Trải nghiệm cảm xúc với “Ma túy từ những góc nhìn”

15/12/2011 08:28

“Ma túy từ những góc nhìn” là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc với cộng đồng vừa được giới thiệu tối qua (ngày 13/12) tại Trung tâm Đào tạo phát triển tài năng điện ảnh trẻ TPD, 22A Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Nhân vật Bùi Thị Cúc trong câu chuyện ảnh của Phạm Hoài Thanh

Cả hai nội dung trong khuôn khổ chương trình là Triển lãm ảnh về những phụ nữ bị ảnh hưởng bởi ma túy “Giá như anh ấy đừng chích chung” và phim tài liệu “Trong hay ngoài tay em” đã khiến công chúng không khỏi xúc động.
Triển lãm của Phạm Hoài Thanh là mạch tiếp nối câu chuyện kể bằng ảnh “Đối thoại với mua túy” trước đó. Nhưng lần này, anh muốn kể với người xem một câu chuyện khác, ám ảnh hơn về những thân phận đặc biệt trong xã hội-những phụ nữ có số phận nghiệt ngã, vì tình yêu và lòng cao thượng với chồng mà phải mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo HIV.
Còn bộ phim tài liệu 80 phút của Trần Phương Thảo và Swann Dubus lại là bức chân dung chân thực miêu tả cuộc đấu tranh của hai người đàn ông, của vợ, gia đình, các bác sĩ và bạn bè họ trong nỗ lực kéo họ ra khỏi vực thẳm ma túy…
Chân dung những phụ nữ anh hùng
Mười tám nhân vật trong triển lãm là mười tám mảnh đời xa xót được Hoài Thanh góp nhặt ngoài cuộc sống. Đây là sản phẩm có được sau những tháng ngày trăn trở từ thực tế (Việt Nam hiện có tới 150 nghìn người sử dụng ma túy và một trong những con đường lây nhiễm HIV chủ yếu là qua dùng chung bơm kim tiêm khi chích ma túy) của nhiếp ảnh gia này.
Bởi không chỉ dừng lại ở đó, những người này còn tiếp tục lây nhiễm cho vợ hay bạn tình. “Các nghiên cứu cho thấy có đến 88% phụ nữ nhiễm HIV do lây qua quan hệ tình dục, đa số là với chồng hoặc bạn tình gắn bó và có tới 15% phụ nữ có chồng sử dụng ma túy nhiễm HIV. Những phụ nữ trong triển lãm này đang sống chung với HIV và nguyên nhân sâu xa đều liên quan đến ma túy,” tác giả Hoài Thanh nói.
Anh cũng đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho công chúng khi tiếp xúc với những nhân vật trong câu chuyện của mình và đọng lại là cái nhìn cảm thông, chia sẻ với những thân phận vẫn được coi là yếu ớt, cần được che chở trong xã hội.
Những người phụ nữ ấy thực sự là những anh hùng thời hiện đại, bởi họ có chồng nghiện ma túy nên không những vừa phải gánh vác gia đình một mình vừa phải đương đầu với vô vàn những khó khăn, vất vả cả về vật chất cũng như tinh thần, sức khỏe.
Như trường hợp chị Nguyễn Thị Chưng, sinh năm 1978 ở Vân Đồn, Quảng Ninh, sau khi vượt qua những năm tháng sốc vì sợ hãi và bị kỳ thị, hiện Chưng mở cửa hàng mỹ phẩm tại nhà. Cô kể, ngày tham gia cuộc thi Dấu cộng duyên dáng cô hỏi con gái rằng, “mẹ đi thi nhiều người biết mẹ có H con có buồn, có lo mọi người xa lánh không?” thì con bé trả lời “con không buồn, không lo đâu, mẹ có bệnh chứ có tội tình gì đâu.” Người mẹ ấy chỉ biết khóc khi nghe lời đứa con bé bỏng, ngây thơ và tội nghiệp nói.
Còn hoàn cảnh của Trần Thị Huệ, sinh năm 1983 ở Hai Bà Trưng, Hà Nội thì giông tố không chỉ ập đến một lần, bởi cả hai người đàn ông gắn bó với cuộc đời cô đều mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Người chồng đầu tiên khi phát hiện có HIV đã suy sụp rất nhanh, vì thế Huệ phải gồng gánh cả một gia đình với người chồng bệnh tật và hai đứa con nhỏ cũng đau ốm triền miên.
Huệ phải đưa cả gia đình vào Thành phố Hồ Chí Minh mong tìm cơ hội nhận thuốc ARV và lăn lộn đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi sống cả nhà. Có những đêm mải bán bóng bay trên phố muộn quá, nhà xa, cô đành ngủ dưới mái hiên nhà người ta. Nhưng rồi chồng cô cũng mất, Hệ trở về Hà Nội tìm việc làm.
Thế rồi số phận run rủi cho Huệ gặp một người yêu thương cô trong những chuyến đi tập huấn. Chỉ tiếc rằng đó cũng là người đàn ông sử dụng ma túy. Huệ hiểu cuộc đời cô lại rơi vào một vũng sâu như đã từng nhưng một lần nữa trái tim thắng lý trí và cô chấp nhận. Bao lần vực người chồng thứ hai ấy đứng lên rồi lại ngã xuống, không biết Huệ lấy đâu ra nhiều sức lực và niềm tin đến thế để đến ngày hôm nay đây cô vẫn không ngừng hy vọng về tương lai tốt đẹp phía trước…
Sống cùng nhân vật…

Phó Đại sứ, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Steven Collette chia sẻ: “Những người từng có liên quan đến nghiện ngập dù là tiêm chích, hút hay uống rượu đều biết cai nghiện khó thế nào. Bởi, việc này ko chỉ liên quan đến chất kích thích mà còn liên quan đến toàn bộ bối cảnh xung quanh. Bộ phim ‘Trong hay ngoài tay em’ sẽ nói đến những điểm này, viêc giam cầm hay tách biệt sẽ ko thể giúp họ cai thuốc...”
Bộ phim tài liệu vừa mới hoàn thành năm 2011 (Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện) là những thước phim tài liệu xuất phát từ những trăn trở của một phụ nữ nhỏ bé Việt Nam trước hiểm họa ma túy đã và đang hủy hoại một phần cộng đồng mình.
Vì muốn đi đến tận cùng của câu chuyện nên hai đạo diễn Phương Thảo, Swann Dubus và cộng sự đã phải thực sự trở thành những người thân với các nhân vật. Không chỉ trải qua cùng những cơn vật vã của người nghiện mà hai đạo diễn trẻ còn sống cùng với vui buồn, thất vọng, chán chường… của những người thân của nhân vật sử dụng ma túy.
Phương Thảo kể về hai nhân vật trong câu chuyện là Thi và Trung. Họ sống trên những ruộng bậc thang tuyệt đẹp của vùng núi Tây Bắc, Việt Nam. Giống như nhiều người đàn ông trẻ khác sống trên con đường vận chuyển heroin từ Lào sang Trung Quốc này, họ đã cùng chọn cho mình con đường nghiện ma túy và nhiễm HIV.
Tuy nhiên, sau đó Thi và Trung lại chọn hai cách khác nhau để “giải bài toán” cuộc đời- một người buông xuôi, phó mặc cuộc đời còn một người thì vùng vẫy quyết liệt để mong thoát ra khỏi vũng lầy trở về với vòng tay người vợ.
Câu chuyện của hai nhân vật đã minh họa một cách sinh động và sâu sắc cho những tác động của HIV tới mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Song câu chuyện cũng đủ thấm thía để giúp người xem nhận ra rằng, dường như tình yêu vẫn là chưa đủ để giải thoát con người khỏi con đường nghiện ngập…/.

Top