Sống thêm lần nữa

01/01/2012 17:03

Họ, những người đàn ông từng có một quá khứ yêng hùng, ra tù vào tội. Thậm chí có người làm bạn với ma túy và đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV. Những cái tên như Chiến "Tân”, An "đại ca”, Dũng "hoàng tử”... một thời trở thành nỗi ám ảnh của người dân khu vực cửa khẩu Cầu Treo. Giờ đây, cùng với sự giúp đỡ của các chiến sĩ Biên phòng, họ đang lặng lẽ làm lại cuộc đời.

Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - nơi các chiến sĩ Biên phòng giúp những kẻ lầm đường như Chiến "Tân” làm lại cuộc đời

Giã từ quá khứ…

Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo những ngày cuối năm 2011, gió bấc cuộn sương mù rít lên từng hồi. Cái lạnh tái tê như có thể làm đông cứng mọi hoạt động trên mặt đất. Giáp Tết, những chuyến hàng quá cảnh qua Cửa khẩu nhiều hơn nên công việc của đội quân bốc vác thuê cũng vì thế bận rộn hơn ngày thường. Dưới cái lạnh thấu xương, những người đàn ông gầy guộc vẫn cần mẫn như đàn kiến, vác từng bao hàng nặng trĩu, chuyển từ container từ xe này sang xe khác. Trong hơi sương, thật khó có thể phân biệt được họ - những người trong đội bốc vác "đặc biệt” - với những người làm nghề bốc vác khác.

Sở dĩ chúng tôi gọi họ là "đội quân đặc biệt” là bởi, mỗi người trong đội bốc vác thuê ấy đều có một quá khứ "gồ ghề”, dao búa. Trong số đó, có cả những người mà thời gian ở lại "cõi trần” chỉ còn lại như chiếc đồng hồ đếm ngược vì căn bệnh thế kỷ. Mỗi số phận là một câu chuyện dài dằng dặc trong hành trình gập ghềnh tìm về nẻo thiện - nơi họ được sống phần đời còn lại đúng nghĩa làm "người”.

Ngay từ lúc trời chưa sáng, họ đã í ới gọi nhau đi làm. Nhưng không phải lúc nào cũng có việc. Khi được thuê bốc vác hàng chuyển từ xe này sang xe khác, mỗi người một việc phân công nhau cùng làm. Người khỏe đỡ người yếu. Hết buổi, họ cùng nhau trở về lán nghỉ của đội. Tiền công thu được trong ngày sẽ chia đều cho mọi thành viên. Và theo lệ, tùy tâm mỗi người sẽ đóng góp một phần nhỏ vào quỹ chung của đội. Số tiền ấy được dành để thăm hỏi, giúp đỡ những anh em trong đội lúc đau ốm hay gia đình có việc hiếu hỉ.

Gặp chúng tôi khi vừa chuyển xong bao hàng cuối cùng lên chuyến xe sớm, Chiến "Tân” - Đội trưởng đội bốc vác "đặc biệt” cười bảo: "Lam lũ và cực nhọc, nhưng với chúng tôi, liệu có con đường nào nhẹ nhàng hơn để làm lại cuộc đời hả chú?!” – anh cười mà nghe buồn lạ. Chùi vội đôi bàn tay thô ráp vào vạt áo, Chiến móc trong túi quần ra điếu thuốc lá nhàu nhĩ rồi quẹt lửa. Qua làn khói thuốc, khuôn mặt góc cạnh đầy râu của Chiến như sạm lại, câu chuyện về một quá khứ dữ dội của tay anh chị vùng biên cứ thế được anh hồi tưởng lại chậm rãi, đều đều như một cuốn phim quay chậm.

"Với chúng tôi, liệu có con đường nào nhẹ nhàng hơn để làm lại cuộc đời?”

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em nhưng nghèo. Cái nghèo đeo đẳng, di truyền từ đời ông, bà cố của anh sang đời bố mẹ anh rồi đến anh. Học chưa hết phổ thông, Chiến đã phải theo bố mẹ vào rừng lấy củi đem về chợ thị trấn bán, cuộc sống cứ thế đắp đổi qua ngày. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Cửa khẩu Cầu Treo trở thành Cửa khẩu quốc tế sầm uất. Cuộc sống của anh cũng theo đó thay đổi. Thồ, vác hàng thuê, trông coi, bảo vệ hàng... ai thuê gì anh làm nấy miễn là có tiền. Chuyện kiếm tiền lúc này với Chiến dễ như "trở bàn tay”. Rồi những cuộc đụng độ nảy lửa do tranh giành mối hàng đã biến Chiến trở thành một tay anh chị từ lúc nào không hay. Có chút tiếng tăm, Chiến thu nạp thêm nhiều chân tay, lập thành băng nhóm chuyên đi bảo kê, đòi nợ thuê, vác hàng lậu qua biên giới. Kẻ nào cản đường làm ăn của Chiến, gã lập tức "hạ lệnh” cho đàn em "xử đẹp” bằng dao kiếm. Trong một thời gian dài, đối với dân buôn hàng đường dài qua Cửa khẩu Cầu Treo, gã là hung thần có quyền năng tối thượng. Có nhiều tiền, gã bắt đầu ăn chơi, hưởng thụ để bù lại những tháng ngày cơ cực đã qua. Cùng với những đêm thâu bên chiếu bạc, gã đã bập vào ma túy. Lúc này, những việc làm ăn phi pháp của Chiến và đàn em đã rơi vào tầm ngắm của lực lượng công an và Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo. Chiến bị bắt khi đang mua ma túy để sử dụng. Với gã, khi ấy tất cả đã chấm dứt.

Sau khi thụ án, Chiến trở về cuộc sống đời thường với hai bàn tay trắng và sự ghẻ lạnh, xa lánh của người đời. Với họ, anh là kẻ bất trị, trước sau gì rồi cũng "ngựa quen đường cũ”. Không những thế, tất cả người thân trong gia đình của Chiến đều phải chịu không ít tủi nhục do anh gây ra. Nhưng rồi những cứu tinh thực sự của đời anh đã xuất hiện, đúng lúc anh đang chới với. Anh được các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo đưa vào làm tại đội bốc vác. "Khi có trong tay nhiều tiền, nhiều đàn em sẵn sàng xả thân vì mình. Trong những cơn phê thuốc triền miên đã có lúc tôi ảo tưởng rằng mình đã ở trên đỉnh cuộc đời, nhưng không phải. Tất cả chỉ là hư ảo. Với tôi, phần đời ấy xem như đã chết. Giờ được sống thêm lần nữa, tôi luôn tâm niệm, sống cho thật ý nghĩa!” – Chiến nói với chúng tôi mà giọng anh nghe như đang cầu kinh. Bố Chiến - ông Nguyễn Đình Hòe tâm sự: "Khi ấy gia đình chúng tôi đã bất lực! Nhưng những người lính Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã không bỏ cuộc. Họ đã cứu nốt phần đời còn lại của con tôi.”

Nguyễn Văn An - một thành viên trong đội bốc vác "đặc biệt” cũng lân la góp chuyện: "Trước đây tôi cũng từng có một quá khứ như anh Chiến, chơi bời nghiện ngập, vào tù ra tội. Sau khi ra tù thì tôi chán nản với cuộc đời. Nghĩ mình không còn tương lai nhưng cùng với sự động viên của chính quyền, gia đình, đặc biệt là các anh Bộ đội Biên phòng đã giúp tôi trở lại làm người đúng nghĩa.”

Phần đời làm "công dân loại ba” khiến cho họ bị người đời lên án, cha mẹ, vợ con tủi nhục giờ đã trở thành quá khứ. Một quá khứ không mấy tốt đẹp để nhung nhớ, nhưng có lẽ với họ, đó là một bài học đắt giá về sự làm người. Còn với gia đình họ, những người mẹ, người vợ chỉ biết âm thầm khóc trước sự xa lánh của hàng xóm láng giềng thì nay đã lấy lại được niềm tin và nghị lực sống.

Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) khen thưởng kịp thời cho đội bốc vác "đặc biệt” vì đã góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn

 Cứu tinh của những cuộc đời lầm lỗi

Cùng sát cánh bên những mảnh đời lầm lỗi kia trong hành trình làm lại cuộc đời là những người lính Biên phòng. Hiểu được họ, có lẽ không ai khác ngoài những người lính Biên phòng đang đứng chân tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Các anh thuộc tên, nhớ mặt và quãng đời quá khứ của từng người. Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo xác định được rằng, để cứu họ, không có con đường nào khác ngoài sự đồng cảm sẻ chia, sự quan tâm tận tình. Đội bốc vác được thành lập với gần 60 đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện hút...

Hầu hết mọi thành viên của đội bốc vác đều đã cai được ma túy và trở về với cuộc sống đời thường. Không những vậy, đội bốc vác "đặc biệt” này còn là đội quân "tai, mắt” cho lực lượng chức năng trước những sự việc bất thường ở Cửa khẩu. Bất cứ một đối tượng lạ, có biểu hiện nghi vấn hay một chuyến hàng khả nghi đều được họ nhanh chóng báo cho các cán bộ, chiến sỹ. Quyết định táo bạo của những người lính Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ngày nào giờ đã cho trái ngọt. Hầu hết các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo phá án thành công trong 5 năm qua đều có sự góp sức của họ.

Tâm niệm, "sống sao cho cho thật ý nghĩa” của những con người trên hành trình phục thiện này được thể hiện qua những điều giản dị. Họ luôn có mặt tại các đám hiếu hỉ trong làng, xã hay những hộ nghèo khó. Dù chỉ giúp được dăm ba việc vặt như khênh cái bàn, xếp cái ghế, dọi lại một nóc nhà dột cho xóm giềng... nhưng, đó là lời sám hối muộn mằn của họ đối với cuộc đời, là cách để họ tìm lại tình thương yêu của mọi người.

Theo báo Đại đoàn kết

Top