Tay buôn thuốc phiện khét tiếng trở thành người giữ rừng

17/03/2015 09:23

Từng là “đại ca” giang hồ, chẳng biết sợ ai, vậy mà giờ ông Tăng Tống Khìn ở xã Bình Trung, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) trở thành một tấm gương trồng và bảo vệ rừng. Hơn thế, ông cũng tích cực tăng gia sản xuất, có thu nhập khá khiến không ít người nể trọng.

Ông Tăng Tống Khìn (bên phải)

Tay buôn thuốc phiện khét tiếng

Vừa bước vào tuổi 60, dáng người nhỏ nhưng ít ai nhanh mắt, nhanh chân như ông Khìn. Dường như, chính những thăng trầm, chìm nổi của cuộc đời đã khiến ông phải chạy nhiều hơn đi. Thậm chí phải làm việc 200% sức lực để kiếm cái ăn, cái mặc. Ông bảo rằng, quê gốc mình ở huyện Văn Qụan, tỉnh Lạng Sơn, cuộc đời mình dễ có thể viết được cả cuốn truyện ly kỳ.

Văn Quan ngày đó nghèo lắm. Ở giữa núi rừng heo hút, từ nhỏ Tống Khìn đã chịu bao vất vả. Do nhỏ con nên đi học thường bị bắt nạt. Có người hàng xóm bảo, cha mẹ đặt tên cho Khìn là lấy tên của quả núi gần nhà, sau này sẽ vững chãi, chẳng dễ bắt nạt đâu. Khìn chẳng mấy để ý đến điều đó, chỉ biết trong tuổi thơ của mình, lúc nào cũng phải cật lực mưu sinh. Chẳng biết người hàng xóm nói có đúng không, mà đúng vào năm Khìn học lớp 4 thì cậu đã đánh chảy máu hai bạn cùng lớn to con hơn mình, rồi từ đó không đi học nữa. Khìn sống bám vào nương, vào rừng, rồi năm 16 tuổi cùng cha mẹ chuyển về xã Bình Trung, huyện Cao Lộc theo dạng… di cư tự do. Họ dựng lều trong hang đá để trú ngụ, ngày đi hái măng, xuống suối bắt cá bán, chỉ đêm mới vào tá túc trong hang núi… Rồi được Nhà nước hỗ trợ, gia đình có mảnh đất cắm dùi. Vài năm sau, Khìn lấy vợ, nhưng cuộc sống khổ ải quá, bèn tính cách đi buôn.

Nhưng buôn cái gì đây, lấy vốn đâu ra? Tống Khìn kể: “Gia đình tôi lúc đó đến gạo nấu cháo còn chẳng có, huống hồ có vốn đi buôn. Tôi đã đi vay, đã thuyết phục hàng xóm nhưng đều bị từ chối vì họ nghĩ tôi không có khả năng trả nợ”. Quá bí, lại phẫn uất, Tống Khìn lại lên rừng đánh bẫy thú đem đổi gạo và bán, có khi chặt cả cây rừng đổi gạo hoặc bán. Số tiền dư ra Khìn dồn lại để buôn bán từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Ngày đó, có thời kỳ nhiều mặt hàng như thuốc lào, vải, lạc, xe đạp cũng bị cấm buôn. Thời gian này, Khìn đi học võ và mau chóng học được những tuyệt chiêu khiến cho nhiều “đại ca”, dân anh chị khác phải dè chừng. Một thời gian ngắn sau, Tống Khìn trở thành tay buôn khét tiếng ở khu vực biên giới Việt - Trung. Để sống được bằng buôn bán, tự Khìn phải chống trả quyết liệt các phe phái làm ăn khác. Do giỏi võ nên đánh nhau trận nào Khìn cũng thắng. Về sau người khác cứ gọi Khìn là “đại ca” và rất nể sợ!”

Chưa hết, chán buôn bán, giành giật, đánh đấm nhau quanh biên giới, Khìn giao việc làm ăn cho đàn em và chuyển sang buôn thuốc phiện. Thuốc phiện chủ yếu để đầu độc đám người cứ thích đánh đấm, chiếm thị trường của người khác. Mà Khìn thì không muốn mất đi nguồn lợi, nên phải lấy thuốc phiện để làm người khác mê mệt, nghiện ngập và phụ thuộc vào đoàn buôn. “Có thế mới dễ bảo”- Khìn nói.

Cuộc sống lang bạt cứ thế diễn ra. Tiền kiếm được rơi vào túi người khác và những cuộc ăn chơi. Tay trắng hoàn tay trắng, rốt cuộc vợ đói, con nheo nhóc. May thay, Khìn không dính án, không phải chịu phạt tù. Thế nhưng nhiều lúc Khìn cũng bứt rứt, thấy những ngày vô nghĩa trôi đi, thấy tiếc nuối một thời dẻo dai. Đến năm 1993, khi Nhà nước triển khai việc giao đất giao rừng cho người dân, Khìn xin được nhận khoán hơn 30ha rừng núi đá, chính thức từ giã việc buôn bán nhiều điều tiếng. Đây chính là khu vực núi rừng bị chặt phá tan hoang, không có ai nhận quản lý. Thế mà Khìn lại dám lao vào.

Khai phá đất hoang

Ngày ấy, dưới chân núi Lùng Sláy chỉ toàn cỏ dại, ông Khìn kể: “Ngày cả gia đình đưa nhau vào đó nhiều người bảo điên mới vào nơi cằn cỗi ấy. Nhưng tôi vẫn quyết tâm”. Ngày đầu để có cái ăn cho gia đình, vợ chồng ông đi làm thuê, xế chiều về vác dao lên núi phát quang cỏ dại, trồng cây gây rừng. Được hơn năm, Tăng Tống Khìn lại có một quyết định táo bạo, dồn toàn bộ số vốn ít ỏi dành dụm được mua cây mận cơm về trồng trên núi đá. Mấy năm sau vụ mận đầu tiên cho thu hoạch, cả nhà tôi gánh gồng từ núi xuống đường để bán, thấy ngon nên người mua rất đông, gia đình có thêm tiền bỏ vốn. Ngay sau đó, ông đi mua vài đôi dê thả lên núi, cùng với đó là nuôi lại và trồng mới các loại nghiến, gỗ thơm, lát, kháo...

Ông Khìn kể: “Thực phẩm hằng ngày của gia đình tôi cũng lại dựa vào rừng, như rau bò khai có sẵn không phải trồng cấy, chăm sóc, thịt chuột, thịt cầy cũng đánh được từ trong rừng, nuôi dê lớn lên thì bán lấy tiền...”.

May thay, rừng mau chóng cho màu xanh. Đàn dê cũng sinh sôi nảy nở, chẳng mắc dịch bệnh. Lúc cao điểm, trong rừng nhà ông có hàng trăm con dê, rau bò khai thì bán không kịp so với nhu cầu của thị trường. Đặc biệt là số lượng gỗ đã được phủ khắp hơn 30ha rừng. Xen canh giữa các cây ăn quả, ông Khìn còn trồng thêm loại rau bò khai - một loại rau đặc sản. Đây là cây cho thu nhập đều đặn. Phiên chợ nào ông cũng hái rau bò khai ra chợ Đồng Đăng bán. Hiện, ông Khìn có gần 3ha loại rau này.

Theo ông Khìn thì năm 2010 có vài thương lái từ tỉnh Bắc Ninh lên gạ ông bán gỗ quý trong rừng với giá 3 tỷ đồng, nhưng ông nhất quyết không bán. Ông bảo: “Tôi giữ rừng là để cho đời sau, có rừng tôi sẽ chăn nuôi được nhiều dê hơn, rau bò khai sẽ mọc dưới tán rừng rậm và gia đình tôi lại có thu nhập lâu dài, ổn định. Nếu bán rừng đi thì đời sau sẽ chẳng còn biết lấy cái gì để mà sống”. Để ngần ấy diện tích rừng không bị chặt trộm, ông Khìn phải dùng “luật rừng” để bảo vệ. Nhiều người dân trong khu vực nhòm ngó, không ít lâm tặc ở các xã xung quanh đến hớt tay trên. Không dùng luật được, nhiều lần ông phải lăn xả vào những màn đấu võ để bảo vệ thành quả của mình. Ông nhớ nhất là vào năm 2005, có một nhóm lâm tặc từ bên huyện Văn Quan đem theo cưa, dao, kiếm, súng kíp đến để chiếm rừng, chặt nghiến: “Lúc đó bọn nó có 5 thằng, nó giơ súng, dao lên bảo tôi “biến”, nếu không muốn chết thối trong rừng. Không để cho chúng kịp ra tay, tôi lao qua gốc cây tung người đá bay khẩu súng của thằng đứng giữa. Sau đó tôi tiếp tục đánh nhau với 4 thằng còn lại, bắt được một thằng giải lên chính quyền, ba thằng còn lại bỏ chạy...”.

Mấy năm sau, lại có nhóm người ở huyện Văn Quan đem theo cưa máy và vũ khí vào rừng định chặt trộm nghiến, táu. Ông Khìn một tay đánh nhau với cả 6 người, nhóm người lóp ngóp bò dậy van xin. Ông Khìn bảo: “Từ nay dám động vào rừng của tao, thì không có đường quay về đâu!”. Kể từ đó, không có nhóm người nào đến rừng ông Khìn nữa. Chỉ có vài vụ trộm lặt vặt, nhưng ông Khìn đã thả về. Giờ thì chẳng bao giờ gia đình ông phải lo thiếu ăn, ông nuôi cả đàn con trưởng thành, đi làm ổn định. Tăng Tống Khìn, năm xưa không một tấc đất cắm dùi nay đã trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chẳng những của xã, của huyện mà còn là tiêu biểu của tỉnh.

Ghi nhận ông Khìn, ông Hoàng Minh Thuấn - Phó trưởng Công an xã Bình Trung chia sẻ: “Ông Khìn dám nghĩ, dám làm, giờ là một người bảo vệ rừng có tiếng. Mô hình làm kinh tế của ông Khìn khiến nhiều người khâm phục. Nhất là cây bò khai, ông ấy đã phát triển đến 4 ha, vào mùa thu hoạch phải mượn thêm 3 người làm mới kịp”.

Top