Thúc đẩy hợp tác phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mekong

21/05/2015 14:03

Tình hình sản xuất, mua bán ma túy trái phép đang thách thức các nước trong khu vực sông Mekong.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị

Sáng 21/5, Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước thành viên Bản thỏa thuận về hợp tác phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mekong năm 1993 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có 6 quốc gia thành viên gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam cùng Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc. Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang chủ trì hội nghị.

Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống ma túy năm 1993 với sự tham gia của 6 nước để đối phó với hoạt động sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép ma túy.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang nêu rõ: Sau hơn 20 năm triển khai, hợp tác phòng chống ma túy đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của các nước thành viên.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc, cơ chế hợp tác này đã và đang được chứng minh là mô hình hợp tác hiệu quả, giúp ngăn chặn, kiểm chế tốc độ gia tăng và hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả gây ra cho xã hội của tội phạm và tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, tình hình ma túy ở khu vực Đông Nam Á hiện vẫn diễn biến phức tạp, đáng lo ngại; xu hướng hợp pháp hóa việc xử dụng ma túy gia tăng, nhất là ma túy tổng hợp.

Vì vậy, các nước tham gia Bản thỏa thuận cần xác định rõ quan điểm và những nội dung trọng tâm cần tập trung hợp tác thời gian tới, đó là khẳng định tính chất nền tảng của 3 công ước quốc tế về kiểm soát ma túy, vận dụng linh hoạt, phù hợp với mỗi nước thành viên; xây dựng chính sách chiến lược kiểm soát ma túy của mỗi quốc gia và khu vực; tăng cường hơn nữa tính tự chủ, trực tiếp tham gia đóng góp và chia se trách nhiệm trong bối cảnh nguồn lực quốc tế dành cho công tác đấu tranh, phòng chống ma túy suy giảm.

Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Tiểu vùng sông Mekong năm 2015 phải thực sự là diễn đàn có chất lượng để thúc đẩy hợp tác, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và kết quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy ở mỗi nước; thảo luận thống nhất xây dựng những giải pháp chiến lược trong công tác phòng, chống ma túy và nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác đa phương cũng như song phương ở Tiểu vùng theo tinh thần Phụ lục sửa đổi lần thứ 2 Thư thỏa thuận hợp tác và triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 9”.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng, Quan chức Cấp cao cấp và đại diện Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc đã thảo luận về tình hình sản xuất, mua bán ma túy trái phép, xu hướng và thách thức của tệ nạn ma túy trong khu vực; thông qua bản kế hoạch hành động tiểu vùng sông Mekong nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và nâng cao năng lực giữa các bên liên quan.

Theo các đại biểu, lượng ma túy trái phép và tiền chất được vận chuyển tiếp tục gia tăng, đe dọa đến toàn khu vực. Hàng năm, các nhóm tội phạm có tổ chức thu lợi hơn 31 tỷ USD từ việc sản xuất, mua bán trái phép ma túy tổng hợp và heroin. Ma túy tổng hợp, đặc biệt là methamphetamine với nguồn cung ngày càng tăng, hiện là loại ma túy đe dọa nhiều nhất tới khu vực. Sản xuất methamphetamine trong các phòng điều chế bí mật là hệ quả tiếp theo của tình trạng thất thoát, buôn lậu các loại tiền chất thiết yếu.

Top