Taliban liệu có thể xóa bỏ “nền kinh tế thuốc phiện” ở Afghanistan?

14/11/2021 15:30

Năm 1980, khi quân đội Liên Xô có mặt ở Afghanistan thì tại những vùng do Taliban kiểm soát, nông dân được khuyến khích trồng cây thuốc phiện. Nó đã tạo ra khoảng 120.000 việc làm toàn thời gian.

 

Một trong những chợ thuốc phiện ở Kandahar.

Đến năm 2020, thuốc phiện xuất xứ từ Afghanistan chiếm 90% lượng thuốc phiện trên toàn thế giới, mang lại cho Taliban khoảng 2 tỉ USD. Cuối tháng 8-2021, Taliban chính thức nắm quyền ở Afghanistan. Để có thể được quốc tế công nhận, Taliban tuyên bố sẽ xóa bỏ nền kinh tế thuốc phiện ở quốc gia này…

Nuôi chiến tranh bằng thuốc phiện

Trong suốt những năm từ 1980 đến tháng 8-2021, bên cạnh những khoản tiền do các tổ chức Hồi giáo cực đoan ủng hộ, thuốc phiện là một trong những nguồn tài chính quan trọng giúp Taliban duy trì cuộc chiến chống lại người Mỹ như họ đã từng chống lại quân đội Liên Xô. Nếu như năm 1989 - là năm mà Liên Xô rút khỏi Afghanistan, diện tích cây thuốc phiện được Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 41.000 ha thì năm 2020, con số này là 224.000 ha, hầu hết được trồng ở những vùng do Taliban kiểm soát. Sản lượng thuốc phiện thu được trong năm là 12.000 tấn.

Cuối năm 2001, Mỹ đưa quân vào Afghanistan sau vụ khủng bố của al-Qaeda vào Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới thì chỉ 1 năm sau, tướng Tommy Franks, người điều phối chiến lược của Mỹ ở Afghanistan tuyên bố: “Chúng tôi không phải là lực lượng đặc nhiệm chống ma túy. Nó không nằm trong chức trách của chúng tôi”.

Tuyên bố ấy được xem như thông điệp ngầm gửi đến các bộ tộc ở Afghanistan không đứng về phe Taliban, rằng người Mỹ không có ý định can thiệp vào hoạt động sản xuất thuốc phiện. Và mặc dù về sau, lúc thuốc phiện đã trở thành hiểm họa, chính phủ Mỹ đã bỏ ra không dưới 9 tỉ USD để tiêu diệt nó nhưng khi quân đội Mỹ và quân đội chính phủ Kabul đẩy lùi Taliban ra khỏi những vùng chủ lực của cây thuốc phiện như tỉnh Helmand ở miền Nam chẳng hạn, phía Mỹ chỉ quan tâm đến lĩnh vực an ninh, ngăn chặn Taliban trở lại bằng các biện pháp quân sự, mua chuộc thủ lĩnh của các bộ tộc để thu thập tin tình báo, còn việc triệt hạ những cánh đồng bạt ngàn cây thuốc phiện thì phần lớn do quân đội chính phủ Kabul tiến hành với sự hỗ trợ của máy bay Mỹ, ném bom hủy diệt những cơ sở chế biến thuốc phiện thành heroin.

Tuy nhiên trong nhiều cuộc càn quét, những cánh đồng trồng cây anh túc thuộc quyền sở hữu của những bộ tộc không theo Taliban vẫn thường được quân đội chính phủ Kabul làm ngơ vì chẳng ai muốn kẻ thù có thêm đồng minh mới.

Và thế là nền kinh tế thuốc phiện ở Afghanistan tiếp tục phát triển cho đến ngày Taliban làm chủ đất nước. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi chiếm được thủ đô Kabul, phát ngôn viên của Taliban là Zabihullah Mujahid tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đưa diện tích trồng cây anh túc trở lại con số 0”, đồng thời “mong mỏi quốc tế hỗ trợ bằng cách cung cấp cho nông dân các loại cây trồng thay thế cho cây anh túc”.

Theo các nhà phân tích chính trị, động thái của Taliban xuất phát từ việc chính phủ Mỹ đóng băng tài sản của Afghanistan trong các ngân hàng Mỹ ngay sau khi Taliban tiếp quản đất nước. Tiếp theo, các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm tê liệt lĩnh vực tài chính của Afghanistan, các tổ chức tiền tệ từng tài trợ 75% chi tiêu cho chính phủ Afghanistan cũng tạm dừng giải ngân, gây ra cuộc khủng hoảng ở quốc gia mà phần lớn phụ thuộc vào viện trợ.

 

Thành viên Taliban đánh giá sản lượng của một nông trại trồng cây anh túc để tính tiền thuế.

Giáo sư Jonathan Goodhand, chuyên gia về ma túy quốc tế tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc Đại học London cho biết, trong bối cảnh như vậy, việc tuyên bố cấm trồng cây anh túc của Taliban chỉ là một đòn gió nhằm che mắt phương Tây bởi lẽ việc bình thường hóa với Taliban phụ thuộc vào nhiều vấn đề chứ không phải chỉ riêng có thuốc phiện.

Giáo sư Jonathan Goodhand nói: “Taliban thừa biết một số bộ tộc ở miền Nam Afghanistan không quy phục họ. Nếu lệnh cấm trồng cây anh túc được thực hiện nghiêm ngặt, nó sẽ kích động những bộ tộc này nổi dậy, chưa kể một số công ty dược phẩm hợp pháp trên thế giới cũng nhập khẩu thuốc phiện từ các nhà sản xuất được cấp phép nhưng nhiều nhà sản xuất ấy lại mua thuốc phiên trực tiếp từ Afghanistan. Điều đó có nghĩa Afghanistan vẫn sẽ là nguồn cung cấp thuốc phiện bất hợp pháp khổng lồ, đóng vai trò quyết định trong việc chế tạo các loại thuốc giảm đau, thuốc gây mê và thuốc tâm thần, sử dụng trên toàn thế giới”.

Taliban thắng hay cây anh túc sẽ thắng?

Trên bản đồ thuốc phiện, Afghanistan chia thành hai phần.Ở miền Nam, khoảng 80% nông dân trồng cây anh túc; còn ở miền Bắc, phần lớn các bộ tộc đều chống lại việc này vì họ cho rằng nó đi ngược với giáo lý của đạo Hồi (gọi là Haram). Trước đây, người trồng cây anh túc ở miền Nam thường bán thuốc phiện cho những thương nhân ở vài quốc gia láng giềng để họ chế morphin và heroin;  nhưng bây giờ, heroin được sản xuất ngay trong nước. Khi nền kinh tế Afghanistan đứng trên bờ vực sụp đổ, những người bán thuốc phiện tại các chợ thuốc phiện ở miền Nam Afghanistan cho biết giá cả đã tăng vọt kể từ khi có tin Taliban cấm trồng cây anh túc.

Theo phóng viên AFP, chợ Howz-e-Madad chỉ là một trong hàng chục chợ thuốc phiện ở tỉnh Kandahar, nơi người mua và người bán ngồi quanh những tấm nylon trải trên mặt đất để thảo luận về giá cả. Tương tự như vậy, các chợ thuốc phiện ở tỉnh Helmand cũng họp công khai, nhất là vào mùa thu hoạch nhựa cây anh túc. Masoom, một người bán lẻ cho biết: “Cứ mỗi kg thuốc phiện, tôi kiếm được 25.000 rupee, cao hơn ở Kandahar vì thuốc của tôi đậm đặc, chất lượng tốt hơn, chiết xuất ra heroin cũng nhiều hơn”.

Khi được hỏi tại sao thương lái không mua ở Kandahar cho rẻ thì Mansoon trả lời: “Taliban thu thuế cả người bán lẫn người mua, đắt hay rẻ cũng đều phải đóng thuế, chưa kể “rừng nào cọp nấy”. Bạn không thể từ Helman đến Kandahar để tranh giành mối lái. Có thể bạn sẽ thành công trong một vài chuyến đầu nhưng những chuyến sau, chắc chắn bạn sẽ mất cả tiền lẫn thuốc, chưa kể bạn còn ăn đạn…”.

Ali Fasoud, gia đình 3 đời trồng cây anh túc ở Kandahar cho biết ông không tin Taliban có thể xóa sổ những nông trại trồng loại cây này ở Afghanistan: “Thứ nhất, họ không có đủ người để kiểm soát tất cả, đặc biệt là ở những vùng mà các bộ tộc không theo họ. Thứ hai, muốn xóa sổ thì họ phải có các loại cây trồng thay thế, giá trị kinh tế có thể không bằng cây anh túc nhưng cũng không chênh lệch nhiều. Thứ ba, họ phải có mạng lưới thủy lợi, phân bón, thuốc trừ sâu cùng những chính sách hỗ trợ nông dân và nhất là phải có thị trường ổn định cho nông sản mới. Tất cả những điều ấy bây giờ vẫn chỉ là con số 0”.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thu thuế từ thuốc phiện chỉ đủ cho Taliban nuôi dưỡng bộ máy quân sự của mình, còn những bộ phận khác trong xã hội thì đến lúc này vẫn phải tự bươn chải. Ông Abdulbari Umer, Thứ trưởng Bộ Y tế của Taliban cho biết Ngân hàng Thế giới tài trợ cho 2.330 trong số 3.800 cơ sở y tế của Afghanistan, bao gồm cả tiền lương nhân viên nhưng suốt 3 tháng nay, ngoại trừ những người do Taliban đưa vào để quản lý, còn thì đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng ở nhiều bệnh viện vẫn chưa nhận được đồng nào.


Lính Mỹ hành quân qua cánh đồng trồng cây anh túc trước ngày Kabul sụp đổ.

Thứ trưởng Abdulbari Umer nói: “Đây là thách thức lớn nhất với chúng tôi. Khi chúng tôi lên nắm quyền, Afghanistan không còn tiền, không có thức ăn, không có nhiên liệu cho xe cứu thương và các loại máy móc khác. Ngoài ra, bệnh viện cũng không có thuốc. Chúng tôi đã cố gắng tìm sự hỗ trợ từ Qatar, Bahrain, Arab Saudi và Pakistan… nhưng vẫn chưa đủ”.

Vì thế, nền kinh tế không thuốc phiện ở Afghanistan khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Mặc dù vài quốc gia đã nhắm đến nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của đất nước này nhưng nếu muốn khai thác, họ phải đặt quan hệ ngoại giao với Taliban, hay chí ít cũng là một văn phòng đại diện hoặc văn phòng kinh tế nhưng điều đó sẽ đối mặt với sự trừng phạt của Mỹ và khối EU. Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), ngay cả khi đại dịch COVID-19 hoành hành, diện tích cây anh túc ở các tỉnh miền Nam đã tăng lên 37% so với năm ngoái.

Chế phẩm heroin từ thuốc phiện được Taliban bán cho các băng nhóm ma túy như Camorra, Ndrangheta và Cosa Nostra ở Italia, các băng nhóm ở Corse, Marseille, Pháp, các tổ chức tội phạm ở Iran, Iraq, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… Barnett Rubin, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ về Afghanistan cho biết, thuốc phiện là “ngành công nghiệp lớn nhất của Taliban. Chúng tôi ước tính giá trị xuất khẩu của loại ma túy này - kể cả heroin và các khoản thuế, có thể lên đến 2,6 tỉ USD trong năm 2021”.

Trước đó, năm 2020, khi Taliban chưa nắm quyền, xuất khẩu của Afghanistan chỉ đạt 783 triệu USD, chủ yếu là những tấm thảm dệt tay, cây cam thảo cùng một số sản phẩm nông nghiệp khác như quả mơ, quả lựu. Tiến sĩ Yosef, chuyên gia về giống cây trồng thuộc Tổ chức Lương thực, Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, việc thay thế cây anh túc bằng cây mơ hay cây lựu sẽ không giúp ích được gì trong ngắn hạn vì phải mất từ 3 đến 4 năm, mơ hoặc lựu mới bắt đầu cho trái nhưng không may là việc xuất khẩu cần đến nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng như kho lạnh, thiết bị đóng gói phù hợp tiêu chuẩn quốc tế nên các cánh đồng trồng cây anh túc vốn đã hiện hữu từ hàng chục năm nay thì bây giờ vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Bà Christina Oguz, Trưởng Văn phòng UNODC tại Afghanistan nói: “Nhiều nông dân ở Afghanistan trồng cây anh túc vì họ nghèo, không có đất để sản xuất. Họ phải thuê đất nên nếu thay đổi loại cây trồng mà không có những chính sách phù hợp thì có lẽ cũng chẳng giải quyết được gì…”.

Đầu năm 2021, trước khi sụp đổ, Chính phủ Afghanistan dự kiến tiền viện trợ chiếm 50,3% ngân sách, cộng với khoản vay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ giúp giải quyết thâm hụt tài chính. Tuy nhiên, ngay sau khi Taliban kiểm soát toàn bộ Afghanistan, IMF tuyên bố Afghanistan do Taliban cai trị sẽ không nhận được bất kỳ một đồng nào trong số 440 triệu USD đã được IMF phân bổ. Bên cạnh đó, 9,4 tỉ USD dự trữ ngoại hối của chính phủ Kabul gửi ở các ngân hàng nước ngoài cũng sẽ không được giao lại cho Taliban chừng nào mà các vấn đề thuộc về nhân quyền và ma túy chưa được cải thiện.

Năm 2005, ông Hamid Karzai, lúc ấy là Tổng thống Afghanistan đã nói trong một hội nghị bàn về việc loại trừ cây anh túc: “Hoặc Afghanistan tiêu diệt thuốc phiện, hoặc thuốc phiện sẽ tiêu diệt Afghanistan”. Đứng về phương diện kinh tế, câu nói này ít nhiều cũng tác động đến giới lãnh đạo Taliban nhưng họ khó có thể tiến hành một cách hiệu quả lệnh cấm trồng cây anh túc - kể cả khi họ thực sự mong muốn, bởi lẽ nguồn ngân sách cạn kiệt trong bối cảnh các lệnh cấm vận chưa biết chừng nào mới được dỡ bỏ, sẽ thúc đẩy Afghanistan phụ thuộc nhiều hơn vào loại cây giết người này…

 

Top