Tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách về cai nghiện

19/12/2014 09:27

Thời gian tới, các cơ quan chức năng có liên quan cần khẩn trương tổ chức cai nghiện dưới nhiều hình thức khác như cai nghiện tại gia đình; nghiên cứu xây dựng các mô hình cai nghiện tại cộng đồng có hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng biện pháp cai nghiện bằng thuốc Mathadone...

 

Hội thảo “Thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy”

Ngày 18/12, tại TPHCM, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý các đối tượng nghiện ma túy hiện nay; đồng thời bày tỏ lo lắng trước tình trạng số người nghiện ma túy đang ngày càng tăng.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 200.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng tại TP.HCM, tính đến tháng 10/2014, đã có 19.213 người nghiện ma túy, tăng 33,55% so với năm 2013 và 102,94% so với năm 2009.

Tại TP.HCM, số người nghiện không có việc làm hoặc việc làm không ổn định là 75,48%; trong số người nghiện ma túy có 18,02% là học sinh, sinh viên, công nhân; 60% số người không nơi cư trú và số người tái nghiện chiếm 77,8%...

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý các đối tượng nghiện ma túy hiện nay là việc có hàng ngàn hồ sơ người nghiện tại các địa phương vẫn đang phải chờ quyết định của tòa án để đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, do chưa có quy trình rõ ràng, cụ thể.

Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, thuốc điều trị cũng đang khiến công tác quan trọng này gặp khó. Cụ thể, việc điều trị bằng Methadone mang lại hiệu quả nhưng lượng thuốc phân phối cho Thành phố còn ít; các trạm y tế chưa thể đáp ứng điều kiện của Bộ Y tế, thiếu nhân lực để thực hiện,...

Ngoài ra, tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng phổ biến trong khi số người nghiện ma túy tổng hợp được phát hiện, xử lý còn hạn chế; tình hình người nghiện mới trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến công tác cai nghiện ma túy hiện nay.

Nhận định về việc thực hiện chính sách cai nghiện ma túy, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt của TP.HCM trong việc thí điểm đưa người nghiện lang thang vào các trung tâm tiếp nhận các đối tượng xã hội; đồng thời nhấn mạnh, vấn đề giải quyết người nghiện là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục, lâu dài, các địa phương khác cần học tập kinh nghiệm của TP.HCM để triển khai có hiệu quả.

Cụ thể, thời gian tới, các cơ quan chức năng có liên quan cần khẩn trương tổ chức cai nghiện dưới nhiều hình thức khác như cai nghiện tại gia đình; nghiên cứu xây dựng các mô hình cai nghiện tại cộng đồng có hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng biện pháp cai nghiện bằng thuốc Mathadone...

Liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện không nơi cư trú đi cai nghiện tập trung, bà Mai khẳng định Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ sớm có những đề xuất để tháo gỡ.

Top