Thái Bình: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa điều trị Methadone

10/08/2015 16:07

Trong những năm gần đây, kết quả điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã giúp Thái Bình trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước có 100% huyện, thành phố triển khai cơ sở điều trị Methadone.

Điều trị Methadone cho người nghiện ma túy

Theo số liệu thống kê, hiện tỉnh Thái Bình đang điều trị Methadone cho 1.373 người nghiện ma túy tại các 9 cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở điều trị được đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Y tế 8 huyện, thành phố.

Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh đã triển khai được chương trình xã hội hóa điều trị Methadone. Sau hơn một năm triển khai, thu phí từ 5.000 đến 10.000 đồng/người/ngày đối với người điều trị, chương trình điều trị Methadone đã giúp nhiều người nghiện ma túy ổn định cuộc sống, cải thiện sức khỏe và tái hòa nhập cộng đồng.

Anh N.V.N, người điều trị Methadone cho biết: “Các thủ tục thu phí, mức thu phí đều được niêm yết công khai tại cơ sở điều trị.Mức thu phí từ 5.000 - 10.000 đồng/người/ngày là hợp lý, người bệnh đến điều trị được cán bộ tư vấn, hướng dẫn cụ thể, khi thu phí đều có biên lai; sau một thời gian điều trị, sức khỏe của tôi được cải thiện rõ rệt, tăng cân, tôi đã có việc làm, thu nhập ổn định”.

Để thực hiện tốt công tác này, Thái Bình đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường phối hợp chặt chẽ với công an trên địa bàn để tuyên truyền, vận động để các đối tượng nghiện nên điều trị tại các cơ sở điều trị Methadone.

Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ làm việc tại các cơ sở điều trị. Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình điều trị Methadone vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Số lượng cán bộ điều trị chưa đủ để đáp ứng yêu cầu công việc; việc xác nhận hồ sơ, thủ tục tham gia điều trị của một số bệnh nhân, một số địa phương còn khó khăn; kinh phí hỗ trợ mua trang thiết bị hạn hẹp; việc thu phí điều trị khó khăn; sự tuân thủ ở một số bệnh nhân chưa tốt, chưa chấp hành nghiêm túc theo chỉ định của bác sỹ; công tác phối hợp giữa một số ngành, đoàn thể với cơ sở điều trị chưa tốt nên gặp khó khăn trong vận động bệnh nhân đến điều trị...

Trong khi đó, mục tiêu của Đề án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên địa bàn tỉnh phấn đấu năm 2015, có khoảng 3.000 người và năm 2016 có trên 70% số người nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn được điều trị bằng thuốc Methadone. Đồng thời, phấn đấu giảm tỷ lệ và các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng tham gia điều trị; giảm tần suất sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng các chất dạng thuốc phiện trong nhóm đối tượng tham gia điều trị…

Nhằm nâng cao hiệu quả của Đề án, giúp các cơ sở điều trị Methadone đưa Nghị quyết số 14/NQ-HÐND ngày 10/7/2014 của HÐND tỉnh về phê duyệt quy định tạm thời mức thu phí điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Sở Y tế Thái Bình vào cuộc sống, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường đầu tư ngân sách cho các cơ sở điều trị, đẩy mạnh xã hội hóa. Sở Y tế tỉnh sẽ nghiên cứu bố trí, sắp xếp nhân lực và thời gian làm việc của cán bộ tại các cơ sở điều trị hợp lý, hiệu quả; phối hợp với Sở Tài chính tỉnh để đưa  ra hướng dẫn thu, chi cho các cơ sở điều trị.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn, quản lý thuốc Methadone, xử lý nghiêm vi phạm; đổi mới và đơn giản hóa các thủ tục, phương thức để thu hút đối tượng điều trị Methadone.
Top