Trải lòng của những chàng thanh niên trẻ ở trung tâm cai nghiện

06/07/2015 09:32

Trong những cơn say, từ chuyện buồn về tình cảm rồi bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, các thanh niên trẻ mới lớn đã tìm đến ma túy như một liều thuốc để làm vơi đi nỗi buồn. Chỉ một lần thử nhưng nó phá hoại cuộc đời thật của bao nhiêu con người…

 Anh Nguyễn Văn Thực đang tâm sự với vợ về quá trình cai nghiện tại Trung tâm

Một lần thử thành nghiện thật

Trong chuyến công tác thực tế, chúng tôi đã được lãnh đạo Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho tới thăm cơ sở điều trị methadone của huyện Đan Phượng (ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Trên quãng đường tới trung tâm, trung tá Tạ Đức Thành - Đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - chức vụ và ma túy - phấn khởi nói qua cho chúng tôi nghe về những thành công bước đầu của việc thành lập cơ sở cai nghiện tự nguyện trên địa bàn.

Bước chân vào cơ sở cai nghiện tự nguyện, chúng tôi bắt gặp nhiều nam giới gầy gò, dáng vẻ mệt mỏi được người nhà đưa tới để thăm khám. Họ đều là những người đã trót sử dụng ma túy và trở thành nô lệ của thứ “chất trắng” chết người.

Dẫn chúng tôi vào chỗ ăn ở của những người cai nghiện, phần lớn bệnh nhân là thanh niên trẻ, ở độ tuổi 24 - 30 tuổi. Chúng tôi gặp bệnh nhân Trần Văn Chữ (SN 1989, quê Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội). Khuôn mặt Chữ rất sáng sủa, nụ cười thân thiện, tuy nhiên, Chữ có vẻ rất e ngại khi gặp người lạ. Mãi đến khi cán bộ ở đây dẫn chúng tôi đến thì Chữ mới bắt đầu tâm sự. Chữ cho biết, trước đây, do buồn phiền về chuyện tình cảm và do bạn bè rủ rê nên Chữ đã tìm đến ma túy như một liều thuốc để làm vơi đi nỗi buồn và rồi Chữ đã bị lệ thuộc vào loại chất trắng này khi nào không hay. “Suốt khoảng thời ấy, lúc nào em cũng chỉ lo kiếm tiền để thỏa mãn những cơn thèm muốn ma túy của bản thân. Rồi em nghĩ, sống như vậy thì sống làm gì, sống làm khổ người khác… chẳng khác gì những con vi khuẩn làm hại cuộc đời. Em đã từng tự tử để kết thúc cuộc sống của mình nhưng số phận lại không cho em được chết. Rồi em tiếp tục nghiện ma túy. Em cứ nghĩ cuộc đời mình kết thúc như vậy”, Chữ tâm sự.

Nói đến đây, Chữ quay mặt đi, đưa tay lên dụi vào mắt, giọng chàng thanh niên trẻ trầm xuống. Chữ cho hay, có lẽ cuộc đời của Chữ “nở hoa” khi chính quyền địa phương và công an xã đến tận nhà để động viên, vận động. Từ đó, Chữ hiểu ra tác hại của ma túy và được giới thiệu đến Trung tâm Chữa bệnh - GDLĐXH số V (Hà Nội) để cai nghiện. Lúc đó, khái niệm về việc cai nghiện tại trung tâm đối với Chữ là rất mơ hồ. Chữ sợ, khi đến cai sẽ bị đánh đập và phải sống ở một môi trường riêng biệt. Thậm chí, Chữ còn lo về vấn đề kinh phí điều trị cai nghiện, liệu gia đình có đủ tiền không. Bao nhiêu câu hỏi và bao nhiêu nỗi lo sợ cứ hiện lên trong đầu em trong cái đêm trước khi đến trung tâm. Tuy nhiên, khi bước chân vào đây, em và gia đình được các cán bộ đón tiếp ân cần, kinh phí điều trị được hỗ trợ 100%..., từ đó suy nghĩ của em đã khác.

“Cải tử” cho người nghiện

Dắt theo cậu con trai dáng người gầy gò vì nghiện lâu năm, ông Nguyễn Văn Nam (61 tuổi) bùi ngùi chia sẻ: "Được các chú công an vận động, con trai tôi đã tự nguyện xin vào cơ sở này. Hôm đầu tiên, các chú công an còn đến tận nhà đưa con tôi đi. Được tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất của trung tâm, gia đình rất yên tâm khi gửi gắm con mình và hy vọng cháu sẽ sớm phục hồi, hòa nhập với cộng đồng”.

Ngồi cạnh người vợ trẻ mới tới thăm, anh Nguyễn Văn Thực (SN 1984, tại Đan Phượng) luôn nở nụ cười. Vừa xoa bóp đôi bàn tay vợ, anh vừa nói: “Anh sẽ cố gắng để về sớm với mẹ con em” khiến những người bên cạnh xúc động. Vào trung tâm được hơn 3 tháng, nhưng khó khăn và vất vả nhất đối với Thực là khoảng thời gian cắt cơn, giải độc 15 ngày đầu. Cũng có lúc, Thực muốn từ bỏ vì không thể chịu được, nhưng động lực từ người vợ và các con đã giúp Thực cố gắng từ bỏ chất ma túy. Có những khó khăn và nỗi buồn chưa thể chia sẻ với ai thì tại đây, anh đã có thể chia sẻ với những người thầy và các anh em học viên khác. Đúng với khẩu hiệu “Trung tâm là nhà, chúng ta là anh em”.

Bác sĩ Nguyễn Thế Phương - người trực tiếp thăm khám cho người nghiện ma túy - cho hay, dù mới đi vào hoạt động chính thức nhưng số lượng người tìm đến đăng ký cai nghiện tự nguyện liên tục tăng. Người nghiện khi tới đây đều được bác sĩ tư vấn, hỏi đầy đủ các thông tin để nắm rõ về tình trạng sức khỏe.

Cũng theo bác sĩ Phương, việc dùng methadone để cai nghiện là cách làm đạt hiệu quả cực cao so với các phương pháp khác. Điểm ưu việt của liệu pháp này là không phải tiêm chích, ngày chỉ dùng một lần. Sau khi dùng thuốc, người nghiện sẽ có cảm giác êm dịu không gây ra tình trạng bay bổng, phê sướng. Sau lần “khởi liều” đầu tiên, khi đã quen với methadone, người nghiện sẽ được duy trì và giảm liều dần cho đến khi hết nghiện và được cho ra khỏi chương trình. Ngoài ra, việc cai nghiện bằng methadone chỉ hiệu quả khi người nghiện có quyết tâm cai ma túy cao độ. Nếu vẫn lén lút sử dụng ma túy thì không đem lại kết quả gì, trái lại còn khiến tình trạng nghiện nặng thêm và khó phục hồi.

Đánh giá về mô hình cai nghiện mới được thành lập, trung tá Tạ Đức Thành cho hay, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, đơn vị đã cử cán bộ tiến hành rà soát người nghiện trên địa bàn, kết quả có tổng số 172 người, trong đó có 142 người đang ở địa phương, số còn lại đang ở tại các trại cai nghiện hoặc cải tạo. Theo số liệu của công an huyện Đan Phượng, đơn vị này đã hoàn thành 25/26 chỉ tiêu đề ra trong công tác vận động người nghiện đi cai nghiện tự nguyện. Trong lần rà soát gần đây, số người nghiện tại địa bàn đã giảm từ 142 xuống còn 132 vì đã có nhiều người cai nghiện thành công sau khi dùng methadone.

Những đổi thay đáng kể trong công tác cai nghiện nêu trên thể hiện rõ quyết tâm của huyện Đan Phượng nói riêng và của toàn thành phố Hà Nội nói chung, giảm dần số người nghiện ma túy, kiềm chế không để phát sinh tệ nạn ma túy.

Top