TP.HCM: Sẵn sàng tiếp nhận học viên cai nghiện

20/11/2014 14:52

Tại một số cơ sở cai nghiện trên địa bàn TP.HCM, các công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất cho đến nguồn nhân lực đều đã sẵn sàng để tiếp nhận học viên đến cai nghiện ngay trong thời gian tới.

Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (TP.HCM) đã sẵn sàng tiếp nhận học viên cai nghiện. Ảnh VGP/Đỗ Cường

Nhiều cơ sở sẵn sàng

Tại TP.HCM, Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân và Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu (quận Bình Thạnh) là hai đơn vị được Thành phố giao trách nhiệm thực hiện công tác quan trọng này.

Theo ghi nhận của PV tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân (trực thuộc lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM) ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, cở sở vật chất nơi đây khá khang trang.

Ông Trần Hữu Thám - Phó Giám đốc Trung tâm Nhị Xuân cho biết, trung tâm sẵn sàng tiếp đón từ 1.500 đến 2.000 học viên. Về công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất cho đến lực lượng cán bộ công nhân viên, đến nay Trung tâm đã thực hiện đầy đủ và sẵn sàng đón tiếp học viên vào cai nghiện.

Thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh nhân cai nghiện ma túy. Ảnh VGP/Đỗ Cường

Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân có diện tích 28ha, với gần 200 cán bộ, công nhân viên thường xuyên công tác. Trung tâm hiện có 5 đội quản lý học viên, trong đó có 3 đội bắt buộc và 2 đội tự nguyện.

Ông Phan Quốc Trạng - Đội phó Đội quản lý học viên số 1 cho biết, hiện mỗi đội có 10 phòng, mỗi phòng có từ 10 đến 15 giường đôi, có thể ở được khoảng 30 học viên. Trong khuôn viên, mỗi đội có đầy đủ các khu vực văn nghệ, phòng đọc sách, nghe nhạc, sân bóng đá, cầu lông, bida... bên cạnh việc lao động, tham gia trồng rau sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của chính học viên cai nghiện.

Phòng lưu trú dành cho học viên được bố trí gọn gàng, sạch sẽ. Ảnh VGP/Đỗ Cường

Tại khu vực y tế, nơi tiếp nhận và điều trị các học viên, bác sĩ Lê Thanh Quyết cho biết, Trung tâm hiện có 2 khu y tế, một khu điều trị cắt cơn, giải độc và 1 khu điều dưỡng. Mỗi khu gồm có 18 phòng (3 phòng nhân viên, 4 phòng khám cận lâm sàn cấp cứu, 1 phòng cấp cứu, 5 phòng cắt cơn và 4 phòng lưu bệnh nội trú). Mỗi phòng có 4 - 5 giường bệnh.

Về trang thiết bị y tế, Trung tâm đã trang bị 1 máy chụp x-quang, 1 máy điện tim, 1 máy siêu âm, 1 máy xét nghiệm máu, nước tiểu… Cơ số thuốc phục vụ công tác điều trị, cắt cơn, giải độc cũng đã được Trung tâm chuẩn bị đầy đủ, có thể đáp ứng tiếp nhận 1.500 bệnh nhân đến điều trị ngay trong thời gian tới.

Tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu, ông Lê Bá Hoàng - Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đang gấp rút tiến hành việc sửa chữa, chỉnh trang phòng ốc, sẵn sàng tiếp nhận người nghiện theo chỉ đạo của thành phố.

Ngoài các phòng lưu trú cho học viên, Trung tâm đang xây dựng một số phòng chức năng khác, dành cho đại diện các ban ngành liên quan đến làm việc như: tòa án, viện kiểm sát, tư pháp, công an. Về nguồn nhân lực, Trung tâm đang tăng cường lực lượng y, bác sỹ nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe, cắt cơn, giải độc cho người bệnh. Dự kiến ngày 25/11 tới, việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở sẽ hoàn tất để có thể tiếp nhận ngay người bệnh.

Theo ông Hoàng, với hệ thống trang thiết bị, lực lượng cán bộ như hiện nay, mỗi đợt, Trung tâm Bình Triệu có thể tiếp nhận từ 400 - 500 học viên cai nghiện ma túy.

Thời gian tới, cùng với các biện pháp điều trị cắt cơn giải độc, trung tâm sẽ tập trung thực hiện công tác tư vấn tâm lý, giúp đỡ người bệnh vượt qua khó khăn. Học viên đến Trung tâm, sau từ 1 - 2 tháng chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý… sẽ được chuyển tiếp đến các trường của Trung tâm ở Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Dương để tiếp tục điều trị duy trì.

Sớm tiếp nhận học viên trước tháng 1/2015

Thực tế thời gian qua, tại TPHCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, việc tiếp nhận đưa người vào trung tâm cai nghiện tập trung gặp nhiều khó khăn do vướng nhiều thủ tục; số lượng lớn người nghiện ma túy lang thang, không nơi cư trú được cho là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.

Để giải quyết vấn đề này, giải pháp cấp bách được đưa ra là khẩn trương thành lập các trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ người nghiện ma túy lang thang, không nơi cư trú.

Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, cơ sở vật chất để quản lý, giúp đỡ, đào tạo, chăm lo cho người nghiện trên địa bàn Thành phố gồm có 14 trung tâm (10 trung tâm chữa bệnh bắt buộc và 4 trung tâm khác) được xây dựng tại một số tỉnh, thành lân cận với sức chứa khoảng 33.000 người.

Theo đề án thí điểm, thời gian tới, khi phát hiện người nghiện (trong diện đưa đi chữa bệnh bắt buộc), lực lượng công an sẽ tiến hành lập hồ sơ đưa người nghiện vào trung tâm, thực hiện khám chữa bệnh, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý. Trong quá trình này, công an, viện kiểm sát, tòa án, lao động tiến hành thẩm tra hồ sơ theo quy định, nếu đủ điều kiện sẽ đưa ra tòa án xem xét.

Khi tòa án ra quyết định đưa đi cai bắt buộc, các trung tâm Nhị Xuân, Bình Triệu sẽ có nhiệm vụ trung chuyển đến các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Dự kiến, khi hồ sơ từ phường xã đưa lên, trong vòng 10-15 ngày là hoàn tất.

Ông Trần Trung Dũng khẳng định, với công tác chuẩn bị khẩn trương và quyết liệt như hiện nay, TP.HCM sẽ sớm hoàn tất công tác đưa người nghiện lang thang vào các trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội trước tháng 1/2015.

Top