Tâm sự của sơn nữ vướng vòng lao lý vì ma túy

07/07/2020 09:05

Theo chúng bạn về Hà Nội kiếm việc làm nhưng cuối cùng Hoàng Thị Hồng, SN 1985 ở Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn (Lào Cai) lại bén duyên với vùng đất mỏ Quảng Ninh. Bán hàng thuê cho một đại lý thời trang ở Móng Cái, thi thoảng Hồng lại được chủ nhà đưa qua biên giới lấy hàng mà không ngờ đó chính là bước ngoặt để chị ta dính dáng với một đường dây tội phạm mà giờ đây phải trả giá bằng bản án 18 năm tù.

Vì tham lam

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với phạm nhân này là thấy Hồng khá dè dặt và mặc cảm. Hồng kể rằng bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt từ năm 2010 và sau 2 năm tạm giam để điều tra, đến năm 2012, Hồng mới có án, được đưa về trại giam Hồng Ca cải tạo lao động. Được biết, Hồng là một “chân rết” trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Trung Quốc về Hải Phòng tiêu thụ. Theo bản án, chị ta đã 4 lần sang Trung Quốc lấy ma túy sau đó giấu vào các kiện hàng quần áo, vận chuyển về Móng Cái, Quảng Ninh giao cho đồng bọn.

Những đối tượng này nhận hàng từ tay Hồng mang về Hải Phòng tiêu thụ. Theo điều tra của cơ quan chức năng, tổng số ma túy mà Hồng đã tham gia vận chuyển là 1 kg ma túy đá và 1.000 viên ma túy tổng hợp. Mỗi chuyến hàng trót lọt, Hồng được trả công 10 triệu đồng. “Cứ nghĩ lại số tiền công mình nhận và bản án đang phải thi hành, tôi lại tự trách bản thân sao lại lú lẫn đến vậy. Chỉ vì tham một chút tiền công mà bây giờ tôi phải trả một cái giá quá đắt”, Hồng tâm sự.

Những ngày còn ở trại tạm giam Quảng Ninh, mỗi lần bưng bát cơm lên, Hồng lại nghĩ đến những ngày tháng còn tự do bay nhảy mắt lại ứa lệ. Hồng tiếc nuối những ngày tháng ở bên ngoài. Trong trại giam, mọi hành động, lời nói, cử chỉ đều không được nằm ngoài nội qui, qui định mà ngày bước chân vào trại cải tạo, những người khoác áo phạm nhân như Hồng đều phải học và ghi nhớ.

Hồng kể rằng chị ta là con gái út trong một gia đình nghèo nhưng luôn được cha mẹ quan tâm, đầu tư cho ăn học. Tuy nhiên học hết THCS, Hồng nghỉ ở nhà một thời gian rồi theo một người họ hàng ra Quảng Ninh bán hàng thuê cho một đại lý thời trang ở Móng Cái. Vì chủ cửa hàng chuyên đánh hàng quần áo về đổ buôn nên cứ cách hai, ba ngày, người này lại làm giấy thông hành qua cửa khẩu sang bên kia biên giới lấy hàng về.

Theo lời kể của Hồng thì thời gian đầu chị ta chỉ quanh quẩn ở cửa hàng làm một số công việc lặt vặt như mời chào khách tới xem hàng rồi gấp, xếp và kiểm đếm hàng tồn hàng ngày. Đến khi Hồng đã thạo việc rồi, mỗi lần qua biên giới lấy hàng, bà chủ lại cho chị ta theo cùng. Nếu như cứ yên phận sống với công việc đang làm để hàng tháng ngoài việc bao cơm nuôi và chỗ ở ra, Hồng được trả công 8 triệu đồng cũng đủ để dành dụm cho cuộc sống sau này. Thế nhưng Hồng lại nảy lòng tham và lóa mắt trước món tiền công 10 triệu đồng/lần cầm ma túy qua biên giới.

Nhớ lại ngày đó, Hồng bảo bà chủ không hề hay biết gì việc làm mờ ám của chị ta bởi những lần tháp tùng cùng bà chủ, Hồng luôn tỏ ra là người làm công chăm chỉ, sát sao và chu toàn. Chỉ những khi được bà chủ tin tưởng, nhờ đi một mình sang lấy hàng về, Hồng mới “đánh quả lẻ”.

Hỏi Hồng ai đã bắt mối cho chị ta buôn ma túy, nữ phạm nhân này cúi mặt, khẽ đáp: “Cũng là tình cờ gặp ở quán nước thôi. Người ta đặt vấn đề, nêu giá tiền công, mình ưng thì nhận lời”.

Theo lời Hồng thì ban đầu chị ta cũng phân vân nhưng khi thấy gói ma túy bé tẹo, có thể dễ dàng giấu vào trong kiện hàng thì Hồng đã đồng ý. Chị ta bảo rằng có lần nhét gói ma túy vào một túi bánh quy Goute, có khi là trong gói xôi ăn dở… Lần cuối cùng, chị ta giấu gói ma túy tổng hợp vào trong gói mì chính, bỏ vào túi xách tay, đến lúc làm thủ tục qua cửa khẩu thì bị phát hiện, bắt giữ.

Ngoài cải tạo lao động, các phạm nhân còn được tham gia văn hóa, văn nghệ

Tiếc nuối tuổi xuân

Ngày đi tù, Hồng chưa lập gia đình. Chị ta bảo thời gian đi làm thuê ở Móng Cái cũng trải qua vài mối tình nhưng đều không có kết quả nên mỗi lần thất bại lại tự an ủi bản thân rằng đi làm thuê để có tí vốn về quê lập thân và lấy chồng. Đâu ngờ khúc ngoặt cuộc đời đã đưa đẩy Hồng vào trại giam, đến lúc “trở về nhà thì chuyện chồng con coi như không nhắc nữa”, như lời chị ta tâm sự.

Hỏi lý do vì sao lâu rồi bố mẹ không tới thăm, có phải vì giận Hồng không. Nữ phạm nhân này trầm ngâm một lúc rồi nói như tự trấn an mình: “Tôi nghĩ là không đâu vì ngày còn ở nhà bố mẹ đều rất thương tôi. Lần nào xin nghỉ về quê ăn Tết hoặc giỗ chạp, ông bà đều giục tôi lấy chồng, bảo tôi không cần kiếm nhiều tiền đâu, lấy người nào thương mình là được. Nhưng mà biết ai thương mình thực lòng bây giờ”.

Hồng bảo nhớ nhà nhất là dịp lễ, Tết và hai ngày nghỉ cuối tuần. Trong khi bạn bè ngồi tán gẫu hoặc viết thư, Hồng cũng mang giấy bút ra viết nhưng rồi lại không gửi. Trong thâm tâm, Hồng rất muốn nói lời hỏi thăm bố mẹ nhưng rồi lại nghĩ biết đâu nhận được thư mình bố mẹ đã già yếu lại càng suy nghĩ hơn. Rồi chị ta tặc lưỡi bảo do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đường sá xa xôi, đi lại không thuận tiện nên để lúc nào hết hạn thì tự đi về, coi như một chuyến đi làm ăn dài ngày.

“Tôi không trách bố mẹ hay các anh chị bởi biết đâu trong lúc tôi ngồi đây oán trách thì ở nhà, mọi người đang tất bật lo toan để lo cho bọn trẻ có cái ăn, cái mặc. Biết đâu bố mẹ tôi tuổi cũng ngoài bảy mươi rồi, lại đau yếu bệnh tật mà các anh chị phải lo lắng thuốc thang”, Hồng tâm sự. Rồi chị ta cười xòa bảo may mà trong này còn có cán bộ, có bạn tù để trò chuyện, nói vài câu động viên nên cũng không cảm thấy buồn chán.

Nước da nâu mịn màng, Hồng bảo chưa có dự định gì cho tương lai bởi còn vài năm nữa mới mãn hạn. Hồng không dám dự tính trước một điều gì vì sợ đến lúc ra tù lại thấy lỗi thời. Chị ta chỉ mong sao không ốm đau để hoàn thành công việc của mình, năm nào cũng được xét giảm án để sớm ra tù.

Cải tạo ở đội bếp, Hồng bảo công việc thường xuyên tiếp xúc với nắng gió, khói và nhất là nhiệt độ cao từ bếp than tỏa ra nên mỗi khi đi lao động, Hồng lại trùm khăn kín mít, thế nhưng cũng chỉ đỡ rát mặt thôi. Đưa tay sờ vào những vết nám mờ mờ xuất hiện trên gò má, Hồng bảo trong này không có son phấn, kem dưỡng da nhưng không ai bảo ai, chị em phạm nhân luôn có ý thức bảo vệ nhan sắc của mình, thế nhưng cũng không ngăn được sự tàn phá của thời gian. Hồng bảo phụ nữ đẹp nhất là chục năm tuổi xuân thì chị ta đã phí hoài trong trại giam rồi, cứ nghĩ đến là không tránh khỏi tiếng thở dài.

Đang vui vẻ trò chuyện, Hồng bỗng dừng lại. Có thể chị ta đang nghĩ tới gia đình, tới cha mẹ già và thầm tự hỏi không biết giờ này bố mẹ đang làm gì. Dù không muốn thừa nhận mình là người có lỗi với cha mẹ thì chắc chắn người phụ nữ này đang xót xa lắm cho bản thân và cho đấng sinh thành vì những năm tháng sống trong hoài phí. Thế nhưng với thành tích là 2 lần được giảm án cho thấy Hồng đang rất nỗ lực trên bước đường cải tạo với một mục tiêu sớm được ra tù trở về để làm lại cuộc đời.

Top