

Công là con út trong một gia đình có 6 anh chị em. Cuộc sống nghèo khó luôn khiến gia đình anh phải lo chạy ăn từng bữa. Chính vì thế, anh Công luôn khao khát sẽ kiếm được thật nhiều tiền.

“Hồi đó, tôi và các anh em khác nghe nói làm ra tiền là đi, chứ có biết ở trên đó có cái gì đâu. Gần bãi vàng Thung Bu, họ bán thuốc phiện nhiều như bán rau. Tôi nghe nói, làm mệt thì hút cho khỏe, lại khuây khỏa đầu óc, chứ thực sự lúc đó tôi không biết loại thuốc đó nguy hiểm như thế nào. Tôi cũng thử vài ba lần. Cứ thế dần dần thành quen, những lúc làm việc về mệt nhọc có nó là trong người sảng khoái vô cùng. Lúc đó, tôi không hề biết rằng nó là loại thuốc gây nghiện bị cả xã hội lên án”, Công nhớ lại. 

Thời gian đó, anh Công cũng kiếm được khá nhiều tiền. Ban đầu, anh còn gửi về cho gia đình, nhưng từ khi dính vào thuốc phiện, làm ra được đồng nào anh đều “nướng” hết. “Nhiều lúc, tôi cũng muốn tiết kiệm một chút để gửi về cho bố mẹ nhưng sức hút ghê gớm của ma túy đã khiến tôi đánh mất mình. Gần 3 năm làm vàng, tôi không tiết kiệm được đồng nào, hễ cơn nghiện bắt đầu lên thì tôi lại phải tìm đến thuốc”, anh Công trải lòng.

Khi giấc mơ đổi đời chưa thực hiện được thì năm 1995, Công cùng những người khác phải từ bỏ chí hướng vì các cơ quan chức năng dẹp bỏ bãi vàng Thung Bu. Rất nhiều thanh niên xã Liên Vũ, xóm Vôi trở về khi trong người đang dính vào “chất trắng” cùng một số tệ nạn như trộm cắp, cướp giật… đã bị nhiễm ở bãi vàng.

Sau gần 3 năm ở bãi vàng, sức khỏe của Công giảm sút rất nhiều vì sự tàn phá của ma túy. Biết con nghiện, bố mẹ anh Công đã rất đau buồn. Anh kể: “Nhiều hôm thấy tôi vật vã thèm thuốc, mẹ cũng phải lấy từng đồng tiền lẻ để đưa cho tôi đi thỏa mãn cơn nghiện. Bố tôi đã khuyên tôi rất nhiều về tác hại của ma túy, rồi tương lai của tôi sẽ bị tàn phá như thế nào nếu không từ bỏ được nó. Những tháng ngày đó, gia đình tôi không có được một ngày vui vẻ. Đến cuối năm 2000, sau nhiều đêm trăn trở, tôi đã quyết định phải từ bỏ ma túy. Gia đình đã đưa tôi đến trại cai nghiện công trường 06 của huyện Lạc Sơn, Hòa Bình để cải tạo”.

Sau 6 tháng đi trại cai nghiện về, thời gian đầu anh Công vẫn thường xuyên nghĩ đến ma túy. “Mỗi khi nghĩ đến nó, tôi phải cố kìm nén, cũng muốn tìm đến với nó để thõa mãn sự thèm muốn. Thế nhưng nghĩ đến lời mẹ căn dặn, tôi lại không đành lòng. Rồi tôi nghĩ, mình không thể để cho bản thân có thời gian rảnh suy nghĩ về ma túy, phải kiếm một việc gì đó làm để quên đi sự thèm khát”, Công nhớ lại khoảng thời gian khó khăn với mình.

Những lúc đó, câu hỏi “Làm gì đây?” lại trở thành nỗi ám ảnh, khiến Công nhiều lần bất lực, có những lần anh Công phải tự đập đầu vào tường tóe máu để dùng cơn đau ngăn những hình ảnh về ma túy. Rồi qua một thời gian ngắn sống cô đơn trong nỗi mặc cảm, một ý tưởng lạ lùng chợt lóe lên trong đầu của Công.

Một buổi sáng, cả gia đình chợt thấy Công vác cuốc xẻng ra bờ sông Bưởi, đoạn chảy qua hai xã Liên Vũ và Ân Nghĩa. Anh Công lý giải: “Tôi sinh ra và lớn lên với con sông này, cũng được nghe các cụ kể về nó nhiều. Từ nhỏ, tôi chứng kiến nhiều mùa mưa lũ nên rất hiểu quy luật dòng chảy của nó. Sông Bưởi là một nhánh của sông Đà, mỗi khi mùa mưa lũ về, nước sông dâng cao cuốn trôi đi rất nhiều hoa màu của người dân. Lúc ấy tôi nghĩ: 'Tại sao mình không tận dụng sự hiểu biết về con sông này nạo vét, đắp một con đê để nắn dòng, giúp đồng ruộng người dân thoát khỏi cảnh nước tràn vào mỗi mùa nước lũ”.

Một phần con đê mà anh Công đắp trong hơn 1.000 ngày.

Nghĩ là làm, sáng sáng anh Công ra bờ sông kiên trì thực hiện công việc nạo vét dòng sông và đắp đê. Người dân trong thôn, ngoài xóm ngạc nhiên khi thấy Công quyết cải tạo dòng sông. Nhiều người đồn anh Công bị thần kinh do nghiện ngập nên mới có hành động khác thường như vậy.

Lúc đầu, nghe người ta bàn ra tán vào chẳng mấy thiện cảm, anh Công cũng chán nản. Rồi có lúc, nhìn vào khối lượng công việc khổng lồ trước mắt, anh đã muốn bỏ hết, muốn rời quê hương đi thật xa để trốn tránh thực tại và khỏi xấu hổ. Nhưng may mắn, sự động viên của gia đình, người thân đã giúp anh từng ngày, từng ngày dần dần làm được công trình được coi là kỳ công ở miền quê nghèo.

Giờ đây, mỗi mùa lũ đi qua, người dân trong vùng không còn phải lo đi khắc phục hậu quả nữa, không mất mùa như ngày trước, mọi người trên làng dưới xã vẫn thường xuyên nhắc đến công lao của Công. Người dân trong vùng rất biết ơn anh.

Nhưng thay vì tự nhận công về mình, anh Công nói: “Chính hơn 1.000 ngày nắn cả dòng sông ấy đã giúp tôi hiểu thế là ý nghĩa cuộc đời. Mọi người đều có cơ hội làm lại, kể cả khi đã mắc sai lầm lớn đến mấy. Nhưng nói thật, để vượt qua được điều ấy, hơn 1.000 ngày sáng vác cuối đi, chiều vác xẻng về với tôi chính là thử thách lớn nhất cuộc đời”.

Ông Bùi Văn Đán, hàng xóm của Công vui vẻ kể: “Mặc dù có một quá khứ nghiện ngập nhưng với ý chí và nghị lực, anh ấy đã vượt qua và từ giã ma túy. Thời gian Công đi cai nghiện về, dường như muốn trả ơn cho quê hương nên hằng này vẫn lên rừng đào đất đắp cho bằng được dòng sông Bưởi của xã, bắt sông chảy đi hướng khác, giúp ích rất nhiều cho những người làm ruộng như chúng tôi. Đã bao mùa lũ trôi qua nhưng dải bờ đất anh đắp vẫn đang còn nguyên đó. Mỗi khi đi làm đồng nhìn dải đất, chúng tôi vẫn thường nhắc đến câu chuyện về cuộc đời người thanh niên từng một thời lầm lỡ đó”.
Top