Phòng chống HIV/AIDS: Trách nhiệm không của riêng ai

02/12/2015 08:56

HIV/AIDS đang là hiểm hoạ của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Những hậu quả do HIV/AIDS gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của đất nước nói chung và gánh nặng đối với tỉnh Sơn La nói riêng.

Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La đã phát hiện mới 3.846 người nhiễm HIV ở cả 12 huyện, thành phố. Trong đó, các huyện có số người HIV được phát hiện nhiều là: Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn và Sông Mã. Tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống/dân số là 0,66% - là tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV trên dân số cao so với các tỉnh trong cả nước.

Điều đáng nói là các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS tự nguyện đi xét nghiệm HIV/AIDS còn hạn chế, kể cả nhóm phụ nữ có nguy cơ nhiễm đang mang thai. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có hàng chục nghìn trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV/AIDS. Đó là những trẻ không nhiễm HIV nhưng sống cùng trong gia đình có người nhiễm HIV/AIDS; trẻ mồ côi bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ chết vì HIV/AIDS. Số trẻ em này chủ yếu sống trong các gia đình nghèo, cận nghèo. Kinh phí hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn hạn hẹp, kể cả việc huy động các nguồn lực cho công tác chăm sóc trẻ còn nhiều khó khăn.

Với mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,62% vào năm 2020, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về căn bệnh HIV/AIDS; phổ biến các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS đến tuyến cơ sở; đẩy mạnh công tác chăm sóc điều trị, giúp người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận được các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Riêng Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân tại các xã, bản về phòng chống HIV/AIDS, kiến thức dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, không kỳ thị với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS...

Trong 10 tháng năm 2015, Trung tâm đã phối hợp với các ban ngành, các địa phương trong tỉnh truyền thông cho gần 127.000 lượt người. Gồm các nhóm: Người nghiện chích ma túy, người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, người nhiễm HIV/AIDS, thành viên gia đình người nhiễm HIV, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ...

Các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ điều trị toàn diện HIV được triển khai đồng bộ. Hiện 9/12 huyện, thành phố có cơ sở chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, với 3.538 trường hợp bệnh nhân được quản lý, theo dõi, chăm sóc, trong đó 3.104 trường hợp điều trị ARV; 9 phòng khám ngoại trú điều trị phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp bằng thuốc ARV cho bệnh nhân AIDS; 3 cơ sở cung cấp dịch vụ lây truyền HIV từ mẹ sang con trọn gói đã tư vấn xét nghiệm HIV cho hơn 9.000 lượt phụ nữ mang thai. Đồng thời, điều trị dự phòng lây truyền mẹ con cho 17 phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV ( ).  Đã xét nghiệm HIV tại các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho 5.532 người (310 người dương tính với HIV). Đặc biệt, triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của các dự án và điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cho 1.068 người nghiện ma túy tham gia điều trị, góp phần giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng.

Để đạt 3 mục tiêu 90 vào năm 2020 (90% người nhiễm HIV được xét nghiệm và biết về tình trạng nhiễm HIV; 90% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế) và ngăn chặn HIV/AIDS lây lan, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Top