Phức tạp mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia

12/11/2015 15:05

Thời gian gần đây, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia diễn biến phức tạp, xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đan xen giữa tội phạm mua bán người và di cư tự do, xuất cảnh trái phép.

Các đối tượng trong 1 đường dây buôn người - Ảnh: Internet

Phụ nữ, trẻ em bị bán làm gái mại dâm

Theo báo cáo của Cục Tham mưu cảnh sát, Bộ Công an, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn TP.HCM, Cần Thơ và 10 tỉnh giáp biên giới Campuchia xảy ra 133 vụ mua bán người với 395 đối tượng, lừa bán 565 nạn nhân. Địa phương xảy ra nhiều như: Đồng Tháp 37 vụ, Tây Ninh 31 vụ, Đắk Nông 18 vụ, Đắk Lắk 11 vụ, Bình Phước, Cần Thơ 8 vụ. Trong đó, mua bán người qua biên giới Campuchia xảy ra 13 vụ, 44 đối tượng.

Qua điều tra cho thấy, lợi dụng đường biên giới mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua lại biên giới thuận tiện, một số đối tượng người Việt cấu kết với các chủ nhà hàng ở Malaysia, Singapore hình thành những đường dây đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép, lao động thời vụ, du lịch, kết hôn giả, qua Campuchia bằng đường bộ sang Thái Lan rồi qua Malaysia, Singapore, khi đến nước sở tại nhiều phụ nữ, trẻ em bị bán làm gái mại dâm, lao động cưỡng bức hoặc làm vợ bất hợp pháp, nếu muốn về nước bắt bồi hoàn từ 5.000 - 10.000 USD.

Một thủ đoạn nữa đó là đưa người Việt Nam chủ yếu là phụ nữ qua biên giới Campuchia đánh bạc và hoạt động mại dâm (tại 90 casino và trường gà phía biên giới Campuchia). Từ năm 2010 đến 2012, hàng ngày có từ 3.000 đến 5.000 phụ nữ tham gia, từ 2013 đến nay mỗi ngày có từ 1.500 đến 2.000 phụ nữ tham gia, nhiều phụ nữ thua bạc trở thành nạn nhân của các động mại dâm và cho vay nặng lãi.

Bọn tội phạm tổ chức thành những đường dây ép buộc đưa người Campuchia (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) sang Việt Nam ăn xin. Riêng TP.HCM và Long An từ 2011 đến nay đã thu gom, lập danh sách 2.011 người Campuchia sang Việt Nam ăn xin, đã phối hợp cơ quan chức năng Campuchia trao trả 61 đợt, 1.867 người, tuy nhiên trên 70% tái trở lại Việt Nam.

Ngoài ra tình hình hoạt động của tội phạm hình sự, buôn lậu, buôn bán hàng cấm, kinh doanh trái phép trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia diễn biến phức tạp, chủ yếu buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, điện thoại di động, hóa mỹ phẩm, đường cát, gỗ, lốp ôtô cũ…; các băng nhóm tội phạm hình sự hoạt động gia tăng như: mua bán vũ khí, vật liệu nổ, tiêu thụ xe máy trộm cắp, gây án bỏ trốn, đối tượng truy nã… đã tác động đến an ninh trật tự ở tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

Qua rà soát, lực lượng chức năng đã xác định 21 tuyến, 49 địa bàn trọng điểm, 70 điểm và tụ điểm thuộc khu vực biên giới Việt Nam như cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang), Tịnh Biên, Long Bình, Châu Đốc (An Giang), Thường Phước (Đồng Tháp), Xa Mát, Mộc Bài (Tây Ninh) và 54 casino, 36 trường gà bên đất Campuchia giáp Việt Nam thường xuyên thu hút người Việt Nam đánh bạc, cưỡng bức lao động, vay nặng lãi, hoạt động mại dâm có dấu hiệu mua bán người, dựng 87 dường dây, 235 đối tượng có biểu hiện hoạt động tội phạm mua bán người, lên danh sách đưa vào diện quản lý 356 đối tượng, lập danh sách hơn 1,1 nghìn nạn nhân bị bán ra nước ngoài, gần 60 nghìn phụ nữ kết hôn với người nước ngoài và gần 3 nghìn trẻ em cho người nước ngoài nhận làm con nuôi, hơn 1,6 triệu lượt người xuất cảnh trái phép sang Campuchia đánh bạc.

Từ năm 2011 đến hết quý I năm 2015, TP.HCM, Cần Thơ và 10 địa phương trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã khởi tố 87 vụ, bắt 238 đối tượng, giải cứu và tiếp nhận 659 nạn nhân. Trong đó khởi tố 13 vụ, 44 đối tượng, 73 nạn nhân bị bán sang Campuchia. Các địa phương đấu tranh đạt kết quả khá là Tây Ninh, Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Tháp…

Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng ngừa

Trước diễn biến phức tạp đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức đã được triển khai rộng khắp, lồng ghép và gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, các cuộc vận động do Bộ, ngành và địa phương đề ra nên đã thu hút được nhiều người tham gia, nhân rộng nhiều mô hình phòng, chống tội phạm mua bán người hiệu quả, bền vững…

100% các địa phương đều đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp, xây dựng, củng cố và kiện toàn các tổ chức đoàn thể quần chúng phòng chống tội phạm ở cơ sở. Điển hình như Long An in cấp phát 111 nghìn tờ rơi, gần 1,2 nghìn tập san, 950 sổ tay pháp luật, 769 đĩa phim về phòng chống mua bán người, tổ chức tập huấn gần 2 nghìn lượt cán bộ cấp huyện, xã về phòng, chống mua bán người; Đắk Nông tuyên truyền 115 đợt với trên 2,2 nghìn lượt người tham dự, đặt 12 hòm thư tố giác tội phạm; Đắk Lắk tuyên truyền 390 cuộc với 3,2 triệu lượt người tham dự, thành lập và duy trì 668 câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, phát hành hơn 85 nghìn tài liệu truyền thông...

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Phụ nữ Campuchia và Ban Chỉ đạo 138/tỉnh Tây Ninh tổ chức chiến dịch truyền thông chung phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia với trên 1.000 người tham dự....

Hàng năm, Tổng cục Cảnh sát cùng với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và lực lượng Công an, Biên phòng các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia duy trì giao ban định kỳ với các lực lượng chức năng Campuchia thống nhất cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ chuyển giao tội phạm, chia sẻ kinh nghiệm và triển khai các kế hoạch phòng ngừa, tuyên truyền vận động quần chúng giữ gìn an ninh trật tự địa bàn biên giới 2 nước. Hầu hết các địa phương biên giới đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác và duy trì luân phiên tổ chức giao ban 3 cấp với các tỉnh Campuchia.

Theo Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát, thời gian tới, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người sẽ diễn ra phức tạp, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia và quốc tế. Lực lượng Công an mà chủ công là Cảnh sát hình sự cần phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho toàn xã hội, nhất là đồng bào dân tộc...

Top