Sơn La: Trọng điểm của trọng điểm về ma túy

17/12/2014 12:57

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công An), tuyến Tây Bắc luôn là tuyến trọng điểm, phức tạp nhất về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, trong đó tỉnh Sơn La được coi là trọng điểm của trọng điểm này.

Lực lượng chức năng vây bắt các đối tượng buôn ma túy - Ảnh minh họa

Tội phạm ma túy chuyên nghiệp có vũ trang

Sơn La là tỉnh miền núi có địa hình hiểm trở, diện tích rộng, giao thông đi lại khó khăn; có đường biên giới dài giáp ranh với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; đặc biệt bị ảnh hưởng do vị trí địa lý gần khu vực “tam giác vàng” là trung tâm sản xuất ma túy hàng đầu thế giới. Ở đây, dân cư chủ yếu là người dân tộc có trình độ thấp, đời sống khó khăn, thường xuyên bị các loại tội phạm và thế lực chống phá lôi kéo, kích động, trong đó tội phạm về ma túy. Các đường dây tội phạm ma túy được hình thành mang tính chất dòng họ, khép kín; hoạt động liều lĩnh, manh động.

Theo Phòng CSĐTTP về ma túy, Công an tỉnh Sơn La (PC47), nguồn ma túy được mua bán, vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” sau đó được tập kết ở bên kia biên giới tại nước bạn Lào rồi được vận chuyển về Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau, loại ma túy chủ yếu là heroin, hồng phiến. Phương thức chủ yếu là do các nhóm đối tượng có vũ trang vận chuyển theo đường mòn, đi cắt rừng.

Trong đó nổi cộm là địa bàn xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ và vùng phụ cận thuộc xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Các toán, tốp đối tượng từ 5 đến 55 tên có vũ trang (được trang bị súng AK, Cacbin, Samblech, súng ngắn, lựu đạn…) vận chuyển số lượng lớn ma túy (từ 100-500 bánh heroin/chuyến) thường xuyên xâm nhập trái phép qua biên giới vào địa bàn tỉnh Sơn La. Chúng manh động chống trả các lực lượng chức năng bằng vũ khí quân dụng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Báo cáo của Công an tỉnh Sơn La cho biết, trong năm 2014, lực lượng CSĐTTP về ma túy của tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 847 vụ, 1.223 đối tượng phạm tội về ma túy, với tang vật thu giữ gồm: 156,3 kg heroin; 5,2 kg nhựa thuốc phiện; 96.162 viên ma túy tổng hợp; 14 súng quân dụng, 10 súng tự chế, 355 viên đạn và nhiều tang vật khác liên quan đến hoạt động tội phạm ma túy.

So với năm 2013, tăng 96 vụ, 169 đối tượng; tăng 86,1 kg heroin, giảm 51.023 viên MTTH (dạng hồng phiến), 5 kg thuốc phiện.

Thực hiện hiệu quả những phương án đấu tranh

Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng C47, Bộ Công An cho biết, tội phạm ma túy có chiều hướng hoạt động ngang nhiên, trắng trợn hơn. Từ đầu năm 2014, C47 đã có kế hoạch phối hợp với Công an tỉnh Sơn La lập các chuyên án đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào. Trong đó, phương án 279 về đấu tranh với tội phạm ma túy để giải quyết địa bàn trọng điểm về ma túy tại xã Loóng Luông, huyện Mộc Châu (nay là huyện Vân Hồ) tỉnh Sơn La, đã được triển khai thực hiện quyết liệt.

Qua hơn 1 năm thực hiện phương án đã thu được nhiều kết quả rất quan trọng. Bước đầu đã ổn định được tình hình, làm giảm đáng kể tệ nạn và tội phạm ma túy trên địa bàn; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác tuyên truyền vận động quần chúng đạt được nhiều kết quả và đi vào chiều sâu, quần chúng nhân dân đã tin tưởng, ủng hộ và cam kết không tham gia các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy...

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện phương án, lực lượng Công an đã tổ chức đấu tranh thành công chuyên án 279-LL, bắt giữ các nhóm tội phạm có vũ trang vận chuyển trái phép chất ma túy từ bên kia biên giới vào nội địa thuốc huyện Vân Hồ và vùng lân cận. Qua 3 giai đoạn đã bắt giữ 9 đối tượng (trong đó có 2 đối tượng đã chết do bị thương nặng). Tang vật thu giữ 210 bánh heroin, 9 khẩu súng quân dụng, hàng trăm viên đạn và nhiều tài liệu khác liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng; ngăn chặn đáng kể nguồn ma túy thẩm lậu vào địa bàn.

Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế giữa Sơn La và các tỉnh Bắc Lào cũng được chú trọng. Lực lượng chức năng của hai nước Việt Nam và Lào đã hợp tác có hiệu quả trên nhiều phương diện như: thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động phạm tội ma túy; tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tội phạm ma túy cho cán bộ của các cơ quan phòng, chống tội phạm ma túy nước bạn. Đồng thời phối hợp triển khai các kế hoạch giải quyết điểm nóng phức tạp về ma túy ở khu vực biên giới, tổ chức xác minh, bắt giữ đối tượng phạm tội ma túy, đối tượng truy nã... nhằm ngăn chặn từ xa nguồn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam.

Đại tá Phạm Văn Chình nhấn mạnh, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến này, thời gian tới, cần tích cực vận động các đối tượng truy nã, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, nhất là đối tượng phạm tội ma túy ra tự thú, để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Nếu không bắt, xử lý được những đối tượng truy nã này, thì tình hình ma túy ở địa phương sẽ vẫn diễn biến phức tạp, vì hầu hết những đối tượng tru nã về ma túy đều tự trang bị vũ khí, tiếp tục mua bán, vận chuyển ma túy và chống đối các lực lượng chức năng truy bắt đối tượng phạm tội.

Để từng bước ngăn chặn tiến tình trạng thẩm lậu ma túy qua biên giới, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy phải là lực lượng nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, đặc biệt chú trọng vào các tuyến và địa bàn trọng điểm, các điểm nóng phức tạp về hoạt động phạm tội ma túy; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tổ chức thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tại các địa bàn giáp biên tham gia phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy.

Top