Trong nỗi đau khôn cùng

31/05/2012 16:47

Con bị nghiện, bà mẹ vứt bỏ tất cả để lo cho con đi cai. Một ngày, biết con nhiễm HIV, bà như ngã quỵ.

Nhưng rồi bà đã làm mọi cách để con mình thấy được cuộc đời còn có ý nghĩa trong quỹ thời gian còn lại…

Có con vướng vào ma túy, người mẹ nào cũng đớn đau khôn cùng. Nhưng rồi tình mẫu tử và bản năng người mẹ đã không cho phép họ bỏ cuộc.

Họ nuốt nước mắt vào trong để làm điểm tựa cho con, động viên con đi cai nghiện và hy vọng một ngày con mình được lành lặn trở về.

Một buổi sáng tháng 3, người phụ nữ dáng vóc nhỏ bé với đôi mắt thâm quầng, làn da sạm lại vì nắng đến thăm con tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giới thiệu việc làm Nhị Xuân (Hóc Môn, TP.HCM). Bà là Nguyễn Thị Ngọc Sương (Củ Chi), một cựu thanh niên xung phong thuộc lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM.

Ngày buồn của mẹ

“Tôi nhớ như in đó là ngày 17-8-1999, lúc này đã 11 giờ đêm, khi đang ngủ thì được tin báo của công an con mình đang bị đội điều tra tạm giữ. Quá bất ngờ và hoảng hốt, tôi lập tức đến nhận con mà nước mắt lưng tròng. Tôi không dám tin vào điều mình nghe thấy, sự thật ấy khiến tôi vô cùng đau khổ”. Bà Sương kể, con mình bị cơ quan điều tra quận Bình Thạnh tạm giữ vì liên quan đến việc sử dụng chất gây nghiện. Thời gian ấy bà đang làm việc ở hội phụ nữ quận này.

Để con mình trượt vào vũng lầy ma túy, bản thân người mẹ bị dằn vặt bởi cảm thấy có trách nhiệm trước lỗi lầm của con. “Con tôi ra nông nỗi này không thể đổ lỗi hoàn toàn do xã hội mà trách nhiệm rất lớn thuộc về những người làm cha, làm mẹ. Phải chi tôi quan tâm, dành thời gian nhiều hơn cho con thì có lẽ mọi chuyện đã khác”. Bà Sương nói trong nước mắt.

Nghe lời một người quen, vì không muốn nhiều người biết chuyện, bà quyết định cho con trai cai nghiện tại nhà nhưng sau hai năm con bà vẫn ngựa quen đường cũ. Những lần con bà bỏ nhà lang thang, bà phải dò la khắp nơi để tìm con, lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ.

Gương mặt thẫn thờ của bà Sương khi kể về con mình.

Năm 2006, bà đưa con đi cai nghiện tại Trung tâm Thanh Đa nhưng chỉ sáu tháng sau, ngay sau khi cai xong, con bà lại tái nghiện. “Nhiều hôm chỉ đi đến cổng trung tâm, chưa nhìn thấy con, nước mắt đã tuôn trào, cảm giác người mẹ thương con nhưng bất lực khiến tôi vô cùng khổ sở” bà nói. Không bỏ cuộc, bà đưa con trở lại trung tâm này một lần nữa. Sau lần đó, bà ra sức khuyên bảo rồi lập gia đình cho con. Tưởng khi đã có gia đình rồi con bà sẽ tu chí làm ăn, lo cho gia đình, tránh xa được vòng luẩn quẩn của ma túy. Nhưng bà không ngờ lần này cũng chỉ được năm tháng.

Cuối cùng đến tháng 12-2010, bà làm thủ tục đưa con đi cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Nhị Xuân. “Cứ đưa con đi cai nghiện xong lại tái nghiện, tốn bao tiền của và nước mắt, nhiều lúc tôi đuối sức lắm. Nhưng không thể bỏ con được vì biết làm như vậy là đưa con vào đường chết”.

Điểm tựa cho con

Khi con bị nghiện, cho dù trong cơ quan chẳng ai kỳ thị, xa lánh nhưng với sự nhạy cảm của một người mẹ. Bà nói: “Mình mang tiếng làm việc nhà nước mà lại để con nghiện ma túy nên mỗi lần đến cơ quan lại cảm thấy vô cùng nặng nề”. Đó là chưa nói trong giờ làm việc nhưng lúc nào trong đầu bà cũng nghĩ đến con, tránh sao được sự sao nhãng, thiếu tập trung. Bà xin nghỉ việc để dồn hết tâm trí lo cho đứa con của mình.

Với bà con lối xóm, bà Sương cũng không tránh khỏi cảm giác mặc cảm. Chỉ cần một ánh mắt ai đó nhìn mình bất thường, đêm đó về bà lại xót xa, mất ngủ. “Từ ngày tôi đưa con đi cai nghiện, hàng xóm có người còn rào cả lối đi nhà tôi lại. Những lúc ấy tôi chỉ biết chịu đựng, tặc lưỡi thôi thì con dại cái mang chứ biết trách ai bây giờ”.

Suốt những năm tháng đồng hành cũng con, nếm trải không biết bao nhiêu cay đắng, tủi nhục của cuộc đời, không ít lần bà muốn gục ngã vì kiệt sức.

Năm 2010, bà đưa con đi cai nghiện tại Trung tâm Nhị Xuân cũng là lúc bà nhận được tin sét đánh: con bà bị nhiễm HIV. Bao nhiêu hy vọng trong lòng người mẹ khốn khổ bị dập tắt một cách tàn nhẫn. Bà như suy sụp sau cú sốc này.

Là một người mẹ, cứ nghĩ đến một ngày mình phải mất đứa con do mình dứt ruột đẻ ra là bà không tài nào ngủ được, cứ chợp mắt lại giật mình tỉnh giấc. Sức khỏe của bà yếu đi trông thấy, lúc này cân nặng chỉ còn khoảng 33 kg. “Việc chuẩn bị tâm lý cho một ngày mình phải mất con vô cùng đau đớn. Tôi từng làm giấy khai tử để biết bao bà mẹ có con nhiễm HIV nhận xác con mình, không ngờ có ngày mình sẽ phải làm giấy khai tử cho chính đứa con mình” - bà nói nghẹn ngào.

Có con vướng vào ma túy, người mẹ đau đớn khôn cùng. Ảnh minh họa.

Cách đây năm tháng, bà bước vào ca phẫu thuật hẹp van tim. Nếu thất bại mạng sống của bà có thể không giữ nổi. Rất may là ca mổ thành công. Nhưng bác sĩ cũng báo cho bà biết đó chỉ là giải pháp tức thời, rất có thể bà phải trải qua một ca mổ khác nếu bệnh tình của bà có chuyển hướng xấu. Dù vậy, trong giây phút đối diện với cái chết, bà vẫn nghĩ đến con. “Quyết định phẫu thuật cũng là khoảnh khắc khiến tôi vô cùng ám ảnh. Kết quả của ca mổ làm sao biết trước được, tôi chỉ sợ chẳng may mình mất đi, con mình sẽ quỵ xuống vì không biết dựa vào ai”.

Bàn tay thánh thiện

Mỗi tháng hai lần bà Sương lại lặng lẽ đến Trung tâm Nhị Xuân để thăm nuôi con. Bà muốn cho con biết rằng dù thế nào thì con vẫn luôn luôn còn mẹ ở bên cạnh. Vì vậy, dù có bận rộn đến đâu bà cũng cố gắng đến thăm, theo dõi bệnh tình, động viên con uống thuốc đầy đủ và tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ trung tâm.

Những cố gắng của bà cũng có kết quả khi con bà dần dần biết thay đổi để đáp lại tình yêu thương của mẹ. “Nó vốn là một đứa ít nói, cứng đầu. Bởi vậy khi lần đầu tiên nghe nó gọi điện thoại về nhà hỏi thăm và nói tiếng cảm ơn mà tôi mừng đến khóc”.

Điều lo lắng nhất của bà bây giờ chính là sợ mai mốt “nó” về nhà sẽ không vượt qua được sự kỳ thị, xa lánh của mọi người nên lại tìm đến với ma túy. Đến lúc đó coi như bao nước mắt của bà cũng thành công cốc. Chính vì vậy, ngay khi con còn đang học tập, cai nghiện ở trung tâm, ở nhà bà đã chuẩn bị mọi thứ để con không cảm thấy hụt hẫng khi trở về hòa nhập cộng đồng.

Bà cho biết: “Đến tháng 11 này là con tôi được về rồi. Còn đến mấy tháng nữa nhưng dạo gần đây tôi thường nằm mơ thấy ngày con về để mình được tận tay chăm sóc cho con. Tôi sẽ xin cho con làm công việc chăm sóc những người nhiễm HIV tại Trung tâm Mai Hòa (Củ Chi). Tôi cũng sẽ làm cùng con để nó cảm thấy cuộc đời còn có ý nghĩa”.

Hết giờ thăm nuôi, bà lại lặng lẽ ra về. Như chợt nhớ ra điều gì, bà vội chạy ngược lại gặp anh bảo vệ để gửi một bịch bao tay cho con. “Ở trung tâm, nó được mấy thầy hướng dẫn cạo hạt điều, cần có bao tay để đỡ mủ và khỏi phồng tay. Mấy đêm nay tôi thức để tự tay may cho con, hy vọng nó sẽ cảm nhận tình thương của mình mà cai nghiện thật tốt”.

Top