Thừa Thiên Huế: Đa dạng hóa các mô hình điều trị nghiện

19/09/2016 14:45

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện tại gia đình và cộng đồng, để nâng cao hiệu quả cai nghiện nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 tổ chức cai nghiện cho 100% người nghiện ma túy, trong đó ít nhất 70% được cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng.

Theo số liệu thống kê, đến giữa tháng 9/2016, tỉnh phát hiện 476 người nghiện các chất dạng thuốc phiện gồm: bồ đà, heroin, hàng đá, thuốc lắc. Trong đó, khoảng 60% người nghiện chích ma túy, tập trung chủ yếu ở thành phố Huế.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho người nghiện

Cơ sở điều trị Methadone tại Thừa Thiên Huế chính thức đi vào hoạt động tháng 11/2014. Đến tháng 5/2016, đơn vị đã điều trị cho 326 lượt bệnh nhân, hiện đang điều trị 213 bệnh nhân, vượt chỉ tiêu do chính phủ giao là 106,5%.

Theo đánh giá ban đầu, khoảng 75% bệnh nhân tham gia điều trị đã ổn định liều, phục hồi nhân cách, ổn định cuộc sống, 40 bệnh nhân đã tìm được việc làm, 10 bệnh nhân lập gia đình, 2 bệnh nhân sinh con.

Ngoài công tác thu dung điều trị, Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện tỉnh còn chú trọng tư vấn cho bệnh nhân về hỗ trợ tâm lý xã hội; tư vấn cho gia đình và nhóm hỗ trợ đồng đẳng trước, trong và sau quá trình điều trị; cung cấp các thông điệp, tư vấn về giảm nguy cơ bao gồm: tình dục và tiêm chích an toàn, nguy cơ sử dụng đồng thời các chất ma túy khác, dự phòng quá liều; cung cấp các phương tiện giảm nguy cơ như tài liệu, bơm kim tiêm, bao cao su; cung cấp thông tin liên quan đến các phương pháp điều trị kết hợp khác, giới thiệu, chuyển gửi các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị HIV/AIDS và dịch vụ xã hội khác.

Bên cạnh đó, chú trọng tư vấn về tác hại của các loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới.

Để đẩy mạnh công tác hỗ trợ, điều trị nghiện, Phường An Cựu, thành phố Huế đã được chọn làm thí điểm mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng” từ năm 2013. Theo đó, người nghiện ma túy tham gia mô hình này phối hợp với các tổ chức, ban ngành và gia đình thường xuyên tư vấn, vận động người nghiện cai nghiện, tuyên truyền phòng chống ma túy.

Mô hình này cũng giúp người đang cai nghiện tại cộng đồng, người sau cai nghiện và gia đình liên hệ với các dịch vụ y tế và xã hội khi cần thiết để giảm tỷ lệ tái nghiện, tăng cường sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người sau cai nghiện, tạo điều kiện cho người nghiện phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã có 41/65 xã, phường, thị trấn có người nghiện thành lập "Tổ công tác cai nghiện ma túy".

Với mô hình này, người nghiện vẫn ở trong cộng đồng, được hỗ trợ cai nghiện. Tổ cai nghiện ở các địa phương không chỉ tư vấn, hỗ trợ điều trị cắt cơn mà còn trang bị cho người nghiện kỹ năng dự phòng tái nghiện thông qua tham gia sinh hoạt nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực.

Mô hình cũng là cầu nối giúp người nghiện tiếp cận các dịch vụ sau cai nghiện như học nghề, vay vốn, tiếp cận các doanh nghiệp, giúp người nghiện có được việc làm ổn định và phòng, chống tái nghiện hiệu quả. Nhờ vậy, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 728 lượt đối tượng; giúp 67 người nghiện được dạy nghề, tạo việc làm ổn định cuộc sống.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cai nghiện ma túy tại các cơ sở, gia đình và cộng đồng thông qua việc thực hiện đồng bộ các biện pháp. Đồng thời, cung cấp dịch vụ y tế, tâm lý, xã hội, lao động, việc làm để trên 50% số người nghiện ma túy tư vấn việc làm và tạo việc làm sau cai nghiện.
Top