Sẽ nhập thêm 21.000 lít methadone để điều trị nghiện ma túy

20/06/2014 09:05

Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, dự kiến đến cuối tháng 9, ngành y tế sẽ nhập thêm 21.000 lít Methadone để đáp ứng nhu cầu điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho bệnh nhân.

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, thuốc Methadone sử dụng cho bệnh nhân tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện hiện nay tại Việt Nam do Bộ Y tế làm đầu mối nhập khẩu đều do nguồn kinh phí tài trợ từ Chương trình Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) tại Việt Nam và Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS.

Điều trị methdone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe và tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh minh họa

Tính đến tháng 4/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 14 đợt với tổng số 183.228 lít thuốc methadone. Trong đó, chương trình PEPFAR hỗ trợ 143.240 lít, Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ 39.988 lít thuốc.

Trong tổng số thuốc Methadone đã nhập, hiện số thuốc đã sử dụng điều trị cho bệnh nhân là 123.475 lít, còn lại 59.727 lít thuốc Methadone đang được bảo quản, lưu giữ tại tổng kho của Công ty Dược phẩm trung ương I (CPC1).

Vừa qua, Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt danh sách 5 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất thuốc methadone phục vụ công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế giai đoạn 2010-2015. Đây là hoạt động tích cực nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tuyển chọn các công ty sản xuất thuốc trong nước tham gia vào công tác đảm bảo cung ứng đủ nguồn thuốc methadone cho việc duy trì và mở rộng điều trị bằng methadone.

Hiện tại, đã có một công ty dược của Việt Nam là Công ty Vidaphar sản xuất thành công methadone. Cục Quản lý Dược đã cấp số đăng ký để công ty này sản xuất. Dự án Phòng chống HIV/AIDS khu vực châu Á tại Việt Nam (HAARP) đã mua 2.400 lít thuốc methadone do Công ty Vidaphar sản xuất để điều trị cho bệnh nhân vào quý II năm 2014.

Giá thuốc methadone Việt Nam sản xuất là 700.000 đồng/lít. Các chương trình, dự án và các địa phương có đủ căn cứ pháp lý để tổ chức đấu thầu mua thuốc methadone sản xuất trong nước theo quy định của Luật Dược và Luật Đấu thầu.

Thời gian tới, để hoạt động điều trị Methadone đạt hiệu quả, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long đề xuất ngân sách Nhà nước phải là nguồn tài chính chủ yếu để triển khai điều trị liệu pháp duy trì bằng Methadone.

Cần phải tăng kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS hoặc xây dựng thành một Đề án riêng về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone để đảm bảo đủ ngân sách duy trì và kéo dài trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, kinh phí của Trung ương tối thiểu phải đảm bảo nguồn cung ứng thuốc điều trị cho các tỉnh không có hoặc hạn chế các nguồn thu (ưu tiên các tỉnh miền núi) và đào tạo nhân lực.

Ngoài ra, các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác để triển khai chương trình điều trị Methadone, tối thiểu phải đủ cho các hoạt động như đầu tư ban đầu, đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị thiết yếu. Đồng thời, chi phí vận hành thường xuyên, chi trả lương, phụ cấp cho nhân lực theo quy định hiện hành và đảm bảo kinh phí mua thuốc.

Song song với những giải pháp trên, ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng cần hoàn thiện cơ chế chính sách để thực hiện xã hội hóa công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Bộ Tài chính nên phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan ban hành khung giá dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ khám, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng nên đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác xã hội hóa điều trị tại địa phương theo các quy định hiện hành; cho phép thu phí một phần (10.000-15.000 đồng/người/ngày) để bù đắp một phần chi phí thường xuyên và trả lương cho cán bộ hợp đồng; tiếp tục ưu tiên phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ nước ngoài dành cho triển khai điều trị Methadone, đặc biệt là để đầu tư các trang thiết bị, đào tạo nhân lực và mua thuốc Methadoen để cấp phát cho các tỉnh khó khăn, không có khả năng cân đối ngân sách.

Chương trình điều trị Methadone đã mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh và toàn xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm trước điều trị là 64,4% đã tăng lên 75,9% sau 24 tháng điều trị. Nếu không tham gia điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone, trung bình một người bệnh tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (tức khoảng 84 triệu đồng/năm). Trong khi đó, chi phí điều trị trung bình cho 1 bệnh nhân chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/năm. Hiện ngành y tế đang điều trị cho 17.521 bệnh nhân, như vậy đã tiết kiệm được khoảng 1.470 tỷ đồng/năm.

 

 

Top